Ký ức về Bác Hồ của người cận vệ già
TS. Trần Viết Hoàn, người cận vệ của Bác Hồ năm xưa, cũng là người đã có hàng chục năm gắn bó với Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Bác Hồ về thăm quê Nam Đàn, Nghệ An (1957) trong niềm hân hoan của bà con chòm xóm (Ảnh tư liệu)
Nhiều năm qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổ chức tại quận Ba Đình, người ta luôn thấy một cụ già hăng hái phát biểu, nêu lên những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm với đất nước. Đó chính là TS. Trần Viết Hoàn, người cận vệ của Bác Hồ năm xưa, cũng là người đã có hàng chục năm gắn bó với Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Ăm ắp những kỷ niệm về Bác
Căn nhà nhỏ có nhiều cây xanh bao quanh của TS. Trần Viết Hoàn (nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) nằm trong một khu tập thể cũ ở quận Ba Đình. Trong căn nhà, bàn thờ Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng nhất.
Dù đã bước sang tuổi 80, mái tóc bạc trắng, nhưng người cận vệ của Bác năm xưa vẫn còn rất mạnh khỏe, minh mẫn. Ông cho hay, những kỷ niệm về Bác, dù là nhỏ nhất, chưa khi nào phai mờ trong tâm trí của ông. Những ngày Tháng Năm này, ký ức về Người trong ông lại ùa về, nhắc nhớ những điều thiêng liêng mà vô cùng giản dị.
Ông Trần Viết Hoàn phát biểu tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ngày 28/8/2019) với những người từng trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ
Ông Trần Viết Hoàn sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình (xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ). Theo truyền thống gia đình, chàng thanh niên Trần Viết Hoàn tha thiết được gia nhập lực lượng Công an. Năm 1964, ông mừng vui khôn xiết khi trở thành học viên lớp Cảnh vệ C221 (C500). Ra trường, ông được phân công về Đội 1 - Cục Cảnh vệ, là đơn vị chuyên bảo vệ nơi ở và nơi làm việc của Bác Hồ.
Nhớ về những ngày mới ra trường, ông kể: “Chúng tôi trực tiếp tham gia bảo vệ Bác tại nơi ở và nơi làm việc của Người ở khu Phủ Chủ tịch, tại các cuộc mít tinh, hội nghị mà Bác tới dự”.
Ông vẫn nhớ, nơi ở của Bác là một căn nhà sàn giản dị vỏn vẹn vài ba phòng. Phòng ở, phòng làm việc của Người vuông vắn chỉ hơn 10m2. “Bác không chỉ giản dị, tiết kiệm trong cuộc sống của riêng mình, mà còn luôn nhắc nhở, yêu cầu mọi người cùng tiết kiệm.
Có lần, đồng chí phục vụ đọc cho Bác nghe trên báo đưa tin: Hợp tác xã Ngũ Xá có ý định đúc bức tượng Bác bán thân bằng đồng, Bác bảo đồng chí phục vụ: “Chú sang nói với Trung ương, đem số tiền định đúc tượng Bác xây thêm cho các cháu một phòng học. Biết bao anh hùng, liệt sĩ sao không đúc tượng lại đi đúc tượng Bác”, ông Hoàn kể.
Những ngày tháng 8/1969, trời mưa to, mực nước sông Hồng lên cao, trong lúc Bác đang lâm bệnh, Trung ương mời Bác lên An toàn khu đề phòng đê sông Hồng vỡ sẽ gây lụt lội. Nhưng Bác bảo: “Bác không thể bỏ dân, trước hết hãy lo cho dân”. Nằm trên giường bệnh nhưng hễ tỉnh táo là điều đầu tiên Bác hỏi: “Nước sông Hồng đã xuống chưa? Hôm nay đồng bào miền Nam đánh thắng ở đâu?...”.
Gần 5 năm làm cảnh vệ ở Phủ Chủ tịch, ông Hoàn kể, hàng ngày mâm cơm của Bác chỉ có bát canh, quả cà, có hôm thêm lát thịt kho hay lát cá kho. Trong lúc ăn cơm, Bác không bao giờ để rơi một hạt cơm nào, bởi Bác rất quý công sức của người làm ra lúa gạo. Mỗi khi đi công tác, hay về các địa phương, Bác thường mang cơm nắm, muối vừng theo bởi Bác không muốn địa phương vì Bác mà tốn kém tiền tiếp đãi.
Trong cuộc sống thường ngày, Bác cũng không hề câu nệ, đối xử với những người giúp việc như những người thân. “Hai lần tôi gánh nước để tưới rau, lần thứ nhất, thấy Bác đi qua, tôi lùi lại để chào và nhường đường. Bác thấy vậy và bảo: “Việc của chú làm thì chú cứ làm, việc Bác đi Bác cứ đi, có ảnh hưởng gì đâu. Lần thứ hai thấy vậy, Bác bảo: Lần trước Bác đã nói với chú, chúng ta không cần phải câu nệ, từ nay trở đi, các chú phải bình đẳng” và Bác đã trực tiếp hỏi thăm gia đình, quê quán của tôi”, ông Hoàn kể lại.
Theo ông Hoàn, câu chuyện của ông cũng giống nhiều anh em cận vệ trong Phủ Chủ tịch khi đạp xe, mỗi lần thấy Bác thì mọi người xuống dắt xe để chào Bác. Khi đó, Bác cũng đã nói: “Chú có việc thì cứ đạp xe mà đi. Bác không phải cái đền mà trước đó có đề chữ “hạ mã” mà khi thấy Bác lại phải xuống dắt xe. Chúng ta đều bình đẳng”.
“Mỗi lần được nhìn thấy Bác ngồi làm việc, rồi khi Người đi bách bộ, những lúc Người trực tiếp đến xem việc ăn uống của cán bộ, chiến sĩ, những lần Người đi công tác nước ngoài về, với những món quà, khi thì quả táo, túi kẹo hay gói thuốc lá, bao giờ trong tôi cũng dấy lên một niềm hạnh phúc, xúc động. Vật chất tuy nhỏ nhưng đó là tấm lòng nhân ái bao la của Bác dành cho những người lính cảnh vệ chúng tôi”, ông Hoàn xúc động nhớ lại.
Phấn đấu, noi gương Bác
Ông Trần Viết Hoàn phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình ngày 4/5/2019
Là người trực tiếp canh gác bảo vệ Bác trong những ngày Bác ốm và ngay sau ngày Bác đi xa, ông Hoàn là một trong số những chiến sĩ công an ở lại để tiếp tục trông nom di sản của Người. Nhờ đó, ông mới có được những điều để nhớ về những giờ phút Bác đi xa mãi mãi.
Sau khi Bác mất, ngày 3/9/1969, nén nỗi đau thương, ông Hoàn nhận nhiệm vụ mới đó là giữ gìn nơi ở và làm việc của Người trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và chăm lo đào tạo cán bộ chuẩn bị cho việc thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh.
“Ông Trần Viết Hoàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (năm 1999) và Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2014). Ngày 28/8/2019, tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí trực tiếp phục vụ, bảo vệ Bác Hồ, kể những câu chuyện về Bác, ông Trần Viết Hoàn bày tỏ: “Mong sao góp thêm một chút nhỏ bé của mình với hôm nay, với mai sau để trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Bác Hồ trường tồn cùng dân tộc”. |
Từ việc phục vụ cho Bác Hồ, giữ gìn nơi ở và làm việc của Bác, ông Trần Viết Hoàn đã viết cuốn sách “Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời”, đây là tất cả những gì thể hiện tấm lòng tôn kính của người lính cận vệ năm xưa dành cho Bác. Ngoài ra, ông còn viết cuốn sách chuyên về bảo tàng “Giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
“Tôi vinh dự được đón nhiều vị cán bộ, nguyên thủ quốc gia trong thời gian là cán bộ khu di tích. Nhớ về Bác, tôi luôn suy nghĩ phải làm nhiệm vụ đón khách thật chu đáo”, ông Hoàn nhắc về những năm tháng làm cán bộ Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Ông Hoàn kể, Bác mất ngày 2/9/1969, tức ngày 21/7 âm lịch, nên đến ngày 21/7 âm lịch năm 1994, thay mặt các cán bộ nhân viên trong Khu di tích Phủ Chủ tịch, ông sắp mâm cơm để cúng giỗ Bác. Và từ đó đến nay, đúng ngày 21/7 âm lịch hằng năm, những người trông nom di sản của Người ở Khu di tích Phủ Chủ tịch đều thực hiện lễ hiếu đối với Bác.
Sau gần 5 năm làm cảnh vệ, 38 năm giữ gìn và chăm sóc nơi Bác từng sinh sống, làm việc, ông Hoàn đã nghỉ hưu, về với cuộc sống bên gia đình. Hàng ngày, ông thường kể những câu chuyện về Bác Hồ từ đó căn dặn con cháu luôn luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Hiện, ông có hai người con đang làm việc ở Phủ Chủ tịch, nối nghiệp cha giữ gìn và chăm sóc những kỷ vật của Bác.
“Tôi luôn dạy con cháu là ngoài học giỏi kiến thức ra phải còn phải noi gương đạo đức của Bác Hồ. Con cháu khi nghe tôi kể chuyện về Bác rất chăm chú lắng nghe và rút ra những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống từ những câu chuyện về Bác”, ông Hoàn chia sẻ.
Thường xuyên chất vấn những vấn đề nóng bỏng Khi đã về hưu, sinh hoạt tại cộng đồng, ông Trần Viết Hoàn được biết đến là một công dân mẫu mực, luôn phấn đấu và noi gương Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (đơn vị bầu cử số 1, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) được tổ chức tại quận Ba Đình, ông Hoàn luôn tỏ ra là người thẳng thắn, cương trực, thường xuyên chất vấn thẳng nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Trong đó, phải kể đến các ý kiến về cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khởi xướng và lãnh đạo, hay như vấn đề tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy cán bộ... Tất cả các ý kiến đó đều được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lắng nghe, ghi nhận. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bảo vệ sức khỏe Bác Hồ, mong Bác trường thọ, sống lâu là ước nguyện của toàn dân. Nhiều thầy thuốc giỏi đã được...