Kỳ thú hạc đứng trên lưng rùa y như linh vật chốn đình, chùa
Ở ngôi chùa ấy có 3 ông rùa, duy chỉ có rùa nhỏ làm bạn với hạc, tình bạn thân thiết giữa đôi bạn đặc biệt từng thu hút người hiếu kỳ khắp nơi đổ về tham quan. Thú vị làm sao hình ảnh hạc bằng xương bằng thịt đứng trên lưng rùa y như linh vật chốn đình, chùa…
Quang cảnh Phước Kiển Tự - Nơi có loài sen khổng lồ và câu chuyện tình bạn kỳ lạ giữa rùa và hạc. Ảnh: Đăng Trình.
Ngôi chùa đặc biệt có tên Phước Kiển Tự, tọa lạc tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) do Sư ông Thích Huệ Từ, 79 tuổi trụ trì. Đã nhiều thập kỷ qua những câu chuyện kỳ thú về loài sen khổng lồ lá như thuyền thúng, chuyện về đôi rùa (quy) trăm tuổi, chuyện tình bạn cao quý giữa con rùa thông minh và hạc hiểu tiếng người thu hút người hiếu kỳ khắp nơi lặn lội tìm về…
Sư ông Thích Huệ Từ vui vẻ kể chuyện tình bạn giữa rùa và hạc. Ảnh: Đăng Trình.
Theo lời sư trụ trì, 2 rùa lớn (ngoài trăm tuổi, nặng hơn 10kg/ con) đã ở chùa từ thời sư cụ. Còn ông rùa nhỏ chỉ nặng khoảng 5kg được thu nhận vào chùa từ năm 1948 (được ướp xác thờ tại chùa). Câu chuyện tình bạn giữa rùa (ông rùa nhỏ) và hạc bắt đầu vào năm 1999.
Đôi rùa lớn ngoài trăm tuổi, mỗi ông nặng hơn 10kg. Theo lời kể, “ghét” hạc ăn mặn, hai ông rùa này chẳng chịu làm bạn với hạc. Ảnh: Đăng Trình.
Năm 1999, hạc còn nhỏ được sư ông giải cứu từ tay thợ săn với giá 3,1 triệu đồng. Ảnh phóng viên chụp lại tư liệu của nhà chùa.
Khi đó, hạc còn nhỏ được Sư ông giải cứu từ tay thợ săn với giá 3,1 triệu đồng. Sư ông nhớ lại, hạc chỉ ăn cá và lớn rất nhanh. Khi trưởng thành hạc nặng gần 10kg, sải cánh rộng khoảng 0,8m. “Hạc là linh vật hiểu tiếng người, sư bảo bay là bay, bảo đậu hạc đậu. Khi thầy ngồi tụng kinh, bảo hạc xòe cánh che sương là hạc xòe cánh như một vạt ô che đầu cho thầy. Hạc còn biết đứng trên lưng rùa nghe thầy tụng kinh. Hạc và rùa trở thành đôi bạn khăng khít không rời”, sư ông nói.
Trong số 3 ông rùa, duy chỉ rùa nhỏ chịu làm bạn với hạc. Đôi bạn rất thân thiết như hình với bóng. Mỗi khi sư ông tụng kinh rùa và hạc đều ở bên. Ảnh chụp lại tư liệu của chùa. Ảnh: Đăng Trình.
Dù thân thiết, nhưng hạc và rùa có “sở thích ăn uống” đối lập nhau, rùa nhỏ chỉ thích ăn rau, còn hạc chỉ ăn cá, sư ông có đưa đậu phụ tới miệng hạc hạc liền ngoảnh mặt quay đi. Mỗi ngày hạc ăn hết 1kg cá, nuôi hạc gần 1 năm sư ông cảm hóa hạc “ăn chay” không được đành bảo hạc đi khỏi chùa. Sư nói: “Ngươi cứ ăn mặn thế này thì nên bay về trời đi, chứ ở chùa ta phải mang tội theo”.
Theo sư ông Huệ Từ kể, hạc có tánh linh, hiểu tiếng người. Sư ông bảo bay là hạc bay, bảo đậu là đậu. Trong ảnh hạc đứng trên lưng rùa y như linh vật thường gặp ở các đình, chùa miền Bắc. Ảnh chụp lại tư liệu nhà chùa. Ảnh: Đăng Trình.
Độc đáo cảnh hạc đứng trên lưng rùa, xòe cánh như ô che đầu cho sư trụ trì tụng kinh. Ảnh chụp lại tư liệu nhà chùa. Ảnh: Đăng Trình.
Thế rồi hạc rời chùa bay đi, kể từ khi hạc đi mất rùa nhỏ nhớ bạn ngày đêm buồn rầu, rùa bỏ ăn rồi chết. Kỳ lạ, rùa chết đứng. Sư ông Huệ Từ bảo rằng, rùa chết trong tư thế mang ý nghĩa “chết đứng hơn sống quỳ”. Thương con vật có tánh linh thầy chùa đem ướp xác rùa nhỏ bảo quản trong tủ kính, lập ban thờ rùa tại một góc chùa.
Vì hạc ăn chay, sư ông không cảm hóa được nên bảo hạc rời chùa. Sau khi hạc đi khỏi, rùa nhỏ nhớ bạn, chẳng thiết ăn uống nên bị chết. Sư ông thương rùa ướp xác lập ban thờ tại chùa. Ảnh: Đăng Trình.
Ngày nay, những hình ảnh chụp rùa và hạc vẫn được lưu niệm tại chùa. Khách xa gần đến chùa nghe câu chuyện tình bạn giữa rùa và hạc đều thấy rưng rưng xúc động…
Đàn khỉ hoang gần 70 con nương náu ở chùa Tam Bảo, sống nhờ thức ăn mà du khách và người qua đường cho.