Kí ức AFF CUP: Chuyện chưa kể về “công chúa” Hồng Sơn
Năm 1996, sau khi dành huy chương đồng tại Tiger Cup, bóng đá Việt Nam đã bước đầu khẳng định vị trí của mình trong khu vực. Cũng kể từ đó, người hâm mộ biết đến một loạt các cầu thủ mà ngày nay chúng ta vẫn gọi họ là “Thế hệ vàng”.
Danh thủ một thời với biệt hiệu “công chúa”
Cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, vào cái thời mà công nghệ thông tin còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng đối với người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam, không ai không biết chàng cầu thủ nhỏ con, luôn mặc chiếc áo số 8 của đội tuyển Quốc gia Việt Nam, đó là Nguyễn Hồng Sơn.
Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn - “Thế hệ vàng” bóng đá Việt Nam (Ảnh: Thế Đại).
Chúng tôi gặp lại cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn trong một buổi chiều đầu tháng 11 chỉ ít ngày trước khi AFF Cup 2018 khởi tranh. Ở tuổi 48, những bước chân của anh vẫn thoăn thoắt, những pha tâng bóng đã làm nên thương hiệu một thời vẫn như khi đang ở đỉnh cao phong độ.
Khi nhắc đến biệt hiệu “Sơn công chúa”, anh chẳng những không khó chịu mà cho rằng biệt hiệu đó là cái duyên của cuộc đời. Cái duyên này đã theo anh từ khi còn là cậu bé lên 10, lúc đó gia đình Hồng Sơn có một cửa hiệu chuyên cho thuê trang phục cưới hỏi, trong một lần chơi với bạn bè quanh khu, Hồng Sơn đã mặc chiếc váy đóng giả cô dâu nên bị bạn bè trêu chọc là “công chúa”.
Nguyễn Hồng Sơn thời còn mặc quần đùi áo số.
Sau này, khi đã trưởng thành và thi đấu trong màu áo đội tuyển Quốc gia Việt Nam, anh vẫn được anh em, đồng đội quý mến gọi “Sơn công chúa”. Theo Hồng Sơn, “công chúa” thời đã trưởng thành hoàn toàn khác với lúc mặc chiếc váy cô dâu. Anh cho rằng có thể bản thân chăm chút cho ngoại hình, đầu tóc và khi đi tập hay dùng nước hoa nên để đồng đội nhắc lại biệt hiệu thời tấm bé.
Nhưng dù vậy, “Sơn công chúa” vẫn là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thuộc “Thế hệ vàng” với kỹ thuật điêu luyện và những đường đi bóng lắt léo, tài hoa như làm ảo thuật trên sân bóng khiến người hâm mộ không thể nào quên.
Ông Edson Silva Dido - HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lúc bấy giờ (giai đoạn 2000 - 2001) đã để lại câu nói bất hủ về cựu tiền vệ một thời của bóng đá Việt Nam: "Nếu được sinh ra ở Brazil, Hồng Sơn sẽ là huyền thoại của bóng đá thế giới". Câu nói đủ thấy rằng chiến lược gia người Brazil đánh giá cao tài năng của Hồng Sơn đến nhường nào.
Những câu chuyện chưa kể bên lề Tiger Cup
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Hồng Sơn đã bật mí đến những câu chuyện bên lề Tiger Cup 96 và Tiger Cup 98 (tiền thân AFF Cup) đầy thú vị và tưởng niệm. Tiger Cup 1996 tổ chức tại Singapore, một năm sau thành công ngoạn mục của đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 18 với ngôi vị á quân. Trước thềm giải đấu, người hâm mộ bóng đá Việt Nam lúc đó vẫn cho rằng chiếc huy chương bạc SEA Games 1995 chỉ là một sự may mắn.
Đội tuyển Việt Nam tham dự Tiger Cup 1996.
Nói về giải đấu này, Hồng Sơn chia sẻ Tiger Cup 1996 là giải đấu đáng nhớ trong sự nghiệp cầu thủ của anh. Để chuẩn bị cho giải đấu, Hồng Sơn cùng đồng đội đã có những chuyến đi tập huấn, những sự chuẩn bị về con người, về chế độ tập luyện. Thành quả của sự chuẩn bị kĩ càng đó là tấm huy chương đồng Tiger cup 1996, minh chứng rõ ràng nhất cho việc đội tuyển Việt Nam dành được chiếc huy chương bạc Seagames 1995 không phải do may mắn.
“Mùa Tiger Cup 1996 cũng là mùa bóng đáng nhớ nhất với bản thân tôi khi người hâm mộ bắt đầu biết đến cầu thủ mang tên Hồng Sơn cùng chiếc áo số 8. Tuy nhiên, đây cũng là năm đầu tiên thi đấu giải quốc tế mà tôi bị chấn thương nặng, phải mất gần 1 năm để phẫu thuật vết thương đầu gối tại Đức”, cựu danh thủ nhớ lại.
Tiger Cup 1998 được tổ chức tại Việt Nam, giải đấu tiếc nuối nhất của bóng đá Việt Nam cũng là một trong những kỷ niệm khó quên đối với Hồng Sơn. 2/9/1998, “Thế hệ vàng” những năm 90 của thế kỷ XX đã tạo nên chấn động khu vực khi chiến thắng đương kim vô địch Thái Lan với tỉ số cách biệt 3 – 0 tại trận bán kết. Người hâm mộ nước nhà đã có một đêm không ngủ và gần như, các cầu thủ cũng như vậy.
“Lúc đó người hâm mộ đội bóng nước nhà đặt kỳ vọng lớn vào chúng tôi khi lần lượt gặt hái những tấm huy chương bạc, huy chương đồng tại hai giải quốc tế trước đó. Đáng tiếc, chiếc huy chương vàng lại luôn luôn tuột khỏi tay chúng ta”, Hồng Sơn chia sẻ.
Đội tuyển Việt Nam tham dự Tiger Cup 1998.
Trước khi giải đấu khởi tranh, bản thân Hồng Sơn cũng như các đồng đội, ban lãnh đạo cùng toàn thể người hâm mộ bóng đá Việt Nam mang một niềm hi vọng lớn lao với việc chiếc huy chương vàng sẽ ở lại Việt Nam. Tuy nhiên, thất bại 0 – 1 trước Singapore đã làm niềm hi vọng ấy không thể trở thành sự thật.
“Khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, không chỉ riêng bản thân Hồng Sơn mà cả đội bóng, cả tập thể cũng như tất cả người hâm mộ đội tuyển Việt Nam lúc ấy đều lặng người đi, một sự trầm lặng bao trùm khắp cả sân vận động Hàng Đẫy. Thật sự đây là hình ảnh buồn đến nao lòng với tôi và đồng đội”, cựu tiền vệ nhớ lại.
Tiger Cup 1998 là một giấc mơ dang dở đối với Hồng Sơn và “Thế hệ vàng” những năm 90. Tuy nhiên, sau đó đúng 10 năm, Việt Nam đã giành ngôi vô địch AFF cup 2008 bằng lứa cầu thủ như Công Vinh, Dương Hồng Sơn, Nguyễn Minh Phương. Để đến bây giờ, đúng 20 năm sau Tiger cup 1998, người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại nuôi một niềm hi vọng lớn lao đối với một thế hệ đầy tài năng như Lương Xuân Trường, Quang Hải, Tiến Dũng. Một thế hệ mà theo như cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn đánh giá là “Thế hệ vàng tuyệt đối”.
Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (tiếng Anh: AFF Championship, tên gọi khác tiếng Anh: ASEAN Football Championship) là giải bóng đá giữa các đội tuyển bóng đá quốc gia Đông Nam Á do Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) tổ chức. Giải lần đầu tiên diễn ra tại Singapore năm 1996 với tên gọi Cúp Tiger (Tiger Cup) với 10 đội tuyển và nhà vô địch đầu tiên là Thái Lan. Tên gọi Cúp Tiger được giữ đến hết giải lần thứ 5 (năm 2004). Tại giải lần thứ 6 (năm 2007), giải còn được gọi là Giải vô địch AFF. Giải lần thứ 7 (năm 2008), Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á được gọi là Cúp AFF Suzuki 2008. Tên gọi Cúp AFF Suzuki được giữ từ đó cho đến nay. |
Tiền vệ Nguyễn Quang Hải khẳng định, anh chỉ tập trung suy nghĩ về mục tiêu của ĐTVN.