Ký ức kinh hoàng về hành trình đi bộ 5.800km sang Pakistan của “thánh phượt” Vừ Già Pó
Nhớ lại những tháng ngày lưu lạc tưởng chừng không có ngày về, hành trình đi bộ ròng rã 18 tháng trời với quãng đường 5.800km, “thánh phượt” Vừ Già Pó lắc đầu ngao ngán.
Ra đi với hy vọng đổi đời
Hơn 5 năm trở về với gia đình sau những ngày tháng lưu lạc xứ người, cuộc sống của anh Vừ Già Pó (SN 1976, dân tộc Mông, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã ổn định, kinh tế gia đình đã khấm khá hơn. Thay vì đi lao động chui bên Trung Quốc, anh ở nhà nuôi bò, làm nương… lo cho vợ, con.
Chúng tôi gặp anh Pó trong ngôi nhà gỗ thấp và khá tối ở lưng chừng vách núi thuộc thôn Lũng Lầu. Dù không cao sang, nhưng có lẽ đó là nơi anh Pó cảm thấy ấm áp và muốn về nhất, đặc biệt là từ sau chuyến phiêu lưu nhớ đời sang tận Pakistan.
Hút điếu thuốc lào, anh Pó bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về hành trình lưu lạc của mình. Cuộc nói chuyện có sự giúp đỡ của anh Lò A Hạnh – cán bộ xã Khâu Vai bởi anh Pó nói tiếng phổ thông không sõi.
Anh Vừ Già Pó cùng cán bộ xã Khâu Vai Lò A Hạnh
Những năm 2010-2011, nhiều người dân trong các bản ở xã Khâu Vai và các xã lân cận thường vượt biên sang Trung Quốc lao động chui. Công việc chủ yếu là cuốc đất, phát rừng, bón phân cho cây… tuy vất vả không kém ở quê hương nhưng khi về cũng mang được chút tiền cho gia đình khiến cuộc sống khấm khá hơn.
Anh Pó vốn là một đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ bé, được gia đình chị Ly Thị Lía nhận về nuôi và gả chị Lía cho. 5 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống càng khó khăn hơn nên vợ chồng anh phải bươn chả rất vất vả.
Bản tính anh Pó hiền lành và rất nhút nhát, dù thấy người ta đi lao động mang được tiền về nuôi vợ con, mua sắm được tivi, nồi cơm điện… nhưng anh chẳng dám đi. Bạn bè rủ, anh cũng lắc đầu.
Đến khoảng đầu tháng 12/2012, bố vợ cùng 2 anh em bên nhà vợ đến nói chuyện với anh Pó về chuyện tìm được một mối làm ăn bên Trung Quốc. Công việc chỉ là tưới nước cho cây nhưng được trả công hậu hĩnh. Anh Pó vẫn không muốn đi, nhưng mọi người đến nhà khuyên năm lần bảy lượt nên anh gật đầu đồng ý.
Trước khi bước chân đi, có lẽ anh Pó đã nghĩ về viễn cảnh một cuộc sống ấm no hơn, vợ con sung túc hơn. Thế nhưng, trái ngược lại, anh bước vào một cuộc sống như tù ngục cùng với hành trình “vạn lý độc hành” tưởng không có ngày về.
Anh Pó đi lao động chui với mong muốn mang lại cuộc sống ấm no hơn cho vợ con
Cuộc hành xác đi về hướng mặt trời
Nhận lời sang Trung Quốc làm thuê theo kiểu lao động chui, Vừ Già Pó cùng một số người cùng quê được những tay dẫn mối đưa lên biên giới và giao cho chủ Trung Quốc. Từ biên giới, anh Pó cùng mọi người bị đưa lên một chiếc xe thùng cà tàng, chạy thông 1-2 ngày đêm không được ăn, chỉ uống nước lã cầm hơi.
Đến nơi, thay vì công việc hứa hẹn như ban đầu là tưới cây, mọi người phải làm đủ mọi thứ việc như trồng cây, bón phân, cuốc đất… Tiền công cũng bị ăn chặn một phần. Một vài người trong nhóm bị chủ cai người Trung Quốc đánh đập không thương tiếc mà chính anh Pó cũng là nạn nhân.
Nụ cười bẽn lẽn của “thánh phượt” khi nhắc lại ký ức về chuyến lưu lạc 5.800km sang Pakistan
Cảm thấy cuộc sống bế tắc cộng với việc sợ bị đánh, anh Pó cùng một số người lên kế hoạch bỏ trốn. Lợi dụng đêm tối, anh cùng 5 người khác chia làm 2 tốp khác bỏ chạy thục mạng.
Chạy được một quãng đường thì anh Pó bị tụt lại phía sau và lạc 2 người cùng tốp. Anh tự mình mò mẫm tìm đường với suy nghĩ, cứ đi về hướng mặt trời là sẽ về nhà. Thế nhưng, càng đi anh càng đến những vùng đất mới và gặp những con người lạ.
Vượt qua biên giới Trung Quốc, anh Pó đi ngang qua miền Trung Myanmar, rồi tới Ấn Độ vào Bangladesh và kết thúc ở Pakistan khi bị quân báo nước này bắt giữ. Một quãng đường hàng ngàn km mà người ta nghĩ, nếu có đi xe cũng thấy ngán ngẩm chứ chưa nói đến đi bộ.
Trên đường đi, anh Pó lựa chọn những đường mòn có người, có xe để đi. Đói, khát thì anh ghé vào những nhà dân bên đường ra dấu hiệu xin ăn, xin uống, có người tốt bụng thì cho, cũng có những người xua đuổi. Nếu phải đi qua rừng thì anh ăn quả rừng, uống nước suối… mệt đâu nghỉ đấy.
Đôi chân anh phồng rộp, dép chẳng có mà đi. Anh nhặt những đôi dép rách trên đường đi tạm, có khi thì quấn giẻ, chai lọ để không đau chân. Quần áo rách nát, anh phải nhặt nhạnh thêm trên đường hoặc ai cho gì mặc nấy.
Những hình ảnh cùng thông tin về hành trình đi lạc của anh Pó được in và treo trên vách nhà như một kỷ niệm.
Quãng đường di chuyển qua nhiều quốc gia với nhiều vùng khí hậu khác nhau nhưng anh Pó vẫn kiên cường vượt qua chỉ với một suy nghĩ trong đầu “đi về hướng mặt trời sẽ về nhà”. Nắng, mưa, lạnh, đói, khát… không làm anh nhụt chí. Thậm chí, anh còn nhiều lần bị những kẻ côn đồ đánh đập.
Khi đi vào vùng chiến sự Pakistan, anh Pó bị quân báo nước này bắt giữ vì không có giấy tờ tùy thân, nói không ai hiểu.
Cuối cùng, anh Pó được mang đến đồn cảnh sát. Tại đây, người ta cho anh nhìn quốc kỳ để nhận biết. Nhìn thấy quốc kỳ và đồng tiền Việt Nam, anh Pó mừng rỡ. Thông tin về một công dân người Việt Nam đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát Zila Neelum đã được thông báo tới Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan. Và hành trình giải thoát cho Vừ Già Pó bắt đầu từ đây.
Mất hơn nửa năm để các cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục và đưa anh Pó về lại quê hương. Vợ con anh ở quê cũng phải bán bò, bán lợn, bán nương… để lấy tiền lo liệu cho anh về. Cả gia đình đoàn tụ, tay trong tay, khóc nức nở vì sung sướng.
Sau khi trở về, anh Pó chuyên tâm làm ăn để lo cho vợ con
Bây giờ, khi đã quen với cuộc sống thường ngày sau khi trở lại, anh Pó muốn quên đi những ký ức đau buồn trong chuyến lưu lạc đó. Chúng tôi hỏi vui anh Pó có muốn đi nữa không, anh cười nhẹ trả lời: “Không, ở nhà thôi”.
Còn anh Lò A Hạnh – cán bộ xã Khâu Vai chia sẻ, mong muốn của anh là người dân có cuộc sống ấm no hơn và xuất khẩu lao động là một trong những biện pháp tốt. Thế nhưng, anh khuyên người dân không nên đi chui mà hãy qua chính quyền, qua công an để được đưa đến làm việc ở những nơi uy tín, đảm bảo.
(Hết)
Nguồn: [Link nguồn]
Con đường chạy dưới chân núi Himalaya trống hoắc không một bóng người, có đói cũng phải gắng chịu.