Ký ức của một kẻ đào mộ, trộm xác

Không biết từ đâu và từ bao giờ trong dân gian, nhất là giới đạo chích vẫn truyền nhau nếu lấy được thi thể của người bị sét đánh chết sẽ như "bảo bối" để phát tài.

Thậm chí, người ta còn đồn thổi có được một phần "bảo bối" để đầu giường sẽ chữa lành các loại bệnh. Vì thế mộ người tử nạn vì sét đánh phải đổ bê tông, canh mộ phần. Vậy nhưng vẫn có những... cỗ quan tài bị bật nắp.

"Nghề" đào trộm tử thi

"Gọi là nghề đào trộm tử thi thì có vẻ hơi sang vì nó không phổ biến. Nhưng cứ chiếu theo quan điểm, có người thuê, hoặc làm gì đó kiếm được tiền thì được gọi là nghề, thì những tay "ăn sương" thi thoảng nhập phi vụ đào trộm tử thi sét đánh cũng được coi là nghề. Nhưng nghề này nghe nó rùng rợn và thất đức quá”, đó là tâm sự của Nguyễn Văn N., người đã từng có thời gian tham gia đào trộm tử thi bị sét đánh. Sau thời gian ở tù, N. trở thành con người khác, hiền lành đến độ ngơ ngác.

Trong một cuộc rượu, khi ngà ngà say, N. chẳng giấu giếm nữa, hắn kể tỉ mỉ cái cuộc tham gia bật nắp quan tài người bị sét đánh. Hồi ấy, ở quê hắn mưa giông to lắm nổi lên. Mấy người ở làng bên đi làm đồng về vội trú mưa vào gốc cây sanh cổ thụ. Lưỡi tầm sét bổ nhào, người đứng ở vị trí số ba bị luồng ánh sáng cực mạnh đánh trúng cháy đen thui, co quắp như điện giật. Cả làng quê bàng hoàng vì hung tin sét đánh chết người. Gia đình có người bị sét đánh chết lo làm ma, an táng người xấu số. Ai cũng biết, câu chuyện dân gian đồn thổi, ở cái vùng giáp với dân tộc lời đồn hoang đường càng có đất sống dai dẳng. Sau khi chôn cất người chết xong, gia đình họ cũng làm lều canh ma.

Ký ức của một kẻ đào mộ, trộm xác - 1

Nguyễn Văn N. không dám làm điều xấu nữa

Theo tập tục, mộ người chết bị sét đánh phải được canh tròn 100 ngày, còn những tay trộm thì cũng muốn trong khoảng thời gian ấy lấy cắp được các bộ phận của người chết. N. kể: "Thời điểm trước 100 ngày là đám trộm tử thi rình rập thường xuyên, hết nhóm này đến nhóm khác. Họ chỉ chờ gia chủ sơ sểnh là hò nhau đào bới mộ phần, bật nắp quan tài". Và chẳng biết vậy may, hay vận rủi đến mà đám trộm của N. có thời cơ làm điều thất đức. Đêm đó, mưa phù lây phây, nghĩa trang sát cánh rừng rúc lên những hồi cú đi ăn đêm nghe rợn người. Đám của N. lấp trong bóng đêm theo dõi, và thời cơ đến bọn chúng kéo ra ngoài nghĩa trang, khi những người nhà sau nhiều tuần thức trắng đêm đã ngủ vùi vì đêm lạnh và mùi tử khí. Đánh thêm ít thuốc mê cho những người thân không còn biết gì, nhóm 7 người của N. bắt đầu hành sự.

Đúng lúc quan tài bật mở, thi thể người chết liệm vải trắng hiện ra trên nền đất đỏ thì cũng là lúc nhóm của N. gặp... cướp. Đó là nhóm trộm tử thi khác cũng đang rình rập quanh khu mộ người chết đã lâu ngày. Bọn chúng đổ ra, hăm doạ đòi chia "chiến lợi phẩm" và trắng trợn tuyên bố hai "bảo bối" là đầu và cánh tay trái là phần của bọn chúng. "Gã trùm bên kia ra mật lệnh: Quan tài đã mở nắp sẵn rồi đấy, nếu để hai "món đồ" kia bọn này lấy xong sẽ rút êm. Nếu không, khi quan tài đóng nắp sẽ có một vài thằng trong nhóm mày nằm vào đấy". Đời nào chúng tôi chịu bị "hớt" tay trên. Hai nhóm xông vào chiến đấu, khi đang hăng say thì công an xã ập đến. Vậy là tử thi của gia đình nhà nọ chỉ mới phơi ra trong sương, còn tất cả chúng tôi chui tọt vào rừng trốn thoát".

Cho đến bây giờ, N. vẫn bị ám ảnh bởi câu chuyện xưa. Tính khí của N. thay đổi nhiều lắm, từ tay ma cà bông, hắn trở thành kẻ hiền đến ngơ ngẩn. Như báo ứng, hay nghiệp đòi trả cho kẻ gây tội ác, sau khi về quê, N. không nghĩ đến chuyện lấy vợ. Mẹ hắn, vì quá tủi nhục với làng xóm nên đã sớm qua đời. Một mình hắn bơ vơ, N. cũng chẳng màng đến chuyện gia đình. Cứ rằm, mồng một, hắn lại lên chùa làm không công giúp nhà chùa. Còn trong làng xóm, ai cần giúp cái gì hắn cũng đến làm rất trách nhiệm. Xong việc, ai muốn cho hắn đồng nào thì cho, chẳng cho thì hắn cũng không đòi hỏi. Đói bụng, thiếu cái ăn hắn lại lên ở chùa xin cơm chay. Với một kẻ lơ ngơ như hắn, nhà chùa cũng chẳng khép lòng. Vậy là hắn cứ đi lại với chùa giúp việc nhiệt tình, chu đáo. Ngày tết, hắn chỉ thắp hương cho mẹ được một đôi lần là khăn gói lên chùa. Hắn cứ ở lỳ đấy, đến khi quét dọn chùa sạch sẽ qua ngày rằm tháng giêng, hắn mới về nhà. Người dân quê thấy hắn giờ cũng thảm lắm nên cũng thương, đời có vay, có trả là thế. Hắn sẽ cô đơn đến cuối cuộc đời. Tôi thì nghĩ, hôm nay hắn trút được nỗi lòng, biết đâu những uẩn ức cũng vơi đi phần nào.

Nỗi lòng người canh mộ

Những ngôi mộ người bị sét đánh phải đào huyệt sâu tới vài mét chưa đủ, còn phải đổ bê tông chắc chắn và canh giữ cẩn thận. Theo người dân, người bị sét đánh chứa một bí mật đến hoang đường. Người ta thêu dệt đủ thứ chuyện xung quanh người chết bị sét đánh. Kẻ độc miệng thì coi đó là trời đánh. Vì thế, việc canh mộ đủ 100 ngày là để đề phòng kẻ trộm tin theo lời đồn thổi hoang đường mà khai quật mộ phần trộm xác. Cũng có một lý do nữa, là 100 ngày gần gũi hương khói người đã chết để an ủi những kẻ... bị trời bắt chết oan.

Nói về những vụ sét đánh, ông TS. Nguyễn Chu Phác (chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý - Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) cho biết: "Tôi cũng đã biết nhiều chuyện dân gian đồn thổi đến những bộ phận của người bị sét đánh được coi như "bảo bối" nếu ai sở hữu được. Chính vì thế, người ta mới phải đổ bê tông, canh mộ phần để giữ cho thi thể người chết được toàn vẹn. Người Việt mình quan niệm chết phải được toàn thây để chuyển hoá kiếp sau".

Ông Phác kể lại, vụ sét đánh làm chết một lúc 6 người ở Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An gây bàng hoàng dư luận hồi năm 2009. Nhưng nỗi đau mất người thân chưa kịp vơi đi thì người nhà nạn nhân lại đứng trước nỗi lo phải xây mộ làm sao thật kiên cố, canh giữ cẩn thận phòng kẻ gian đào trộm. Người nhà nạn nhân ở Nam Thành cho biết, nghe nói ở xã Khánh Thành có mộ người bị sét đánh bị trộm đào chặt 2 chân nên phải xây kiên cố và canh phòng cẩn thận đến hết 100 ngày.

Cũng chưa biết có phải mộ bị đào thật không nhưng những tin đồn cứ lan đi khiến thân nhân người quá cố cũng phải cẩn thận. Tâm lý ai cũng muốn canh chừng cẩn thận để không có chuyện gì xấu xảy ra, khỏi phải ân hận cả đời. Chính vì lẽ đó, ở xã Tăng Thành (Nghệ An), mộ của nạn nhân Trần Văn B bị chết vì sét đánh được người nhà xây kiên cố trong ruộng lúa của gia đình. Sở dĩ phải làm vậy vì họ cho rằng nghe tin ở Nam Thành có trường hợp bị trộm đào mất xác nên gia đình quyết định chôn anh B trong vườn nhà, dù chính quyền đã đến phân tích, động viên.

Ở miền Trung có một nơi được mệnh danh là "tam giác Thiên Lôi" do số người bị chết vì sét đánh ở đây nhiều bất thường so với những nơi khác. Có trường hợp gia đình có người vợ trẻ chết vì sét đánh. Theo quan niệm người phụ nữ đã theo chồng thì chết phải chôn ở đất nhà chồng, mà chết vì sét đánh thì phải chôn ở trong vườn nhà. Tuy nhiên, gia đình nhà chồng lại lo ngại nhìn thấy ngôi mộ trong vườn làm người chồng trẻ càng thêm đau khổ. Theo tục lệ, người chết bị sét đánh sẽ được chôn vĩnh cửu không có nghi thức "thay áo". Vậy là cùng với nỗi đau mất người thân, gia đình lại phải lo xây cất mộ phần tốn kém gần bằng một ngôi nhà. Họ phải đào huyệt sâu chín thước móng, quanh mộ rào phủ kín tre, thép, trên lấp đất, đá và trên cùng là đá tảng. Chi phí cho một ngôi mộ như vậy cũng lên tới hàng chục triệu đồng.

Ông Nguyễn Chu Phác đồng cảm với nhiều gia đình: Đa phần những người nhà nạn nhân đều cho biết chuyện mộ người sét đánh bị đào trộm được đồn đại khắp nơi. Vì người ta vẫn cứ lo những lời đồn thổi hoang đường vô căn cứ sẽ khiến những kẻ đạo chích xâm phạm mộ phần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Khánh (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN