Lưu bài Bỏ lưu bài

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận và đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng họ có chung một nỗi đau là căn bệnh phong quái ác. Họ có chung một mái nhà mang tên: trại phong Quả Cảm.

Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 2Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 3

Trại phong Quả Cảm được xây dựng từ năm 1913 thuộc xã Hoà Long (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Nơi đây từng điều trị và nuôi dưỡng khoảng gần 300 bệnh nhân mắc bệnh phong (hay còn gọi là hủi). Thế nhưng, trải qua năm tháng, nhiều người đã qua đời, một số được con cháu đón về, hiện chỉ còn 79 cụ còn sinh sống.

Ngày nay, trại phong Quả Cảm đã được đổi tên thành Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh. Bệnh viện được mở rộng và xây thêm nhiều khoa hơn để chữa bệnh về da liễu cho người dân.

Khoa phong nằm trong bệnh viện nhưng biệt lập, lẩn khuất sau những quả đồi ở xã Hoà Long. Ở vị trí này, những bệnh nhân phong sẽ tránh được những ánh nhìn soi mói của người đời.

Bệnh phong từng là nỗi ám ảnh với tất cả mọi người. Những vết thương trên cơ thể cứ phồng dộp, lở loét, co quắp hoặc rụng rời… Ngoài nỗi đau về thể xác, người mắc bệnh phong còn phải chịu nỗi đau cực lớn về tinh thần khi bị chính người thân xa lánh, xua đuổi.

Khi khoa học phát triển, bệnh phong đã được chữa trị khỏi, người mắc bệnh phong được “minh oan” với xã hội. Thế nhưng có không ít người vẫn có cái nhìn không thiện cảm đối với bệnh nhân phong. Cũng chính vì thế, đa số bệnh nhân chọn ở lại trại phong sau khi lành bệnh, coi trại phong như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Đường dẫn vào Khoa phong, Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh rợp bóng những cây nhãn, mít… cổ thụ, thân vỏ xù xì. Có lẽ tuổi đời của những cây này cũng phải trên dưới 100 năm, được trồng cùng thời điểm xây dựng trại phong. Những dãy nhà cấp 4 được xây theo cấp bậc như ruộng bậc thang.

Thấp nhất là nhà của các y tá, hộ lý. Tiếp đến là nhà dãy nhà của Tổ 1, Tổ 2, Tổ 3… cao nhất ở lưng chừng núi là Tổ trọng điểm – nơi dành cho các cụ già từng mắc bệnh nặng, hiện không còn khả năng tự phục vụ bản thân mà phải nhờ các hộ lý cơm nước, dọn dẹp.

“Nhiều Tổ giờ bỏ hoang vì các cụ qua đời hết rồi, cũng có Tổ thì chỉ còn 1-2 người”, một nữ hộ lý cho biết.

Hầu hết các bệnh nhân còn sót lại ở trại phong Quả Cảm đều là những bệnh nhân lớn tuổi. Người ít thì cũng đã gần 50 tuổi, người nhiều thì đã gần 100 tuổi. Nhiều người vào đây từ khi vài tuổi, đến giờ chẳng còn quê hương hay người thân; người còn nhưng họ lại không tha thiết trở về vì họ đã quen với cuộc sống nơi đây, chỉ ở đây họ mới được sống là chính mình và có những người bạn “cùng khổ”.

Nhiều người sau khi vào trại phong Quả Cảm thì kết đôi với nhau. Các đám cưới diễn ra nhỏ gọn, hiếm khi có sự góp mặt của họ hàng 2 bên mà chỉ có các y, bác sĩ bệnh viện. Họ mượn đất của bệnh viện xây một căn nhà nhỏ, tận dụng những khoảng đất trống sau núi trồng luống rau, thả thêm mấy con gà trang trải cuộc sống. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, với họ, cuộc sống chỉ cần bình yên thế là đủ.

Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 6Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 7

Tổ trọng điểm (Khoa phong) là tổ đặc biệt nhất và cũng nằm ở nơi cao nhất của Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh, nơi đây có khoảng 10 cụ già đang sinh sống. Họ đều là những người từng mắc bệnh phong nặng, cụt chân, cụt tay, hỏng mắt, điếc tai… không còn khả năng tự phục vụ nên được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân.

Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 8
Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 9
Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 10

Đang ngồi thẫn thờ trước mái hiên của dãy nhà cấp 4 màu ve vàng hoe, khuôn mặt bà Nguyễn Thị Hiền (90 tuổi, quê quán Hiệp Hoà, Bắc Giang) bỗng sáng lên khi thấy người lạ xuất hiện. Nụ cười tươi để lộ ra hàm răng đã rụng gần hết. Dường như đã lâu rồi không có người đến thăm bà.

Bà Hiền sống một mình, không có chồng, con. Bố mẹ bà mất từ khi bà còn nhỏ. Bà còn một người em trai nhưng cũng đã chết do trúng bom của giặc.

Tuổi tác không làm ảnh hưởng đến trí nhớ của bà Hiền. Bà kể, hồi còn trẻ, bà thấy trên người cứ xuất hiện các nốt phỏng nhưng không biết đau. Chân dẫm phải gai, tay hơ trên lửa cũng không biết đau. Thế rồi, công việc đồng áng ở nhà nông, cộng thêm việc hay đi mò cua, bắt ốc khiến các vết thương trên cơ thể bà cứ lở loét, nhiễm trùng.

Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 11

“Mọi người sợ quá không biết tôi bị làm sao. Họ mua thuốc bắc về sắc cho tôi uống nhưng không khỏi mà còn nặng thêm. Các ngón chân, ngón tay tôi co quắp, rụng dần khiến họ hàng sợ và xa lánh tôi. Họ còn nhốt tôi cùng với trâu để đuổi tôi đi.

May mắn sau đó các bác sĩ ở huyện về thăm khám nói tôi bị bệnh phong. Họ viết giấy đưa tôi về trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An) chữa trị. Ở đây được khoảng 5 năm thì bom Mỹ ném dữ dội quá, tôi được chuyển về trại phong Quả Cảm. Từ đó đến nay tôi sống ở đây hơn 50 năm rồi. Giờ chẳng còn biết đi đâu, về đâu nữa, chỉ chờ giời mang đi thôi, rồi nhờ bác sĩ, bệnh viện chôn cất tử tế thế là xong”, bà Hiền nhớ lại.

Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 12

Cạnh phòng bà Hiền là phòng của ông Đào Văn Phú (95 tuổi, quê ở Hà Đông, Hà Nội). Căn phòng có 2 chiếc giường nhưng chỉ có một mình ông Phú ở. Chiếc giường còn lại được dọn sạch sẽ, chăn màn gọn gàng nhưng không có ai ngồi trên đó.

Thì ra, đó chính là giường của vợ ông Phú – bà Nguyễn Thị Ò (quê Bắc Giang). Thế nhưng, bà Ò đã mất khoảng 1 năm nay, để lại ông Phú một mình bơ vơ tuổi già nơi trại phong u tịch.

Ông Phú kể, ông vào đây từ năm 1952. Quãng thời gian ấy, ông mắc bệnh phong nhưng không biết. Vào trại phong Quả Cảm được 1 năm, ông Phú xây dựng gia đình với bà Ò. Hai ông bà có với nhau 4 mặt con, 1 trai, 3 gái. Các con đã xây dựng gia đình hết, nhưng ông lựa chọn ở lại trại phong chứ không về ở cùng ai.

“Tôi bệnh tật thế này, chẳng tự chăm sóc được bản thân, về chỉ làm khổ thêm các con, cháu. Ở đây quá nửa đời người tôi cũng quen rồi. Thỉnh thoảng, các con, các cháu vào thăm tôi thế là mừng rồi”, ông Phú nói.

Lúc chúng tôi đến, khoảng 15h chiều, một nữ hộ lý bắt đầu đi phát cơm cho các cụ già ở Tổ đặc biệt. Bữa cơm chiều hôm ấy có canh rau cải và nhộng ong.

Nữ hộ lý chia sẻ: “Chúng tôi phát cơm sớm vì các cụ ở đây đi ngủ sớm lắm. Cứ khoảng 5-6 giờ chiều là các cụ ăn cơm và đóng cửa đi ngủ hết rồi. Ở đây không có tivi nên các cụ đi ngủ sớm lắm”.

Cả Tổ đặc biệt có 2 nữ hộ lý. Họ cũng đều là con cháu của những bệnh nhân phong ở trại phong Quả Cảm. Ngoài công việc phục vụ cơm nước cho các cụ, nữ hộ lý còn giặt rũ quần áo, chăn màn, dọn vệ sinh…

Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 15Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 16

Bóng nắng chiều bắt đầu ngả dần, xuyên qua các tán lá cổ thụ trước Tổ 3 Khoa phong. Hai người đàn ông là Phạm Đăng Dương (SN 1943) và Nguyễn Văn Ly (SN 1949) đang ngồi nói chuyện với nhau trên chiếc ghế đá trước cửa phòng. Họ là đồng hương, cùng đến từ tỉnh Bắc Giang.

Ông Dương bảo, ông không phải là người của Tổ này, mà ở Tổ đặc biệt nhưng ông xuống chơi, nói chuyện cùng bạn đồng hương cho đỡ buồn. Nhà ông Dương ở huyện Việt Yên (Bắc Giang), cách trại phong Quả Cảm chỉ quãng 20-30km. Ông có nhà, có vợ và con thế nhưng ít khi ông về nhà.

“Con cái tôi đã trưởng thành và xây dựng gia đình hết rồi. Về nhà giờ chân tay cụt thế này, các cháu nhỏ nhìn thấy nó sợ. Tôi ở đây cũng quen rồi, gia đình có công có việc gì thì về thôi”, ông Dương chia sẻ.

Không giống như các bệnh nhân khác, ông Dương là một trong số ít người mắc bệnh phong ác tính. Ngoài bị các triệu trứng như mất cảm giác, ngón chân, ngón tay rụng rời, co quắp… trên cơ thể ông còn xuất hiện các vết như vết hắc lào hoặc có khi nổi lên những mụn thịt.

Còn ông Ly, ông không chỉ vào trại phong Quả Cảm 1 lần mà tới 2 lần. Lần đầu, khoảng năm 1972-1973, ông phát hiện mình mắc bệnh phong và  được đưa thẳng vào trại phong chữa trị. Khỏi bệnh, ông được về nhà rồi lấy vợ, sinh con.

Tưởng bệnh đã khỏi, không ngờ 9 năm sau căn bệnh này tái phát và ông lại phải vào trại phong Quả Cảm lần 2. Lần vào này, ông Ly chọn ở lại luôn chứ không còn muốn về nhà nữa.

“Ngày trước, thuốc chưa đặc hiệu như bây giờ nên tôi bị tái phát. Cái bệnh này, 10 người thì 9 người sợ. Mình bảo đi viện về đã được chữa khỏi nhưng họ vẫn xa lánh, thế nên tôi chọn ở lại luôn trong trại phong này. Ở đây mọi người đồng cảm nên dễ sống hơn. Nhà có công việc thì về, xong rồi lại lên đây”, ông Ly tâm sự.

Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 18
Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 19
Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 20
Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 21

Bà Nguyễn Thị Xuân – y tá của Khoa phong Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh chia sẻ, hiện các bệnh nhân phong được Nhà nước hỗ trợ theo tiêu chuẩn người tàn tật. Tùy thuộc vào mức độ tàn tật, mọi người được hỗ trợ số tiền từ khoảng 910.000 đồng đến 1.575.000 đồng.

Ký ức đau xót của những người mắc căn bệnh quái ác, khỏi bệnh cũng không dám về quê - 22

Content: Triệu Quang - Hoàn Như

Media: Thanh Hòa

Thứ Hai, ngày 08/11/2021 00:30 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Triệu Quang – Hoàn Như ([Tên nguồn])