Kỳ tích mẹ con đoàn tụ sau 49 năm thất lạc
Gần nửa thế kỷ thất lạc gia đình, nay gặp lại, cậu bé năm tuổi hôm nào giờ đã qua tóc bạc da mồi, còn mẹ già đã giáp tuổi 90. Mẹ con gặp nhau là cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt, ngập yêu thương.
Năm 1973, cậu bé Nguyễn Văn Tuấn (mới năm tuổi, ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thất lạc gia đình, theo người hàng xóm đi ga tàu. Sau 49 năm biệt tích, một kỳ tích đã xảy ra, ông Tuấn (nay đã 54 tuổi) đã tìm được mẹ là cụ bà Phạm Thị Lâm (89 tuổi, quê thị xã Phủ Lý, nay là TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cùng các chị em gái ở tận cao nguyên Gia Lai xa xôi.
Ngày đoàn tụ đẫm nước mắt
Một ngày đẹp trời tháng 3, điện thoại của bà Nguyễn Thị Anh (58 tuổi, con gái đầu của cụ Lâm, ở thôn Thanh Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) bỗng reo lên inh ỏi. Bên kia đầu dây vọng lại: “Alo, chị Anh à? Em Tuấn đây, em trai thất lạc của chị đây”. Nghe câu nói, bà Anh tâm thần tê dại, cố trấn tĩnh để rõ thực hư.
“Tôi không muốn gì hơn nữa” Gặp được con trai sau 49 năm, cụ Lâm bùi ngùi khôn nguôi. Cụ nghẹn ngào nói: “Tôi hạnh phúc lắm, tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời tôi cũng đã thành sự thật, tôi không muốn gì hơn nữa. Lúc con trai tôi mất tích, tôi đau khổ tột cùng, nghĩ đến đứa con mình không còn quay về nữa, lòng tôi lại quặn thắt”. |
Kể lại, bà Anh bồi hồi: “Tôi nghe vậy vừa mừng vừa run nhưng cố ngăn cảm xúc, không cho mình khóc thành tiếng. Cái chính là để xem người nói chuyện đó có phải em mình không. Sau khi nghe kể nhiều câu chuyện, nói về ký ức hồi nhỏ giữa hai chị em thì tôi mới tin chắc đó là em trai mình. Lúc đó tôi nghẹn ngào lắm…”.
Theo bà Anh, ban đầu bà cũng không tin nhưng khi nghe ông Tuấn kể những câu chuyện hồi bé, nhắc đến giếng làng trước ngõ, cây vải trước nhà, tên cậu hàng xóm… thì bà mới tin là sự thật. Xong ông Tuấn hẹn sắp xếp công việc, một tháng sau vào Gia Lai đoàn tụ gia đình.
Xác định điểm đến, vợ chồng ông Tuấn khăn gói từ Thanh Hóa vượt gần 1.000 km vào Gia Lai. Ngày gặp mặt, mẹ con, chị em ôm nhau khóc như mưa. Bao nhiêu nhớ nhung, bao nhiêu uất nghẹn đều được tuôn xả theo dòng nước mắt.
Ôm chầm lấy con trai, cụ Lâm giọng nghẹn không thốt nên lời. Đôi mắt già nua đầy vết chân chim cứ liên hồi nhòe đi vì cảm xúc ùa về quá lớn. Cụ chỉ biết gọi “Con ơi, con ơi!”. Thỉnh thoảng, đôi bàn tay nhăn nhúm của cụ Lâm cứ sờ nắn lên mặt con trai bé bỏng ngày nào, còn tay cứ nắm chặt tay con như thể sợ mất con thêm lần nữa.
Ông Tuấn đoàn tụ cùng mẹ và các chị em gái. Ảnh: Gia đình cung cấp
“Tuấn ơi, con đâu rồi?”
Năm 1973, ngày ông Tuấn thất lạc, vợ chồng cụ Lâm đang đi chia lúa ở hợp tác xã. Lúc hay tin, vợ chồng cụ Lâm ngã quỵ. Cả nhà đổ xô đi tìm khắp làng trên xóm dưới đều không thấy. Để tìm con, vợ chồng cụ Lâm vay mượn tiền để thuê người đi tìm. Gia đình còn ra tận biên giới Lạng Sơn tìm con nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Sau mỗi chuyến tìm kiếm, gia cảnh cụ Lâm thêm khánh kiệt. Không còn ai cho vay nữa, cụ Lâm phải bán tài sản, ngay cả áo quần cũng bán hết để lấy tiền làm lộ phí tìm con. Quá đau buồn, cụ ông Nguyễn Văn Quốc (chồng cụ Lâm) cũng sinh tâm bệnh. Nhà hàng xóm có cậu con trai, hễ nghe họ gọi tên con, cụ Quốc lại khóc ngất.
Mong tìm thấy con, gia đình cụ Lâm đến nhờ thầy bói xem quẻ, chỉ đường. Nghe vị thầy bói bảo: “Nó chết nước, chết sông rồi”, cả nhà đau đớn, cố không tin đó là sự thật. Nhiều ngày họ đi tìm mò bờ sông, gọi “Tuấn ơi, con đâu rồi…” mà chẳng thấy.
Đến năm 1979, sau sáu năm rõng rã tìm con đến sạt nghiệp, gia đình cụ Lâm đành rời quê hương đi kinh tế mới ở huyện Phú Thiện, Gia Lai. Để vơi bớt nỗi buồn, cụ Lâm cạo đầu đi tu nương nhờ cửa Phật. Cụ mong câu kinh, tiếng mõ ở chùa phần nào xoa dịu cõi lòng.
Nhắc đến ngày định mệnh, ông Tuấn kể: “Tôi nhớ hồi đó vào buổi chiều, tôi được anh Phúc (tầm 15 tuổi, hàng xóm) dẫn đi đón bố của anh ấy và ngủ lại ga tàu. Hôm sau Phúc nhảy tàu trước, tôi theo không kịp nên bị lạc”.
Theo ông Tuấn, lúc ông đang bị lạc thì được một người đàn ông (ông Trần Văn Kiệm) tới dỗ dành. Do ông không biết đường về nên ông Kiệm dẫn ra quê Thanh Hóa. Sau đó, ông Tuấn được vợ chồng cụ Đồng Thị Cẩn (78 tuổi; ở thôn Nhân Hòa, xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa; không có con) nhận làm con nuôi.
“Hồi đó người ta hay gọi bố mẹ theo tên chị gái là “bố cái Anh”, “mẹ cái Anh” nên tôi không biết tên thật của bố mẹ mà chỉ biết chị gái tên Anh, còn tôi tên Tuấn. Do vậy việc tìm lại bố mẹ ruột cũng khó khăn. Năm 2019, tôi gửi thông tin lên đài, mạng xã hội nhờ tìm kiếm và đến gần đây mới nhận được phản hồi, liên lạc nhận người thân” - ông Tuấn kể.
Đưa mẹ già về quê phụng dưỡng
Từ quê Thanh Hóa vào gặp lại mẹ sau gần 50 năm thất lạc, vợ ông Tuấn là bà Đào Thị Đặng (55 tuổi) cũng vào cùng. Nói về cuộc hội ngộ này, bà Đặng bảo: “Nguyện vọng của chồng tôi là tìm được mẹ nên khi hay tin anh ấy tìm được mẹ ở trong Gia Lai, tôi liền cùng chồng vào đây. Ngày mẹ con gặp nhau, cả hai khóc dữ lắm, tôi dỗ dành mãi mới nguôi. Hiện tại, vợ chồng tôi đã có ba đứa con, bảy đứa cháu rồi”.
Cách đây hơn một tháng, lúc mẹ con chưa nhận nhau, chỉ có bà Anh nhận ra em trai thất lạc của mình. Bà Anh bảo con gái vào chùa Đại Tòng Lâm (ở Bà Rịa-Vũng Tàu) đón mẹ đến hai lần, dụ dỗ đủ kiểu cụ Lâm mới tin.
“Ban đầu mẹ tôi nghĩ là tôi lừa mẹ tôi, không cho bà đi chùa nữa nên mới nghĩ kế tìm được con trai để đưa mẹ về. Tôi đưa ảnh cậu Tuấn cho mẹ xem, mẹ nói: “Mày lừa tao. Thằng Tuấn nó mập, trắng lắm. Không phải đen như thế này đâu”. Sau hai lần thuyết phục, mẹ mới tin là đã tìm được con trai. Lúc về, bà vội nên không mang theo điện thoại, chứng minh nhân dân luôn” - bà Anh cười nói.
Theo bà Anh, cách đây hai năm, bà có trở về quê tìm gặp người hàng xóm tên Phúc để hỏi “Vì sao dẫn em tôi đi để nó thất lạc?”. Mục đích là để bà biết cho lòng nguôi ngoai bớt nhưng nay bà đã gặp lại em trai rồi, điều đó không còn quan trọng nữa.
Nói về mong muốn sau gần nửa thế kỷ chia ly, ông Tuấn chia sẻ: “Do lâu nay kinh tế gia đình khó khăn nên tôi không có điều kiện tìm mẹ, tìm gia đình. Giờ tìm thấy rồi, tôi chỉ muốn đưa mẹ về quê ở cùng để con cháu chăm nom, báo hiếu tuổi già cho mẹ. Chị đầu và hai em gái cũng đồng ý, nhường mẹ cho tôi chăm”.
Nguồn: [Link nguồn]
“Tôi may mắn có được hai gia đình, sinh ra là con của bố Quang mẹ Phượng, sống làm con của bố Đoành mẹ Oong. Dù giàu hay nghèo, tôi chỉ mong các anh em sống hòa thuận”, bà Cần...