"Kỹ nghệ" móc túi khép kín trên xe buýt

Gần 20 đối tượng chuyên sống bằng nghề móc túi trên xe buýt quanh khu vực Suối Tiên và Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, mỗi khi “ăn hàng” xong, chỉ cần gọi điện thoại là có người đến tiêu thụ hàng trộm cắp.

Khoảng 5 giờ ngày 24/9, chúng tôi có mặt tại trạm dừng xe buýt trước cổng Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (quận 9 - TPHCM). Lúc này vẫn còn vắng người, 3 chiếc xe buýt đang đậu chờ khách.

Không khó nhận diện “hai ngón”

Ở phía dưới chân cầu bộ hành gần đó, một người đàn ông trạc 45 tuổi, đội mũ lưỡi trai, mặc áo trắng mang theo một túi xách màu đen đang ngồi đọc báo. Thỉnh thoảng, ông ta ngước lên nhìn chăm chăm vào những chiếc xe buýt đang chuẩn bị ghé trạm. Lúc sau, một người đàn ông khác dáng to mập, đeo kính, mang túi màu xám tiến lại gần. Họ trao đổi gì đó một lúc rồi cùng leo lên xe buýt số 604. Đây là 2 gã đàn ông chúng tôi gặp mặt thường xuyên trong những ngày theo dõi hoạt động của những kẻ hành nghề “hai ngón”.

Trước đó, ngày 18/9, chúng tôi đã theo chân 2 gã đàn ông này đón xe buýt tuyến số 12 tại cầu vượt Suối Tiên. Vừa lên xe, gã đeo kính thò tay vào túi một hành khách nhưng bị phát hiện. Gã còn lại thấy hành khách ngồi bên cạnh đang ngủ nên vờ gấp tờ báo lại chuẩn bị “hành nghề”. Tuy nhiên, ngay lúc đó, vị khách này tỉnh giấc và xin xuống xe. Phút chốc hụt mất “con mồi”, 2 gã đàn ông nhìn nhau nhíu mày, chép miệng tiếc nuối. Xe đi đến gần khu vực ngã ba Vũng Tàu, cả hai xin xuống rồi sà vào một quán nước gần đó ngồi chờ tuyến xe buýt tiếp theo.

"Kỹ nghệ" móc túi khép kín trên xe buýt - 1

Hai đối tượng móc túi đang theo dõi “con mồi” trên xe buýt. Ảnh: THÀNH ĐỒNG

Tại trạm dừng xe buýt trước cổng Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, có 2 cặp nam nữ khác cũng thường xuyên có mặt ở đây để “hành nghề”. Theo dõi, chúng tôi được biết đây là “lãnh địa” của 2 cặp nam nữ này, ngày nào họ cũng thường xuyên “ăn hàng” trên các xe số 17 và 12.

Nhiều ngày theo dõi, chúng tôi nhận thấy hầu hết các đối tượng móc túi chủ yếu “hành nghề” trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 18 giờ, trên các tuyến xe buýt số 07, 33 và các tuyến xe đi lộ trình Suối Tiên - Biên Hòa - Long Thành. Riêng các ngày lễ, chủ nhật, các đối tượng này hoạt động từ sáng đến tối. Mỗi nhóm ít nhất 2 người, có khi lên đến 6 - 7 tên, cả nam lẫn nữ. Đặc điểm chung của các đối tượng nam là mang áo khoác trên tay để ngụy trang; phụ nữ thường đội mũ rộng vành, mang khẩu trang. Sau khi lên xe, họ thường giành chỗ gần cửa xuống, nhìn dáo dác hết người này đến người khác, thấy ai có tài sản và sơ hở thì lân la tới gần hoặc vờ nhường ghế để có điều kiện áp sát “con mồi”. Nếu không “ăn” được “hàng”, họ chỉ đi qua khoảng 4 - 5 trạm, sau đó xuống đón xe khác.

Tiêu thụ hàng gian

Tại khu vực gần ngã ba Vũng Tàu, chúng tôi nhận thấy thông thường sau khi “ăn hàng”, những kẻ móc túi lấy sạch tiền rồi vứt ví và các giấy tờ lại. Khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ hằng ngày, sau khi “ăn hàng”, cả nhóm tụ tập ở những quán cóc ven Quốc lộ 1A, đoạn gần siêu thị BigC Đồng Nai để bán lại “hàng” cho một thanh niên chừng 35 tuổi, dáng người thấp đậm, đi xe máy hiệu Dream chở theo một phụ nữ.

Ngày 28/9, xe buýt số 604 đi qua khu vực ngã ba Vũng Tàu, 2 gã thanh niên nhảy xuống, ghé vào một quán nước ngồi chờ. Chừng 15 phút sau, người thanh niên đi chiếc Dream chở theo một phụ nữ đến. Trong tích tắc, 2 gã thanh niên lấy trong túi ra 4 chiếc điện thoại đưa cho người phụ nữ rồi nhận tiền. Ngay sau đó, gã đi Dream chạy xe về hướng vòng xoay gần đó, ghé vào một tiệm sửa chữa ĐTDĐ.

Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cảnh mua bán giữa gã đi xe Dream với nhiều đối tượng móc túi khác ngay tại một quán nước trên Quốc lộ 1A. Ngày 29/9, xe buýt số 12 đến trước cổng siêu thị Big C Đồng Nai, gã đàn ông to mập mặc áo trắng liền bước xuống, móc điện thoại ra gọi. Một lát sau, gã thanh niên đi xe Dream và người phụ nữ xuất hiện. Sau khi bán “hàng” xong, gã đàn ông áo trắng lấy trong túi ra một điếu cày vừa hút thuốc vừa đếm tiền chia cho một “chiến hữu” khác rồi dáo dác nhìn mỗi khi xe buýt ghé trạm. Không lâu sau đó, 2 gã này nhảy lên xe buýt số 601, tiếp tục “hành nghề”.

Trao chứng cứ cho công an

"Kỹ nghệ" móc túi khép kín trên xe buýt - 2

Những chiếc ví và giấy tờ đối tượng móc túi trộm của hành khách, sau khi lấy hết tiền bên trong chúng vứt lại bên đường. Ảnh: NGUYỄN MẠNH

Ngoài ra, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi nhặt được 3 chiếc ví do các đối tượng móc túi sau khi lấy hết tiền bỏ lại. Trong đó, 1 ví màu đen bên trong có 1 thẻ BHYT mang tên Lê Lợi (SN 1995, tổ 1, phường 6, Tuy Hòa - Phú Yên), 1 giấy đăng ký xe máy, 1 CMND mang tên Lê Thị Út Huyền (SN 1983, ngụ Tuy Hòa - Phú Yên). Chiếc ví màu đen khác có 1 giấy phép lái xe mang tên Nguyễn Văn Hải (SN 1991, huyện Tân Phú - Đồng Nai) và 1 giấy đăng ký xe máy do Nguyễn Văn Tùng làm chủ. Ví nữ màu hồng có CMND, giấy phép lái xe, thẻ rút tiền ACB… mang tên Nguyễn Thị Thanh Hương (SN 1989, ngụ Châu Thành - Long An).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Đồng - Nguyễn Mạnh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN