Ký sự rừng sâu: Chàng Ê Đê từng bị voi rừng tấn công

Chàng trai người Ê Đê từng bị voi rừng tấn công, mấy lần quên khấn thần rừng mà đi hoài không về đến nhà… Anh gắn bó với rừng từ lúc mới lọt lòng đến nay và thuộc mọi ngóc ngách rừng như thuộc lòng bàn tay của mình.

Y Danh Niê có lẽ chỉ khác Tarzan ở chỗ anh không ở hẳn trong rừng. Người đàn ông 40 tuổi da đen nhẻm, cặp mắt rực sáng, dáng tầm thước nhưng chắc như gỗ lim với sải chân thoăn thoắt. Bên hông anh lúc nào cũng dắt con dao mác. Hiểu biết của anh về rừng Yok Đôn thật đáng nể, chỉ bằng trải nghiệm và tình yêu rừng mãnh liệt.

Cọp phải đứng sau một bậc nguy hiểm

Buôn Rang nằm giáp bìa rừng Yok Đôn. Y Danh Niê cất tiếng khóc chào đời tại nơi này. Cha mất khi anh mới được tám tháng tuổi. Đến tuổi lẫm chẫm biết đi thì anh đã theo các anh trong buôn vào rừng Yok Đôn chơi. Với anh, khu rừng từ đó thân thương chẳng khác người cha, người anh.

Dù chưa từng gặp nguy hiểm gì trong rừng nhưng nghe lời mọi người, chưa bao giờ anh vào rừng một mình. Cho đến năm 22 tuổi thì một tai nạn nhớ đời xảy đến với anh. Hôm đó, anh cùng anh rể vào rừng chặt nhánh cây làm cần uống rượu. Khu vực này anh đã tới lui nhiều lần nên hai anh em rất thoải mái cười nói với nhau. Bất ngờ hai người nghe tiếng động lạ. Quay lại phía sau thì ôi thôi, một con voi rừng lừng lững khoảng hai thước với cặp ngà nhọn hoắt, mắt long lên sòng sọc đang chạy ào tới. Tình thế nguy khốn đến nơi, “tim tôi như muốn rụng xuống đất, không kịp suy nghĩ gì, tôi cắm đầu chạy quắn quíu đến cây căm xe gần đó, leo tót lên. Chỉ cần chậm chân một chút là toi mạng” - Y Danh kể bằng giọng núi rừng vang vang. Con voi khựng lại trước cây căm xe, tức tối ngước lên nhìn con mồi thoát chết trong gang tấc. Nó hậm hực dậm chân đi tới đi lui chờ đợi. Cứ voi ở dưới đất, người ngồi ôm cây trên cao chót vót nín khe chịu trận. Chờ chán chê, con voi bỏ đi. “Khi nó đi rồi thì cha mẹ ôi, tôi loay hoay một hồi không tụt xuống được. Không hiểu cách nào mà tôi đã leo lên quá cao và quá nhanh như vậy” - Y Danh nói. Xuống đất được rồi, Y Danh cứ nhìn ông anh rể của mình đang ngồi chết cứng trong bụi le um tùm gai cách đó mấy chục thước mà không nhịn được cười. Chính ông anh rể này nói ông cũng không hiểu bằng cách nào mà mình chui vào được bụi le nếu không ngoài bản năng sống kỳ diệu. Y Danh sau đó phải cầm dao mác chặt cây mới giải cứu được anh rể.

Nhiều người cứ tưởng vào rừng sợ nhất là gặp cọp nhưng theo Y Danh, voi rừng mới là loài nguy hiểm nhất. Bản tính chúng hung hăng và thường đánh đuổi người. Anh bảo cọp chỉ tấn công người gây sự với nó. Còn người hiền lành thì phải tới số mới bị cọp vồ. Như ông bác của anh đã bị cọp cắn lủng một mảng vai nhưng không chết, “đó là vì bác tôi không phải số chết” - anh khẳng định.

Ký sự rừng sâu: Chàng Ê Đê từng bị voi rừng tấn công - 1

Làm cho vườn cây ở Vườn quốc gia Yok Đôn lúc nào cũng tươi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm hạnh phúc của anh Y Danh Niê. Ảnh: THU HOÀNG

“Quên khấn thần rừng phải nhận hậu quả”

Rừng Yok Đôn rộng bao nhiêu, Y Danh không muốn nhớ con số chính xác, mà anh cho rằng diện tích nó ngang tỉnh Thái Bình ngoài miền Bắc. Bốn phương tám hướng rừng, dường như nơi nào cũng đã từng sục sạo dấu chân anh. Khu vực giáp núi Yok Đôn với anh thực sự là rừng thiêng. Nhiều năm trước hơn hẳn các khu vực khác, ở đây tập trung chai cụt, tức nhựa cây cà chít trắng. Dân trong vùng vào đây gom về đem bán đổi lấy gạo. Y Danh thời đó mỗi tuần nhặt về được hai bao. Nơi đây cũng mọc nhiều cây vú sữa, trứng gà, vải, nhãn, chôm chôm. Cả những bụi nứa cũng tươi tốt hơn các chỗ khác. Chính vì vậy bà con các buôn thường kéo vào đây hái trái cây và chặt cây nứa về làm cần cho bình rượu cần trong nhà họ.

Nhưng có một “luật” mà ai vào đây cũng ngấm ngầm hiểu: Phải khấn xin phép thần rừng thì mới được nhặt chai cụt, hái trái cây hay chặt nứa. Khấn thế nào? Chỉ cần đặt lá trầu và đốt điếu thuốc cắm xuống đất rồi chắp tay lầm rầm xin phép thần rừng. Nứa và chai cụt nếu khấn thì có thể được phép mang về, còn trái cây thì chỉ được ăn tại chỗ. Thử một lần không thèm khấn hoặc quên khấn? Y như rằng họ không có cách nào vác bao chai chụt, mang gùi trái cây hoặc bó nứa về được đến nhà. Một lần Y Danh hái một gùi vú sữa xong rồi hăm hở băng rừng về nhà. Anh đi mải miết, chợt giật mình lấy làm lạ sao mình đi lâu mà chưa ra tới bìa rừng. Một lúc sau anh sửng sốt phát hiện anh đi thế nào mà quay lại đúng chỗ đã hái vú sữa. Trong khi anh chưa từng đi lạc trong rừng bao giờ. Và anh sực nhớ ra anh đã xin phép thần rừng hái trái nhưng lại cả gan mang trái về nhà. Vậy là anh đành bỏ lại mớ vú sữa ra về với chiếc gùi không. Lần khác, anh vác bó nứa về đến nhà thì nhận ra từng cây nứa bị nứt bể không còn một chiếc nào nguyên vẹn, chỉ vì anh quên khấn thần rừng. Đêm đó anh nằm thấy ác mộng bị thú dữ trong rừng tấn công.

Được du khách mê tít

Lâu nay du khách khắp nơi đa số là người nước ngoài đăng ký tham quan rừng Yok Đôn đều ấn tượng với tài hướng dẫn của Y Danh Niê. Anh chưa từng học qua trường lớp hướng dẫn du lịch nào, cũng không biết tiếng Anh nhưng chắc chắn du khách được lây lan tình yêu mãnh liệt dành cho thiên nhiên từ anh. Sau một chuyến cắm trại qua đêm trong rừng, hầu hết du khách đều xin số điện thoại của Y Danh để còn liên lạc dài dài về sau. Họ thường gọi điện thoại hỏi anh một điều gì đó về khu rừng, gửi bưu thiếp và cả gửi quà tặng.

Mà họ không mê anh sao được. Vào rừng họ sẽ được anh dạy cách nhìn cây, nhìn lá, quan sát mặt đất mà đoán được thời tiết những ngày tới. Như rừng thế này thì cuối tháng 3 âm lịch sẽ bắt đầu mùa mưa. Anh chỉ họ cách đánh dấu cây, nhìn sao, nghe hướng gió mà đi đúng đường. Anh hái trái cây rừng cho họ. Anh kể tháng 6 trâm rừng, nhãn rừng đậu trái ra sao, tháng 7 và tháng 8 măng rừng mọc rộ thế nào. Anh dạy họ phân biệt các loại nấm, các loại cà dại. Rằng vỏ cây tre này thì cầm máu tốt, củ nghệ rừng này đắp lên vết thương chẳng mấy chốc sẽ lành. Anh nấu cơm lam, hái trái cóc nấu canh chua, anh nướng gà trên than củi cho họ ăn…

Hiện nay những ngày vắng du khách, “người rừng” Y Danh Niê sống cuộc đời “công chức” bình yên ở Vườn quốc gia Yok Đôn bằng công việc sáng chiều tưới cây, cắt cỏ, chăm lo cho đàn thú. Nhớ rừng quá thì cứ vài hôm anh lại cắp võng vào rừng ngủ một đêm, “để hưởng cho đã đời cái cảm giác thân thuộc, mát mẻ” như anh nói. Một vợ, ba con với chỉ năm sào ruộng hai vụ mà gánh cơm áo với anh cứ nhẹ tênh bởi vợ con cũng quen nếp sống giản dị như anh: “Hái rau rừng làm canh thì chỉ cần 10.000 đồng cả nhà tôi cũng sống được một ngày”. Có nhiều tiền à? “Tôi sẽ đem cho hết những người nghèo hơn mình”. Anh cấm tiệt các con có ý định xuống đồng bằng lập nghiệp bởi như anh quả quyết: “Xa rừng thì dễ hư người, rồi lại nhiễm nhiều thói xấu của... người thành thị mà thôi” (!?).

Bị lâm tặc dọa giết

Y Danh Niê vì quá yêu rừng Yok Đôn mà trở thành “kẻ thù” của các nhóm lâm tặc. Vài lần anh vào rừng bắt gặp họ đang đốn trộm cây rừng hoặc bẫy thú rừng, anh lập tức gọi kiểm lâm và công an kinh tế vào bắt họ. Anh công khai mắng họ: “Tôi là người địa phương, coi rừng như cha mẹ. Mấy người phá rừng kiểu này rồi thiên tai ập xuống đầu thì ai chịu?”. Có người lật đật đưa tiền cho anh liền bị anh gạt phăng. Đã có ba người muốn đánh và dọa giết anh để trả thù nhưng họ còn ngán ngại anh là người địa phương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Thu (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN