Kỷ nguyên mới của Việt Nam trong quan hệ hợp tác quốc tế

Sự kiện: Thời sự

Australia vừa trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam sau quốc gia hàng đầu thế giới khác gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, giúp nước ta được mục tiêu trở thành nền kinh tế hiện đại với thu nhập tương đối cao vào năm 2040, đồng thời mở ra kỳ vọng về kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác, phát triển bền vững vì những lợi ích to lớn hơn giữa nước ta với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Những đối tác quan trọng nhất của nhau

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 11-3 đã kết thúc thành công tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand tới ngày 11-3-2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon. Trong đó, tại chuyến thăm chính thức Australia của người đứng đầu Chính phủ nước ta, Việt Nam và Australia đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Bình luận về sự kiện là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Australia, giáo sư người Australia Carlyle Thayer cho rằng, việc Australia nâng cấp quan hệ với Việt Nam là bước phát triển hợp logic của mối quan hệ đã trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển và đạt đến độ tin cậy cao về chính trị, bao gồm cả việc tôn trọng hệ thống chính trị của nhau, đồng thời hai nước có sự hội tụ gần gũi hơn về quan điểm đối với các vấn đề an ninh khu vực. Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 7-2023 đã khẳng định mong muốn Việt Nam trở thành một trong những đối tác hàng đầu của Australia trong khu vực. Vì thế, việc nâng cấp quan hệ Australia - Việt Nam lên Đối tác Chiến lược toàn diện cho thấy cả hai phía đều chia sẻ mong muốn này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thông báo nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thông báo nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia gồm 6 lĩnh vực hợp tác lớn: Làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và tư pháp; thúc đẩy gắn kết kinh tế; xây dựng tri thức và kết nối nhân dân; tăng cường hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng; hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; củng cố hợp tác khu vực và quốc tế. Trong đó, các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước gồm: Thương mại và đầu tư, công nghệ, môi trường, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tiểu vùng Mekong và an ninh hàng hải. Tất cả những lĩnh vực này sẽ có thêm nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực.

Về lĩnh vực an ninh - quốc phòng trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, Việt Nam và Australia sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin và tình báo, tăng cường hợp tác hàng hải, mở rộng hợp tác an ninh mạng và công nghệ thiết yếu, gồm các sáng kiến tăng cường năng lực để xử lý các thách thức an ninh mạng. Trong đó, lĩnh vực an ninh và tư pháp, cơ chế đối thoại sẽ được nâng lên cấp bộ trưởng.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí chung với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Anthony Albanese nhấn mạnh, việc nâng cấp mối quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện sẽ đưa Australia và Việt Nam trở thành một trong những “đối tác quan trọng nhất của nhau”. Với khuôn khổ quan hệ được nâng cấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát, bổ sung thành “6 điểm hơn” như sau: Tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn: thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn; hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở, chân thành hơn; hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về an ninh - quốc phòng, hướng tới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hướng tới những lợi ích hợp tác lớn hơn

Australia trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam sau các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Những khuôn khổ quan hệ ở tầm mức cao Đối tác chiến lược toàn diện góp phần thúc đẩy sâu rộng hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với các cường quốc hàng đầu thế giới và khu vực, vì lợi ích của hai bên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Theo Giáo sư Carlyle Thayer, những khuôn khổ này góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế hiện đại với thu nhập tương đối cao vào năm 2040.

Cùng với công cuộc Đổi mới từ cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, Việt Nam đã đề ra chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tranh thủ hợp tác với các đối tác trên tinh thần Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Với chủ trương xuyên suốt này, Việt Nam đã tạo dựng chiều sâu trong quan hệ với các nước, dần mở cửa đón nhận các nguồn đầu tư nước ngoài, thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia trên thế giới, từng bước hội nhập quốc tế trên cơ sở lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm.

Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)... Ngoài ra, không chỉ là thành viên, Việt Nam còn đảm nhận trọng trách quan trọng trong nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008- 2009, 2020-2021), Chủ tịch ASEAN (năm 2010, 2020)... Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn như Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ, Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh APEC…

Quan hệ đối ngoại của Việt Nam trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác là những cường quốc toàn cầu. Đặc biệt, trong năm 2023 vừa qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới mà cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước.

Nâng cấp, nâng tầm quan hệ hợp tác, đối tác là nội dung quan trọng hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua với các quốc gia. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các nhà lãnh đạo chủ chốt của nước ta đã tiến hành hơn 180 hoạt động đối ngoại song phương và đa phương quan trọng, trong đó có gần 50 chuyến thăm và chủ trì đón gần 50 đoàn cấp cao nước ngoài vào thăm Việt Nam và khoảng 90 hoạt động đối ngoại trực tiếp, trực tuyến khác, tham dự gần 30 hội nghị quốc tế trực tuyến. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta - đã trực tiếp thực hiện gần 100 hoạt động đối ngoại, trong đó có những hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng quan trọng và định hướng lâu dài trong quan hệ Việt Nam với các nước.

Đến nay, Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng Cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính... Về ngoại giao nhà nước, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ.

Quan hệ đối ngoại của Việt Nam trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác chiến lược quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, góp phần củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động tốt các nguồn lực mới từ bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Giới chuyên gia vì thế kỳ vọng về kỷ nguyên mới của Việt Nam trong quan hệ hợp tác, phát triển bền vững vì những lợi ích lớn hơn với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bắn 19 phát đại bác, múa vũ khí của người Maori là các nghi thức đặc biệt của New Zealand tại lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam, sáng 11/3.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN