Ký ức của nữ dân quân 3 lần được gặp Bác Hồ

Sự kiện: Thời sự

Hơn 50 năm trôi qua kể từ lần may mắn được gặp Bác Hồ, với bà Trương Thị Khuê, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi còn vẹn nguyên.

Bác đã truyền cho bà tình yêu thương, kiến thức và lớn hơn hết là cách học làm người. Gặp bà, ít ai có thể nghĩ thời kỳ "ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam", người phụ nữ ấy đã kiên gan cầm súng canh giữ từng tấc đất Vĩnh Linh (Quảng Trị), cùng đồng đội bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống giặc lái Mỹ, vậy mà khi kể về những lần được gặp Bác Hồ, trên khóe mắt bà đã nhòa lệ.

Ký ức khó quên

Chúng tôi tới thăm bà Trương Thị Khuê vào một ngày đầu tháng 5. Vào mỗi dịp sinh nhật Bác, bà lại bồi hồi xúc động nhớ tới những kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Dù đã ở tuổi 74, bà Trương Thị Khuê không còn nhanh nhẹn như xưa, nhưng trí tuệ và sự dịu dàng của người con gái Vĩnh Linh làm cho câu chuyện với chúng tôi càng thêm cuốn hút.

Bà Trương Thị Khuê, sinh năm 1945 trong một gia đình nông dân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Mới lên 9 tuổi thì mẹ mất, tới 18 tuổi bố bị bom Mỹ giết hại, hoàn cảnh gia đình đã rèn cho cô bé Khuê tính tự lập, đảm đang, không chỉ trong việc nhà mà cả ở các hoạt động cộng đồng như phụ trách đội thiếu nhi, đội du kích…

Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh là một trong những trọng điểm định đánh phá ác liệt. Chính nơi đầu sóng, ngọn gió của thời kỳ ác liệt đó đã hình thành nên ở Trương Thị Khuê một cá tính mạnh mẽ và quả cảm.

Ký ức của nữ dân quân 3 lần được gặp Bác Hồ - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa cho ba nữ dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh ngày 11-9-1968 (bà Trương Thị Khuê đứng thứ hai từ trái sang).

Cô gái Trương Thị Khuê đã cùng đơn vị dũng cảm, tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cô được bầu làm Xã đội phó kiêm Trung đội trưởng pháo 12 ly 7 xã Vĩnh Thủy, khu vực Vĩnh Linh khi mới ở tuổi 20. Chiến tranh kết thúc, Trương Thị Khuê cùng đồng đội từng bắn rơi 6 chiếc máy bay địch. Tuy nhiên, khi nói về những thành tích này, bà khiêm tốn bảo "thành tích đó là của đơn vị đấy, chứ không phải của riêng tôi!".

Nhắc lại chuyện xưa, bà Khuê bảo rằng phần thưởng cao quý nhất của bà đó là những lần được gặp Bác Hồ. Bà bồi hồi nhớ lại: "Sau khi đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Xô-phi-a về đến Hà Nội được vài ngày thì chúng tôi gồm Trần Thị Bưởi (quê Vĩnh Linh), Nguyễn Thị Xuân (quê Quảng Bình) và tôi nhận được thông báo chuẩn bị một giờ nữa đến gặp Bác. Đó là khoảng 9h ngày 11-9-1968, xe đưa 3 chị em tôi vào Phủ Chủ tịch. Khi xe dừng lại trước ngôi nhà, ngoài cửa có cây hoa phong lan, Bác tiếp chúng tôi ở đó".

Sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) lần lượt giới thiệu tên, tuổi, quê quán và thành tích của ba nữ dân quân, Bác Hồ đã ân cần hỏi thăm từng cháu. Riêng với Trương Thị Khuê, Bác ân cần hỏi: "Cháu ở Vĩnh Linh có bị máy bay B52 đánh nhiều không?". Bà Khuê thưa với Bác: "Dạ thưa Bác, máy bay B52 đánh Vĩnh Linh nhiều lắm. Còn bom tọa độ, pháo địch từ bờ nam Hiền Lương bắn sang thì không kể hết được". 

Kể đến đây, bà chợt nhìn lên thì thấy một nét buồn hiện trên đôi mắt hiền từ của Bác. Nén xúc động, bà bình tĩnh thưa với Bác về tình hình chiến đấu, sản xuất và đời sống của bà con Vĩnh Linh… Bác cười bảo: "Thế thì tốt, Bác mừng lắm! Bác khỏe rồi đấy, quân dân chiến đấu được, sản xuất được, không đói, các cháu như thế này thì giỏi lắm…".

Ký ức của nữ dân quân 3 lần được gặp Bác Hồ - 2

Bà Khuê chỉ huy đơn vị 12 ly 7 xã Vĩnh Thùy, khu Vĩnh Linh năm 1966.

Trong lúc trò chuyện, Người đã mời 3 cháu gái ăn kẹo và chuối, rồi mỗi cháu hát tặng Bác một bài. Trước khi ra về, ba nữ dân quân còn được chụp ảnh kỷ niệm với Bác. Chậm rãi vừa kể, bà vừa chỉ tay lên bức ảnh và giới thiệu: "Khi đồng chí cầm máy ảnh đang lay hoay chọn vị trí đứng thích hợp, Bác thân mật hỏi: Cháu nào muốn đứng gần Bác? Cả ba chúng tôi cùng reo lên: cháu ạ, cháu ạ... Bác cười độ lượng: Vậy cho mỗi cháu đứng gần Bác một lượt, ta chụp 3 lần. 

"Chụp ảnh xong, Bác dẫn chúng tôi đến trước nhà, cây phong lan nở những chùm hoa trắng tỏa mùi thơm dìu dịu. Bác đưa tay ngắt ba chùm hoa phong lan tặng cho ba chúng tôi, rồi ân cần bảo: "Hoa phong lan của Bác rất đẹp, nhưng thành tích của các cháu còn đẹp hơn hoa phong lan của Bác. Bác mong các cháu luôn giữ và phát huy thành tích của mình, về phải học tập tốt, mạnh khỏe, chiến đấu giỏi và sản xuất giỏi"- bà Khuê xúc động nhớ lại.

Niềm vui lại nhân lên khi hai ngày sau đó, Bác cho mời ba nữ dân quân vào xem văn công tại Phủ Chủ tịch. Chợt nhìn thấy ba cháu gái khu Bốn, Bác gọi lên ngồi gần, rồi Người tự giới thiệu với mọi người về tên tuổi, quê quán và thành tích chiến đấu của ba chị em rất đầy đủ, chính xác, mặc dù Bác cũng mới nghe đồng chí Vũ Kỳ kể chỉ một lần...

Đặc biệt hơn, trước khi trở về địa phương, ba nữ dân quân còn được Bác mời đến ăn cơm cùng tại Phủ Chủ tịch. Nén xúc động, bà Khuê kể tiếp: "Mâm cơm dọn ra, có một đĩa cá kho, một đĩa rau muống luộc chấm nước mắm ớt, cà pháo muối, khoai sọ nấu canh xương, thịt gà luộc và hai bên là hai liễn cơm. Trong bữa ăn, Bác đã gắp thức ăn và lấy cơm cho chúng tôi".

3 lần được gặp Bác Hồ trong một tháng đã trở thành những dấu ấn, để lại nhiều bài học về lối sống cũng như nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời bà Trương Thị Khuê.

Ký ức của nữ dân quân 3 lần được gặp Bác Hồ - 3

Bà Khuê bên cây Ngọc lan trong vườn Bác.

Học tập Bác bằng những việc làm cụ thể

Bà còn nhớ mãi lời dặn của Bác trước khi về: "Các cháu phải học, học không phải ở trường, ở lớp mà phải học trong đường đời, học trong thực tế, học những người đi trước. Phải khiêm tốn học tập chứ không phải có thành tích rồi tự mãn, không phải có chức, có quyền rồi hách dịch. Học Bác là không phải học hết được như Bác, mà phải học dần". 

Bà Khuê được chú dạy chữ chứ không qua trường, lớp. Sau những lần được gặp Bác về, bà được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, học văn hóa cấp III, học cao cấp chính trị, học lớp quản lý kinh tế, học ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đó là bằng cấp. Quá trình công tác sau này, bà luôn nhớ tới lời căn dặn của Bác, cố gắng học tập và phấn đấu trong công việc. 

Bà kể rằng, học tập Bác trong nhiều lần đi công tác, bà xuống tận cơ sở để cùng trải nghiệm công việc với các đồng nghiệp. "Tôi nghĩ nếu không xuống cơ sở, nếu không đi phong trào, nếu không gặp trực tiếp chị em mà chỉ cầm bằng cấp, thì nói chị em cũng sẽ không nghe. Thậm chí tôi còn đi lao động cùng với họ, nấu cơm, cắt rau, cắt chuối cho heo ăn… Tôi vừa học, vừa gắn với thực tế và được chị em giúp đỡ nên trình độ kiến thức đã nâng lên" - bà nhớ lại.

Ký ức của nữ dân quân 3 lần được gặp Bác Hồ - 4

Bà Khuê bên gia đình.

Trong thời gian 30 năm làm công tác ở Hội Phụ nữ, bà Trương Thị Khuê luôn tâm huyết và có trách nhiệm trước các phong trào của Hội. Bà luôn trăn trở về thực trạng đời sống kinh tế, văn hóa của phụ nữ vùng sâu, vùng xa; những vấn đề về lao động nữ trong các khu công nghiệp và sự bất bình đẳng giới diễn ra ở nhiều nơi. Bởi bà quan niệm, vị thế của người phụ nữ cũng cần được củng cố và nâng cao trong cả gia đình và xã hội.

Tuy đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn tham gia vào phong trào đoàn thể. Chồng bà là một cán bộ Công an nghỉ hưu. Ông bà có hai con đều thành đạt và 4 đứa cháu nội ngoại. Bà luôn là một tấm gương mẫu mực cho các con, các cháu học tập và noi theo. Mỗi dịp tháng 5 về, bà vẫn kể cho các cháu nghe câu chuyện được gặp Bác Hồ, chuyện trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bà còn được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu… Tất cả những kỷ niệm đó là niềm tự hào để bà giáo dục các thế hệ con cháu noi theo. Trong 3 cô gái dân quân thời kỳ được gặp Bác Hồ đó giờ còn bà và bà Trần Thị Bưởi còn sống (bà Bưởi hiện đang ở Đà Nẵng). 

Giờ đây, tuy ở vào tuổi "thất thập" nhưng ngoài thời gian dành cho gia đình, bà còn tham gia các Câu lạc bộ như 20-10 và Hội nữ Trí thức Việt Nam với một nhiệt huyết dâng trào. Bà đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước giờ đây lại tiếp tục giáo dục con cháu phấn đấu và học tập theo tư tưởng của Bác, tham gia vào công tác xã hội vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bà Trương Thị Khuê đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy hiệu Bác Hồ. Đặc biệt, năm 1969 dân quân xã Vĩnh Thủy đã phong tặng AHLLVTND, bản thân bà cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và được tuyên dương AHLLVTND.

Việt Nam sản xuất thành công bộ quần áo đặc biệt bảo vệ thi hài Bác Hồ

Đó là thông tin được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cung cấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phí Thị Hồng Vân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN