Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 2

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 3

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 4, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và những vấn đề của ngành giáo dục nói chung.

Bộ trưởng GD&ĐT đánh giá đề thi THPT quốc gia 2018 có độ phân hóa tốt hơn năm 2017. Kỳ thi đạt được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng.

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 5

Ông Nhạ cho rằng kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã khắc phục được những hạn chế của năm 2017, đặc biệt là tăng tính phân hóa của đề thi.

Thế nhưng, chính tính chất “phân hóa” đó đã vạch mặt hàng loạt sai phạm tày trời tại một số tỉnh khi kết quả thi THPT Quốc gia 2018 được công bố rộng rãi trên cả nước vào ngày 11/7/2018.

Theo đó, kết quả thi của các thí sinh tại một số tỉnh chưa từng là điểm sáng giáo dục như Hà Giang, Sơn La… lại khiến các tỉnh khác ngưỡng mộ và dư luận nghi ngờ.

Tình thế đó đã buộc Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an và công an các địa phương vào cuộc làm rõ. Từ đây, hàng loạt sai phạm đã được chỉ ra, những vụ án bị khởi tố, những cán bộ trong ngành giáo dục bị bắt…

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 6

Bê bối gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 chính thức "khai hỏa" từ Hà Giang. Tất nhiên, trước khi vụ bê bối này bị phanh phui, kết quả tốt nghiệp tại tỉnh này khiến cả nước phải ngưỡng mộ:

Năm nay, tỉnh Hà Giang chỉ có 5.470 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với 31.560 bài thi (con số này chỉ bằng… 0,59% số thí sinh cả nước với 925.000 em).

Nhưng lại có kết quả thi ngoạn mục:

- Trên cả nước, số bài thi khối A1 đạt 27 điểm trở lên chỉ là 76 thì ở Hà Giang đã có 36 em đạt mức điểm này, chiếm 47,37%.

- Còn tại khối A, trong khi cả nước có 82 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên thì Hà Giang đã chiếm tới 29 thí sinh (chiếm 35,3%)

- Môn Toán được đánh giá là khó nhưng Hà Giang có tới 57 thí sinh đạt điểm 9 trở lên. Trong khi đó, TP.HCM chỉ có 32/78.030 em đạt mức điểm này. Con số này ở đất học Nam Định là 13/19.600 thí sinh.

- Sự bất thường thể hiện rõ nhất ở môn Vật lý, Hóa học, Toán. Riêng Vật lý, Hà Giang có đến 65 bài thi đạt từ 9 điểm trở lên, chiếm 6,7% tổng số thí sinh dự thi trên cả nước. Tỷ lệ điểm giỏi ở tỉnh này cao gấp 23 lần Hà Nội.

- Ngoài ra, Hà Giang còn là tỉnh có 2 thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở môn Tiếng Anh trên tổng 75 thí sinh cả nước đạt mức điểm này.

- Trong danh sách 11 thí sinh điểm cao nhất cả nước có đến 3 thí sinh của Hà Giang.

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 7

Ít ai biết, người đầu tiên đặt câu hỏi và lên tiếng về nghi vấn điểm thi cao bất thường ở Hà Giang là thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cùng 2 đồng nghiệp đang công tác tại một trung tâm giáo dục online ở Hà Nội.

Ngay khi nhận thấy những điều bất thường, phi lý, bất công, nhóm giáo viên này đã tổng hợp, phân tích điểm thi của Hà Giang và đăng tải lên mạng xã hội. Những thông tin này nhanh chóng được dư luận quan tâm và đặt câu hỏi: Có gì đó bất thường trong kết quả này, khi Hà Giang vốn được coi là điểm trũng của giáo dục với những người dân quanh năm sống trong khốn khó? Có gì đó bất thường khi mặc dù có rất nhiều thí sinh điểm cao nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh này thuộc nhóm thấp nhất cả nước (89,35%)?…

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 8

Trước sự sôi sục của cộng đồng, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc xác minh và yêu cầu phía Hà Giang điều tra lại toàn bộ quá trình chấm thi ở đây.

Trước khi bắt tay vào rà soát lại quy trình tổ chức thi, chấm thi theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, sáng 14/7, ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang đã có cuộc trao đổi với báo chí. Ông Sử cho rằng, quy trình chặt chẽ, có máy móc và con người giám sát, nhưng nếu có "góc khuất" thì nó phải rất tinh vi!

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 9
[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 10

Điều tra ban đầu cho thấy, người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh là ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang. Chỉ trong hơn 2 tiếng đồng hồ từ 12h đến 14h38, ông Lương đã “phù phép” kết quả thi của 114 thí sinh trên. Thậm chí, có em điểm thi thật chỉ là 0,75 đã được nâng lên 9,5.

Sáng 20/7, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Giang đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt để tạm giam 3 tháng đối với ông Vũ Trọng Lương về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật Hình sự.

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 11

3 ngày sau, ngày 23/7, ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Sở GD&ĐT Hà Giang cũng bị khởi tố và bắt tạm giam cùng với tội danh trên. Ông Hoài là Phó Trưởng Ban chấm thi, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang. Ông Hoài chính là người đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho ông Lương. Việc làm này hoàn toàn trái với quy chế.

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 12

Sau khi vụ “phù phép” điểm thi ở Hà Giang bị lật tẩy, dư luận tiếp tục đặt nghi vấn vào điểm thi THPT Quốc gia 2018 của tỉnh Sơn La khi tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua tại cụm thi này khá bất thường.

Theo phân tích, điểm trung bình môn Toán của Sơn La thấp nhất cả nước nhưng tỉ lệ điểm 9 lại cao gấp 3 lần Hà Nội, gấp 7 lần TP.HCM. Trong khi tại hai thành phố lớn này, lượng thí sinh đăng ký dự thi cao gấp nhiều lần tỉnh Sơn La.

Tương tự, ở môn Vật lý, Sơn La cũng có 13 em đạt điểm 9, chiếm 0,79% trên tổng số 1.340 thí sinh dự thi. Trong khi đó, với số bài thi cao hơn rất nhiều lần, nhưng TP.HCM cũng chỉ có 39 điểm 10, chiếm khoảng 0,08%, kém Sơn La 12 lần.

Ðặc biệt, xét theo khối A1, Sơn La có 8 thí sinh từ 27 điểm trở lên, trong khi cả nước có 76 thí sinh. Ở môn Tiếng Anh, số thí sinh có điểm 9,6 cũng xấp xỉ số điểm 9 và 8.

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 13

Ngày 18/7, Bộ GD&ĐT thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Sơn La.

Ngày hôm sau, trả lời báo chí, ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La khẳng định toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh này được thực hiện rất nghiêm ngặt, không có bất kỳ tiêu cực nào.

"Đến thời điểm này, qua báo cáo của các điểm thi, các tổ chấm cho thấy không có sự bất thường”.

Theo ông Hoàng Tiến Đức: “Toàn bộ quy trình tổ chức kì thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kì tiêu cực nào” “Kết quả thi của những thí sinh điểm cao ở Sơn La là do sự cố gắng nỗ lực của thầy cô, của bản thân các em”.

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 14

Ngày 21/7, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Với sự phối hợp của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La, tổ công tác bước đầu đã xác định có một số sai phạm quy chế thi, đặc biệt ở khâu chấm thi. Trong đó có dấu hiệu của sự can thiệp làm thay đổi kết quả thi của thí sinh”.

Đến ngày 23/7, sau khi làm việc với các bên liên quan, ông Trinh đã công bố những sai phạm sau kỳ thi THPT quốc gia ở tỉnh này.

Theo đó, bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi. Đặc biệt là có dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm (phiếu trả lời trắc nghiệm) của một số thí sinh.

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 15

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn và điều tra đã phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa. Còn ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD&ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu mà Bộ GD&ĐT giữ (do Hội đồng thi Sở GD&ĐT Sơn La gửi trước khi chính thức cho máy chấm thi) hoàn toàn giống nhau.

Xác minh ban đầu thấy những người liên quan vi phạm quy chế thi THPT quốc gia 2018 gồm:

- Ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Ủy viên Ban chỉ đạo thi, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban thường trực Ban chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm

- Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La, Thư ký Ban chỉ đạo, Uỷ viên Tổ chấm thi trắc nghiệm

- Bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm

- Ông Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm

- Ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký.

Ngày 26/7, Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngày 31/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố 5 người trên về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cùng với quyết định khởi tố, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định bắt bị can để tạm giam đối với các bị can Nga, Huynh, và Thủy, đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Yến và Sọn.

Video: Cục trưởng Mai Văn Trinh cung cấp thông tin trong đêm

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 16

Từ việc phát hiện các dấu hiệu bất thường về kết quả thi ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo chấm thẩm định tại các hội đồng thi Lâm Đồng và Bến Tre.

Kết quả cho thấy, 100% bài thi đã chấm thẩm định trùng khớp với kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với kết quả đã công bố trước đó.

Kết quả kiểm tra cho thấy dữ liệu file ảnh quét bài thi gốc của thí sinh không phát hiện dấu hiệu bất thường. Đối sánh ngẫu nhiên chữ ký của thí sinh trên bài thi, cán bộ coi thi và túi đựng niêm phong trùng khớp chữ ký hiển thị trên file ảnh bài thi của thí sinh.

Theo các chuyên gia ngành giáo dục, chấm thẩm định là một khâu quan trọng của kỳ thi và mục đích của chấm thẩm định để Bộ GD&ĐT có cơ sở đánh giá tổng thể về chất lượng của công tác chấm thi. Quy trình chấm thẩm định giống như chấm lần đầu. Chấm thẩm định là một khâu bình thường của một kỳ thi.

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 17

Sau những sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở một số địa phương, ngày 24/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi chia sẻ với báo chí.

Ông Nhạ cho hay Bộ phải có trách nhiệm xem xét, chỉ đạo giải quyết và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm với tất cả các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Với trường hợp Hà Giang và Sơn La, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi THPT Quốc gia, lãnh đạo Bộ chỉ đạo kiểm tra, xác minh, đồng thời thành lập ngay tổ công tác về địa phương để làm rõ các dấu hiệu sai phạm.

“Trả lại công bằng cho các em học sinh, niềm tin cho xã hội là việc mà Bộ GD&ĐT phải làm và thực tế những ngày qua đã khẳng định rằng Bộ GD&ĐT đã làm bằng quyết tâm cao nhất. Khi phát hiện những sai phạm tại Hà Giang và Sơn La, quan điểm của lãnh đạo Bộ là kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi và quy định của pháp luật", ông Nhạ nhấn mạnh.

[Magazine] Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Bàn tay “ma thuật” và những ước mơ suýt bị đánh cắp - 18

Nói về những lỗ hổng trong quy trình tổ chức khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, ông Nhạ cho rằng quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện, nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người.

“Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích” – người đứng đầu ngành giáo dục nói.

Sau sự việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc rà soát kỹ lưỡng lại toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là khâu chấm thi, khắc phục những bất cập để hạn chế tới mức thấp nhất các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong các kỳ thi tiếp theo.

Là một trong những người đầu tiên phân tích và đưa tiêu cực thi cử tại Hà Giang ra ánh sáng, thầy Vũ Khắc Ngọc cho biết rất nhiều thí sinh đã chia sẻ với thầy về những giấc mơ đại học, mở ra một cánh cửa tốt đẹp để bước vào đời.

Thế nhưng, theo lời thầy Ngọc, “các bạn có lẽ cũng không biết và không ngờ rằng, ước mơ của mình bị đánh cắp một cách tàn nhẫn bởi những gian lận xảy ra ở đâu đó”.

 

Nội dung: Phương Hà

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Thứ Tư, ngày 01/08/2018 00:30 AM (GMT+7)
Theo Trung Nam - Phương Hà ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN