Ký ức kinh hoàng của “anh hùng lái tàu” khi đi qua “cửa tử” Hà Nam
Đất Hà Nam được cánh lái tàu gọi là “cửa tử” bởi rất nhiều đường ngang dân sinh và nhiều vụ tai nạn đã xảy ra khi tàu hỏa chạy qua đây.
Vụ tai nạn tàu hỏa ở Thanh Hóa đã khiến 2 lái tàu tử vong.
Mới đây, khoảng 0h30 sáng 24/5, đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 chở hơn 400 hành khách theo hành trình từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Khi đến xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), tàu đã tông vào chiếc xe ben chở đá đang băng qua đường ngang.
Cú đâm khiến đầu tàu và 6 toa khác bị lật, trong đó có 4 toa chở hành khách, xe ben bị hất văng khỏi đường ray cách đường ngang hơn 10m. Hai lái tàu là Nguyễn Thế Hùng (42 tuổi, quê Thái Bình) và Nguyễn Xuân Đệ (33 tuổi, quê Hưng Yên) tử vong, mắc kẹt trong cabin.
Thế mới biết, với những người lái tàu, chặng đường làm nghề, họ không chỉ đối diện với rất nhiều gian khổ mà thậm chí phải đánh cược tính mạng của mình.
Lâu nay, có một nơi vẫn được coi là mảnh đất dữ với cánh lái tàu. Họ gọi nơi ấy là “cửa tử”, bởi rất nhiều tai nạn đã xảy ra ở đây và gây thiệt hại không nhỏ. Đó là tuyến đường sắt chạy qua địa phận Hà Nam.
Đã từng có lái tàu được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huân chương dũng cảm nhưng bằng cách không mong muốn khi xả thân để cứu hơn 300 hành khách trên đoàn tàu Thống Nhất năm 2010 khi đi qua “cửa tử” này. Đó là lái tàu Trương Xuân Thức.
Chúng tôi tìm đến khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) để gặp ông Thức. Từ sau tai nạn, ông Thức bị cụt nửa cánh tay trái, gãy chân phải và nhiều vết thương trên cơ thể. Trí nhớ hiện tại của ông Thức cũng không còn được minh mẫn như trước. Thế nhưng, kí ức kinh hoàng về vụ tai nạn tàu năm 2010 vẫn còn in hằn rõ trong đầu ông.
Vụ tai nạn tàu hỏa năm 2010 khiến ông Thức bị cụt tay trái và để lại nhiều vết thương trên cơ thể.
Sáng sớm 6/8/2010, đoàn tàu Thống Nhất do ông Trương Xuân Thức và lái phụ Đào Quang Hưng chở theo hơn 300 hành khách cùng nhiều hàng hóa di chuyển từ ga Vinh (Nghệ An) hướng về Hà Nội.
Khi đoàn tàu chạy về đến Phủ Lý (Hà Nam), thấy ông Hưng có vẻ buồn ngủ, ông Thức nhắc khẽ: “Chú rửa mặt cho tỉnh táo đi, nốt đoạn “cửa tử” này thì về nghỉ”.
Khoảng 8 giờ sáng, đoàn tàu chạy đến gần ga Đồng Văn (Hà Nam) với tốc độ gần 60km/h. Ông Thức thấy một chiếc xe tải chở đá, màu vàng chạy song song với tàu. Bất ngờ, chiếc xe vượt lên và xi-nhan và rẽ vào đường sắt.
“Tôi bấm còi inh ỏi, nháy pha liên tục nhưng chiếc xe không phản ứng gì. Tôi lập tức kéo cần hãm phanh thần tốc bên trái, đẩy hết cỡ và giữ chặt để các quạt đồng loạt xả gió, giảm tốc độ đoàn tàu. Sau đó, mắt tôi tối sầm và không biết gì nữa”, ông Thức kể lại.
Đoàn tàu do ông Thức lái chỉ may mắn lật 2 toa đầu, còn hơn 300 hành khách và hàng hóa trên các toa sau đều an toàn.
Ông tỉnh lại, thấy toàn thân đau nhức, cánh tay trái của ông bị mảnh nhôm đầu máy cắt vào gần lìa, lồng ngực bị ép chặt trong đống đổ nát. Phụ lái tàu Hưng thì ngã văng ở gần cửa đầu máy nhưng may mắn không sao. Mặt mũi hốt hoảng, ông Hưng chui qua tấm kính đầu tàu bị vỡ để gọi cứu hộ.
Đó cũng là chuyến tàu cuối cùng trong sự nghiệp hơn 20 năm lái tàu của ông Thức. Ông được đưa về bệnh viện ở Hà Nội cứu chữa và phải nghỉ hưu, nhận trợ cấp thương tật ở tuổi 48.
Công việc hằng ngày của ông Thức giờ là ở nhà nội trợ phụ giúp vợ. Mỗi chiều, ông lại đi bộ ra phía hồ Thành Công tập thể dục để nâng cao thể trạng, tránh những vết thương đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.
------------------
Đã làm nghề, những người lái tàu không chỉ một lần trong đời đối diện “tử thần” mà hầu hết ai cũng phải có vài lần hút chết. Thế nhưng bằng tình yêu nghề, nhiều người vẫn lựa chọn và đánh đổi mạng sống của mình vì sự an toàn của hành khách. Mời đọc giả đọc tiếp kì 2 “Anh hùng lái tàu” kể về những lần “tử thần” trêu ngươi trên đường ray vào lúc 0h ngày 27/5/2018.
Sự ra đi đột ngột của hai lái tàu - trụ cột của hai gia đình khiến thân nhân các anh đau đớn, chết lặng.