Kỹ sư “quê lúa” vẽ xong thiết kế tàu ngầm Trường Sa 2

“Kích cỡ của tàu ngầm Trường Sa 2 to hay nhỏ còn phụ thuộc vào túi tiền của gia đình. Tuy nhiên, tôi chắc chắn chiều ngang và chiều dọc của tàu ngầm Trường Sa 2 sẽ to hơn Trường Sa 1. Số người ngồi trong tàu ngầm Trường Sa 2 cũng nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Quốc Hòa, người chế tạo tàu ngầm mini Trường Sa 1 cho biết, sau khi có được kết quả thành công bước đầu từ chạy thử nghiệm Trường Sa 1, ông đã cùng với các kỹ sư bắt tay  vào nghiên cứu, thiết kế tàu ngầm Trường Sa 2. Hiện tại, bản vẽ thiết kế tàu ngầm Trường Sa 2 đã  xong.

“Về kích cỡ của tàu ngầm Trường Sa 2 đến thời điểm này tôi chưa thể nói được bởi nó còn phụ thuộc vào kinh tế của gia đình có nhiều hay ít. Tuy nhiên, tôi chắc chắn là chiều ngang và chiều dọc của tàu ngầm Trường Sa 2 sẽ to hơn Trường Sa 1. Số người ngồi trong tàu ngầm Trường Sa 2 cũng nhiều hơn”, ông Hòa chia sẻ.

Ông Hòa cho biết thêm, toàn bộ hệ thống điện, cánh quạt, điều hòa, hệ thống AIP (hệ thống tuần hoàn khí độc lập)… sẽ được ông đóng mới và sử dụng cho tàu ngầm Trường Sa 2. Tàu ngầm Trường Sa 1 sẽ là cơ sở để cho ông cùng các kỹ sư hoàn thiện khi đóng tàu ngầm Trường Sa 2.

Kỹ sư “quê lúa” vẽ xong thiết kế tàu ngầm Trường Sa 2 - 1

Tàu ngầm Trường Sa 1 của kỹ sư "quê lúa" Nguyễn Quốc Hòa

Theo ông Hòa, nếu như trong quá trình làm tàu ngầm Trường Sa 2, người dân muốn góp công, sức cùng ông luôn sẵn sàng đón nhận.

Ông Hòa nói: “Người dân mà chung tay đóng góp công sức, của tạo ra những con tàu ngầm tham gia bảo vệ đất nước thì đó là việc tốt. Tuy nhiên, cái tôi quan tâm hơn là Việt Nam mình có thể làm được tàu ngầm”.

Trước đó, ngày 30/5, tàu ngầm mini Trường Sa đã chạy thử nghiệm ở khu vực của nhà máy đóng tàu Đại Dương, cảng Diêm Điền, thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Người trực tiếp lái tàu ngầm là ông Hòa. Hỗ trợ cùng với ông là cán bộ công nhân viên công ty cơ khí Quốc Hòa. Đặc biệt trong buổi chạy thử nghiệm lần này, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải cũng có mặt.

Khoảng gần 15h, tàu ngầm mini Trường Sa bắt đầu di chuyển, ban đầu tàu di chuyển chậm, tiến lùi tại một khu vực nhất định. Vào thời điểm chạy thử nghiệm, sóng và gió khá mạnh gây rất nhiều khó khăn cho việc chạy thử nghiệm. Tàu ngầm vẫn chưa thể lặn xuống đáy sông được. Sau cuộc thử nghiệm, tàu ngầm mini Trường Sa được hai tàu cá lai dắt vào cảng Diêm Điền.

Kỹ sư “quê lúa” vẽ xong thiết kế tàu ngầm Trường Sa 2 - 2

Tàu ngầm Trường Sa 1 thử nghiệm ở biển Diêm Điền, Thái Bình ngày 30/5

Hiện tại, ông đang Hòa đang lên kế hoạch trong thời gian tới tiếp tục thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa 1 ở ngoài biển.

Vào đầu năm 2013, ông Nguyễn Quốc Hòa 56 tuổi, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã tự chế tàu ngầm mang tên Trường Sa. Theo thiết kế, tàu có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động 800km. Tàu lặn sâu 50m, có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu có 2 động cơ 90Hp.

Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion - công nghệ không khí tuần hoàn độc lập). Công nghệ AIP tức là động cơ nổ (tàu có 2 máy nổ diesel chạy cùng lúc) phải có không khí, nếu không có không khí thì động cơ sẽ chết. Hệ thống AIP trong tàu ngầm Trường Sa do ông Hòa tham khảo tài liệu từ internet để chế tạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tàu ngầm Trường Sa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN