Kỳ thị người Việt: TQ khơi lại nỗi đau xưa
Việc chủ nhà hàng Bách Niên Lỗ Chử ở Bắc Kinh (Trung Quốc) treo tấm biển “Cửa hiệu này không tiếp người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó” chính là “tập 2” của câu chuyện “công viên Hoàng Phố” (tên của một quận trung tâm thành phố Thượng Hải) ngày xưa.
Số là vào nửa sau thế kỷ 19, từ sau khi xây dựng các công viên ở Thượng Hải, hội đồng thành phố này, vốn trong tay thực dân Âu - Mỹ, đã cho treo ở cổng công viên tấm bảng nội quy 10 điều, đáng chú ý ở hai điều sau: “1/Các công viên này dành cho cộng đồng người ngoại quốc - ... 4/Chó và xe đạp không được chấp nhận...”. Dư luận truyền khẩu tóm tắt còn mỗi một điều, đó là: “Chó và người Trung Quốc không được chấp nhận”. Mãi đến tháng 6/1928 tấm bảng này mới được gỡ bỏ.
Sau này, khi giở lại vấn đề trên, các học giả Âu - Mỹ như sử gia John K. Fairbank trong khảo cứu “Cuộc đại cách mạng Trung Hoa” (1986) hoặc Robert A. Bickers và Jeffrey N. Wasserstrom trên chuyên san The China Quarterly, 6-1995... đều quả quyết rằng không hề có một tấm bảng xúc phạm trực tiếp như vậy. Trong khi đó, người Trung Quốc vẫn nhất định cho là đã có tấm biển mạ lỵ dân tộc mình, đến nỗi!
Câu chuyện “cấm chó” không dừng ở năm 1928 với đối tượng căm hờn là thực dân Anh - Mỹ. Năm 1972, Lý Tiểu Long trong phim Tinh võ môn đã đưa câu chuyện truyền khẩu về sự thóa mạ này vào trong phim, đã cho treo tấm bảng lăng mạ trên trước cổng một võ đường của quân Nhật. Lý Tiểu Long, trong vai Trần Chân, đã tung cước đá văng tấm bảng đó trước sự thất thần của các võ sĩ Nhật (khán giả vỗ tay reo hò...).
Sở dĩ câu chuyện truyền khẩu về tấm bảng được cho là mạ lỵ kia được lái từ thực dân Âu - Mỹ sang phát xít Nhật là do từ năm 1932, người Nhật thôn tính Mãn Châu và thành lập Mãn Châu quốc trước mũi chính phủ Tưởng Giới Thạch, mở màn cho việc thôn tính Trung Quốc sau đó. Câu chuyện của Lý Tiểu Long dừng lại ở đó.
Nhà hàng Bách Niên Lỗ Chử - Nơi treo tấm biển kỳ thị nói “Không phục vụ người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó”
Ngày nay, câu chuyện “tấm bảng công viên Hoàng Phố” tập 2 được viết lại theo hướng khác, cũng dựa vào lịch sử. Số là đầu năm 1932, lần đầu tiên Nhật tung máy bay từ hai hàng không mẫu hạm Hosho và Kaga không kích Thượng Hải...
Mối thù bất cộng đới thiên với quân Nhật từ đó cứ thế mà tăng cùng nỗi thèm khát được làm chủ một hàng không mẫu hạm như Nhật Bản cứ theo năm tháng.
Mãi đến 80 năm sau vụ hai chiếc Hosho và Kaga tấn kích Thượng Hải, nhờ vào sự “phát triển hòa bình” (theo cách gọi của Trung Quốc) mà Trung Quốc nay trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và hải quân Trung Quốc đã có được chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình, cho dù đó là một “đống sắt vụn” mua lại của thiên hạ với giá 20 triệu USD, cải tạo, đặt tên là hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.
Năm ngoái, Liêu Ninh chính thức gióng trống mở cờ ra khơi, cùng lúc với việc Trung Quốc quyết liệt mở ra những vụ giành giật trên biển lãnh thổ của Nhật Bản, Philippines và VN, trong một khí thế sục sôi khát vọng phục hận những vụ như vụ Thượng Hải 1932, đúng như tinh thần phục hận vốn là thuộc tính của các phim, truyện mang màu sắc kung fu và sôi sục khát vọng thôn tính thiên hạ...
Trong bầu không khí ầm ĩ tiếng trống trận thúc giục trên các phương tiện truyền thông cổ vũ một sự trồi lên bằng tàu hải quân, hải giám và ngư chính, việc một chủ quán ăn có trưng tấm bảng “không tiếp người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó” chính là một biểu hiện của ý muốn “viết lại” câu chuyện “công viên Hoàng Phố” cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trong chiều hướng ngược lại.
Tấm bảng đã được treo lên và ở đó suốt mấy tháng, vô số người qua lại đã đọc và tán thưởng bằng cách bước vào để chứng tỏ không là cẩu tặc! Nay, có miễn cưỡng gỡ tấm bảng đó đi song ý đồ và giấc mộng “Hoàng Phố” tập 2 đó vẫn còn, không chỉ nơi mỗi ông chủ quán Bách Niên Lỗ Chử!