Ký ức giây phút cắm cờ trên Dinh Độc Lập
“Tôi đã quay đầu bước đi, nhưng rồi lại quay lại nhặt lá cờ của ngụy với ý định làm vật kỷ niệm trong cuộc đời chiến đấu”.
10 năm sau, năm 1985, được trở lại quân đoàn công tác tôi mới có dịp gặp lại Bùi Quang Thận. Những năm tháng cùng công tác ở Bộ Tham mưu Quân đoàn 2 tôi mới có điều kiện chuyện trò, tìm hiểu thêm về những giờ phút hào hùng có ý nghĩa lịch sử lớn lao khi anh là người đầu tiên cắm cờ trên Dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975.
Xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975
Bùi Quang Thận bộc bạch: “... Tiêu diệt xong căn cứ Nước Trong, đến 9 giờ sáng ngày 30.4, Đại đội 4 xe tăng chúng tôi quyết định vượt cầu tiến vào thành phố. Phía trước chúng tôi là chiếc xe của Đại đội 3, do đồng chí Hùng chỉ huy bị xe tăng M41 bắn cháy.
Xe 843 của tôi vọt lên tiêu diệt xe địch và tiếp tục vượt cầu. Khi đến Dinh Độc Lập thấy cổng đóng, tôi ra lệnh cho pháo thủ 2 Nguyễn Văn Kỷ giục pháo thủ 1 Thái Bá Minh nhắm giữa cổng Dinh Độc Lập khai hỏa. Không hiểu sao đạn không nổ? Hai lần như vậy, tôi ra lệnh quay nòng pháo ra sau để cho xe húc đổ cổng Dinh.
Trong 10 phút phải húc 3 lần thì cánh cổng trái mới bung ra. Ngay lúc đó xe tăng 390 do anh Vũ Đăng Toàn, chính trị viên chỉ huy lao vào húc đổ cổng chính. Thế là cả hai xe đều tiến vào bên trong.
Tôi cầm theo lá cờ rồi chạy vào Dinh mà không mang theo một thứ vũ khí gì. Gặp Lý Chánh Trung (Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin chính quyền Việt Nam Cộng hòa), tôi túm chặt tay bảo: “Cho gặp Tổng thống Dương Văn Minh”. Thấy Tổng thống Dương Văn Minh ra, tôi ra lệnh “Đưa tôi lên cột cờ Dinh Độc Lập”. Dương Văn Minh đã nói với Lý Chánh Trung cho người dẫn tôi lên”.
Bùi Quang Thận xúc động, anh dừng một lúc rồi nói tiếp: “... Tôi được đưa đến trước hai cánh cửa sắt, người dẫn đường ấn vào nút, hai cánh cửa dẹp về hai phía, bên trong hiện ra một khoang giống như cái thùng sắt đựng lúa của nông dân. Sau này mới biết đó là thang máy, bởi từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay tôi đã biết thang máy là thế nào đâu”.
“Người dẫn đường mời tôi vào trước, tôi nghiêm mặt nhìn y đầy ngờ vực. Bọn này định thủ tiêu mình hoặc chí ít nó sẽ lừa mình nhốt lại làm tù binh, làm con tin chắc? Nếu vào đó nó nhốt mình luôn, biết bao giờ mới ra được! Sau khi nghe người dẫn đường giải thích, tôi đã bắt y vào trước, còn tôi vào sau”.
Nói đến đây, Bùi Quang Thận phá lên cười rồi anh nói thêm: “... Khi lên đến nơi, tôi hạ cờ ngụy xuống. Nhưng do cờ được buộc chắc chắn nên phải cắn bằng răng, sau đó treo cờ giải phóng vào. Kéo cờ mình lên, tôi lại hạ xuống, đưa tay xem đồng hồ.
Tôi thận trọng ghi: 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 và ký tên “Thận” bằng chiếc bút máy Trường Sơn lên góc lá cờ Tổ quốc. Sau đó kéo cờ lên lại. Tôi đã quay đầu bước đi, nhưng rồi lại quay lại nhặt lá cờ của ngụy với ý định làm vật kỷ niệm trong cuộc đời chiến đấu. Lá cờ ấy sau này tôi đã trao lại cho bảo tàng nhà nước, vì nghĩ làm như thế sẽ có ý nghĩa hơn...”.
*
* *
* *
Đại tá Bùi Quang Thận
Năm 2000, đại tá Bùi Quang Thận nghỉ hưu, sau 34 năm phục vụ tại quân ngũ. Anh nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của gia đình, quê hương. Ngoài các hoạt động chung của cộng đồng, Anh còn chăm lo công việc giúp đỡ vợ con mưu sinh. Vợ anh mở cửa hàng gas ở ngay trung tâm phố biển Thụy Xuân, huyện Thái Thụy (Thái Bình).
Hằng ngày ngoài việc giúp vợ bán hàng tại chỗ, anh còn dùng xe máy đến tận nhà thay bình gas cho khách. Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm, cua của địa phương phát triển, Bùi Quang Thận cùng gia đình tập trung vốn đầu tư gần 40 triệu đồng đấu thầu 4 sào đầm.
Trừ những ngày bận họp hành, còn lại từ sáng đến chiều anh đều ra đầm tôm để trông nom, chăm sóc, nhiều hôm tối mịt mới về...
Với thành tích đặc biệt xuất sắc của Bùi Quang Thận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 30.10.2013.
Theo Dương Tùng (lược ghi) ([Tên nguồn])