Ký ức về trận đánh cuối cùng của người lính đặc công

Xuất thân từ một người nông dân từ miền quê Thái Bình, nhờ lợi thế thông thuộc sông nước từ nhỏ, ông Phạm Duy Đô đã trở thành một người lính đặc công nước cừ khôi với nhiều chiến công hiển hách. Nhưng có lẽ, giây phút ông sẽ mãi không quên chính là trận đánh cuối cùng 40 năm trước ở trung tâm Sài Gòn, nơi ông tự hào được phất lá cờ của quân giải phóng ngay giữa dinh Độc Lập.

Từ “rái cá” thành đặc công nước

Thái Bình, quê hương “Chị hai 5 tấn”, nổi tiếng với khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”. Mặc dù đã 40 năm sau ngày đất nước đã thống nhất, song ký ức của người lính đã từng trực tiếp tiến vào dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975 vẫn còn nóng hổi như câu chuyện mới vừa diễn ra hôm qua.

Ký ức về trận đánh cuối cùng của người lính đặc công - 1

Ông Phạm Duy Đô (cầm cờ), ông Phạm Xuân Thệ (thứ 3 từ phải sang) trong những ngày tháng 4.1975 lịch sử

Chúng tôi tìm về tổ 6, phường Trần Lãm, TP Thái Bình vào một ngày cuối tháng 4, nhà của ông Đô là ngôi nhà gỗ cổ đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong con ngõ nhỏ. Ông Đô nay đã 65 tuổi, dáng người nhỏ nhắn song ông vẫn giữ được sự nhanh nhẹn của một người lính “Đặc công biệt động Sài Gòn” năm xưa.

Ông Đô cho biết, ông là con cả trong một gia đình bần nông có 7 anh chị em, trong đó có 5 anh em trai đều tham gia quân đội, bố mẹ là du kích đánh Pháp. Năm 1969, ông lên đường nhập ngũ thuộc Tiểu đoàn 5, Sư đoàn 305 (Đặc công nước). Sở dĩ ông được chọn vào sư đoàn đặc công nước, bởi ông đã trải qua nhiều vòng tuyển chọn. Ông Đô cho biết: “Khi chưa đi bộ đội, ở quê tôi được mệnh danh là rái cá, bởi tôi giỏi nhất là cái môn bơi lội. Nhà tôi ngay gần sông Hồng nên ngày nào chẳng luyện tập”.

Huấn luyện được 6 tháng, ông được Tiểu đoàn chọn là 1 trong 6 người bơi mẫu ở trường Lục quân 1 (Sơn Tây). Năm 1971, ông tiếp tục được chọn biểu diễn 3 nội dung cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro xem trong một chuyến thăm Việt Nam: Bơi qua sông Hồng đánh vào sân bay Gia Lâm, bơi qua sông Hồng đánh vào nội đô và bơi qua sông Hồng buộc bộc phá vào chân cầu Long Biên.

Ký ức về trận đánh cuối cùng của người lính đặc công - 2

Ông Phạm Duy Đô là một trong những người được Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu quý.

Cuối năm 1971, ông cùng 9 đồng đội hành quân vào Nam ở mặt trận 470 với nhiệm vụ xuống Long Thành bắt liên lạc với các lực lượng, đặc biệt là lực lượng biệt động thành, trinh sát các mục tiêu của địch để báo cáo về Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1972, với chức vụ Đại đội phó, ông Đô đã chỉ huy đại đội đánh vào Tổng kho Long Bình cùng với 2 mũi giáp công khác. Theo ông Đô kể lại, khi đó sau khi các mũi trinh sát đột nhập vào Tổng kho Long Binh thì hiện tất cả các cánh cửa ở kho đều bằng thép nên rất khó tiếp cận. Song trên nóc kho đều có các lỗ thông gió, với đường kính khoảng 1m. Nhận định đây là “chìa khóa” của trận đánh, ông báo cáo cấp trên và được chỉ đạo phải đo bằng được độ sâu của các lỗ thông gió này. “Chúng tôi tiếp tục đột nhập vào tận nơi, dùng gạch buộc sợi chỉ vào thả xuống để đo chiều sâu. Sau khi có thông số, chúng tôi đề nghị cấp trên cho may ruột tượng bằng ni lông, thả xuống lỗ thông gió rồi đổ thuốc nổ vào ruột tượng, cài kíp hẹn giờ. Với 9 người, từ 1 giờ - 4 giờ sáng chúng tôi đã đưa thuốc vào được 18 kho, vượt qua hàng chục lớp hàng rào thép gai” – ông Đô kể lại.

Ông Đô cho biết, vượt qua các hàng rào đã khó, việc đưa một khối lượng lớn thuốc nổ vào đổ vào ruột tượng còn khó gấp bội, bởi tất cả đều phải thực hiện mau lẹ, chính xác. Ông Đô tự hào nhớ lại: “Khoảng 4 giờ chúng tôi rút ra, khi vừa về đến căn cứ thì nghe tiếng nổ vang trời từ phía Tổng kho Long Bình. Chúng tôi thấy một cảnh tượng lạ kỳ nhất: Các phi đựng nước ở căn cứ phụt lên trời thành những cột nước cao vút”.

Cũng trong năm này, ông đã cùng đồng đội đánh Chiến đoàn 43 – Đây là nơi đào tạo sỹ quan để điều động đi các chiến trường của địch. Năm 1973, ông cùng đồng đội tiếp tục đánh vào Liên trường Thiết giáp của địch ở Thủ Đức. Năm 1974, ông tiếp tục đánh vào Liên trường này và bắt sống đại tá Kiệt, khiến lính Ngụy khiếp sợ.

Tự hào phất cờ giữa dinh Độc Lập

Trải qua hàng trăm trận đánh, với hàng chục vết thương trên người, là thương binh hạng 2/4, song Thượng úy Phạm Duy Đô vẫn bảo mình là người may mắn, bởi ông đã được trở về quê hương sau ngày giải phỏng, bởi ông là một trong những người vào dinh Độc Lập sớm nhất và chính ông là người đã phất lá cờ trên ban công dinh Độc Lập.

Ký ức về trận đánh cuối cùng của người lính đặc công - 3

Ông Phạm Duy Đô kể lại ký ức những ngày tháng 4.1975 lịch sử

Nhắc đến sự kiện này, ông lôi trong tủ ra cho chúng tôi xem những bản đồ trận đánh, hình ảnh của ông và đồng đội, đặc biệt là cuốn sách của Thượng tướng Trần Văn Trà, với tựa đề: “Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng – Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”. Trong đó ở trang 52 có đoạn viết: “Cùng vào dinh lúc đó có Trung tá Lê Minh – Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn, Đại úy Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ, Trung úy Đại đội trưởng Phạm Duy Đô và các chiến sỹ bảo vệ…”.

Tìm lại những kỷ niệm ngày đó, ông Đô chậm rãi kể: Ngày 28.4.1975, ông đã cùng Tiểu đoàn 19, E 11, Sư đoàn đặc công đánh vào khu vực kho Long Bình, đồng thời đánh vào Giang thuyền để bảo vệ cầu Rạch Chiếc. Khoảng 21 giờ, ngày 29.4.1975, ông Đô đã bí mật cắm cờ ở các cửa kho Long Bình và chân cầu Rạch Chiếc để bắt liên lạc với xe tăng. Khi gặp các xe tăng, ông đã thông báo rằng đặc công đã chiếm được bên này cầu, còn bên kia chưa tiếp xúc được. Khoảng 24 giờ, Đại đội trưởng Đô đã cử 3 chiến sỹ đặc công bơi sông để bặt bộc phá vào bốt điện bên kia cầu, cùng lúc 3 người khác bí mật leo trên cầu để tiêu diệt lính bảo vệ. Dưới chân cầu có tới 4 quả bom tấn đã được cài điện, nếu cầu thất thủ địch sẽ cho nổ sập cầu.

Ký ức về trận đánh cuối cùng của người lính đặc công - 4

 Ông Phạm Duy Đô vui vẻ cuộc sống đời thường cùng gia đình con cháu

Sáng ngày 30.4, ông Đô ngồi cùng xe với Đại úy Phạm Xuân Thệ (nay là Anh Hùng LLVTND) qua cầu Rạch Chiếc, tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Lúc này ông Đô và các chiến sỹ của Trung đoàn 116 đặc công trở thành người dẫn đường cho xe tăng tiến vào dinh.

“Sau khi xe tăng 390 của anh Bùi Quang Thận (Anh Hùng LLVTND) húc đổ cổng dinh Độc Lập tiến vào bên phải, xe tăng 843 của anh Thệ và tôi đã rẽ trái vào. Khi xe dừng, tôi và các đồng đội nhảy xuống. Tôi lao lên ban công, rút là cờ trong túi ra phất báo hiệu cho các xe tăng tiến vào, rồi cắm lại cờ trên đó chạy xuống dưới. Khi tôi kéo rèm ra thì phát hiện Tổng thống Dương Văn Minh và nội các đang trong phòng họp, chúng tôi hô vang: “Các ông đã bị bắt, hàng thì sống, chống thì chết”. Ngay lúc đó đồng chí Thệ ôm súng AK đứng trước cửa không cho Dương Văn Minh và nội các chống trả hay bỏ trốn. Còn tôi chạy vội ra ngoài ra hiệu cho Lữ đoàn xe tăng, Trung đoàn 116… tiến vào yểm trợ bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và nội các dẫn giải lên Đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”, ông Đô hào hứng nhớ lại.

Sau khi miền Nam giải phóng, ông về làm quân quản ở Thủ Đức. Năm 1976 ông xây dựng gia đình với bà Ngô Thị Hồng cũng là một người lính và có với nhau hai đứa con một trai, một gái. Năm 1979, ông làm nhiệm vụ huyến luyện các chiến sỹ mới ở Quân khu 7 và năm 1983 ông về chế độ một lần.

Với những cống hiến của mình, ông Phạm Duy Đô đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Chiến công hạng Hai; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Dũng sĩ diệt Mỹ; Dũng sĩ diệt cơ giới; Huân chương chiến sĩ Giải phóng hạng 2, 3… Về quê gắn bó với đồng ruộng, năm 2012 ông được trợ cấp thêm chế độ “Chất độc màu da cam”, với đồng lương ít ỏi, song ông không phiền lòng. “Điều mà tôi buồn nhất là hiện vẫn còn rất nhiều đồng đội chưa tìm thấy mộ, chưa được trở về với quê hương!” – mắt ông Đô chợt đỏ hoe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN