Ký ức về làng lư đồng nức tiếng một thời ở Sài Gòn
Sau đại dịch COVID-19, sức mua giảm, nhân công thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao 30-40%... làng lư đồng truyền thống An Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) vốn ít ỏi số hộ duy trì, nay lại thêm một vài cơ sở tạm ngưng, không trụ nổi. Những ngày giáp Tết, ký ức về một làng lư đồng nức tiếng lại ùa về khiến những nghệ nhân tâm huyết thêm xót xa, bồi hồi.
Nói đến nghề đúc lư đồng An Hội (nay là phường 12, quận Gò Vấp), người ta không còn xa lạ với tên những nghệ nhân như Hai Thắng, Út Kiển, Năm Toàn, Ba Cồ, Sáu Bảnh. Đó cũng chính là tên 5 cơ sở đúc lư đồng truyền thống còn đỏ lửa tính đến thời điểm trước dịch COVID-19 bùng phát. Trong nhóm hộ làm lư đó, gia đình ông Hai Thắng, Sáu Bảnh và Út Kiển là anh em ruột, những người còn lại đều là bà con họ hàng.
Ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, làng lư đồng An Hội năm nay đìu hiu khách, cửa hàng của cơ sở Hai Thắng chỉ bán những bộ lư đồng tồn kho. Tết năm nay, nghệ nhân Trần Quốc Kiển (còn gọi là Út Kiển, 55 tuổi) rảnh việc do không có nhiều khách đặt hàng mới cũng như khách đến mua.
Những năm gần đây, làng lư đồng An Hội chỉ duy trì được số hộ đếm trên đầu ngón tay. Sau đại dịch, số cơ sở còn duy trì lại ít hơn. Những người thợ có tay nghề, gắn bó hàng chục năm như thế này phải tìm đường khác sinh nhai. "Thợ đã gắn bó với mình từ 10-20 năm nay và chỉ có cái nghề này kiếm sống, nếu ngưng thì họ biết làm gì bây giờ. Phải ráng làm để trả lương và có chút thưởng cho thợ mua quà bánh về quê đón Tết.", chủ lò Út Lèo tâm sự.
Tầm này những năm trước khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, các cơ sở đúc lư đồng truyền thống ở An Hội luôn đỏ lửa, cung cấp ra thị trường những bộ lư thủ công cực kỳ tinh xảo. Tiếng búa đục gõ leng keng, tiếng máy khò lửa rền vang, nhộn nhịp cả một con đường đã trở thành nét đặc trưng hàng trăm năm qua.
Ảnh hưởng đại dịch, làng nghề lư đồng đang đứng trước nguy cơ mai một.
Để làm ra được một sản phẩm lư đồng hoàn chỉnh theo cách thủ công cần phải trải qua một quá trình công phu, từ làm khuôn ruột, đúc khuôn sáp, đổ đồng, mài giũa, chạm khắc hoa văn, sau đó đánh bóng rồi thành phẩm.
Công đoạn đầu tiên là "giáp cốt". Người thợ sẽ phủ đất vào khuôn. Khi đã khô, sẽ gỡ ra lấy thành phẩm bên trong chuyển qua cho thợ sáp.
Miếng sáp được ngâm vào nước ấm cho mềm, áp vào khuôn đất. Sáp này là hỗn hợp hòa trộn giữa sáp nến và sáp ong.
Khuôn sáp sẽ quét thêm một lớp sáp nóng để liền mặt các mảng sáp trên khuôn.
Mỗi khuôn sau khi bít sáp sẽ được gắn thêm phễu sáp làm đường dẫn đồng nóng chảy.
Bít thêm lớp đất thứ hai, lớp đất trong cùng đòi hỏi độ mịn cao để trám vào các vị trí nhỏ.
Sau đó khuôn được bó một lớp đất sét trộn trấu để làm lớp vỏ. Có thêm trấu, lớp đất áo bên ngoài sẽ chịu nhiệt tốt hơn.
Khuôn sẽ được phơi khô trước khi mang đi đổ đồng vào bên trong.
Lư được cắt gọt đi những chi tiết thừa sau quá trình đổ khuôn. Những năm gần đây, do các đơn hàng ít dần và giá nguyên liệu tăng cao nên các đợt đổ đồng cũng ít dần. "Tụi tui thường chọn đổ đồng lúc nửa đêm vì công đoạn đó khá là nóng bức, tiếp xúc gần với đồng nóng chảy nên không thể đổ vào ban ngày", một người thợ kể.
Kế tiếp, lư thô sẽ được mài định phom dáng, gọt các chi tiết dư thừa.
Công đoạn chạm khắc là công đoạn gần như cuối cùng và rất quan trọng. Hoàn toàn thủ công nên lư đồng có một giá trị nghệ thuật rất đặc biệt.
Sau khi chạm, lư sẽ được đánh bóng, đưa ra cửa hàng trưng bày.
So với nhiều nơi khác, lư đồng và các vật dụng thờ cúng bằng đồng ở đây có giá cao hơn, nhờ uy tín của An Hội khiến rất nhiều khách hàng phải lặn lội từ khắp nơi về mua.
Mỗi cái Tết, các đơn đặt hàng từ khắp nơi lại tới tấp, cả khách sỉ và khách lẻ từ Phú Quốc xa xôi hay miệt miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, một số chùa ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận,... cũng tìm đến tận nơi đặt hàng lư đồng, bát nhang, chân đèn.
“Các thầy bảo lư đồng An Hội có màu ánh vàng đặc trưng, dễ phân biệt với lư công nghiệp, đặc biệt càng lau chùi càng bóng, các họa tiết tinh xảo và có cái hồn"- Chị Nguyễn Thị Ngọc, một hậu bối 23 năm theo nghề ở lò Hai Thắng kể.
Nguồn: [Link nguồn]
Tranh Khúc – làng bánh chưng nổi tiếng và lớn nhất Hà Nội (thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) đã trải qua 2 năm “kinh...