"Kỹ nghệ" ăn xin: Tăng cường thu gom

Sự kiện: Kỹ nghệ ăn xin

Thay vì cho tiền người ăn xin, chúng ta nên chọn hình thức hỗ trợ tại Hội Chữ thập đỏ, trung tâm bảo trợ...

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết sau loạt bài phản ánh nạn ăn xin của Báo Người Lao Động, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và thu gom các đối tượng để bảo đảm an ninh trật tự.

Nỗi nhức nhối của TP HCM

“Tôi đánh giá cao những bài viết của Báo Người Lao Động vì nội dung phản ánh đúng thực trạng hiện nay. Vấn nạn ăn xin từng trở thành nỗi nhức nhối ở TP HCM. Các cơ quan chức năng, ban, ngành đang cố gắng làm sao dẹp hẳn để góp phần xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình” - ông Giang nói.

"Kỹ nghệ" ăn xin: Tăng cường thu gom - 1

"Kỹ nghệ" ăn xin: Tăng cường thu gom - 2

Một thành phố văn minh, hiện đại thì không nên có những cảnh như thế này Ảnh: THÀNH ĐỒNG - LÊ PHONG

Theo ông Giang, cuối năm 2014, UBND TP đã mở đợt ra quân thu gom người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Ngoài ra, TP cũng đưa ra mục tiêu không còn người lang thang, ăn xin. “Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi đã cùng 24 quận, huyện đưa ra các giải pháp trọng tâm như kiểm tra, xử lý thường xuyên các điểm “nóng” hay xuất hiện đối tượng ăn xin; đến từng khu phố, hộ dân tuyên truyền giải thích để mọi người hiểu rõ thay vì cho tiền người ăn xin thì chọn hình thức đóng góp hỗ trợ các kênh khác” - ông Giang chia sẻ.

Ông Giang nhận định so với trước, kể từ năm 2015 đến nay, nạn ăn xin có chiều hướng giảm nhưng chưa phải là dứt điểm ở TP HCM. Tính từ ngày 1-1 đến 30-9-2016, cơ quan chức năng đã thu gom được 1.669 người. Qua khảo sát cho thấy phần lớn những người lang thang, ăn xin đều có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp thiên tai, sự cố nào đó nên đến TP HCM để giải quyết vấn đề trước mắt.

“Chúng tôi đã đưa họ về Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP) để tiếp nhận ban đầu. Sau đó, sẽ lấy thông tin của những người lang thang, ăn xin để gửi về địa phương xác minh. Trường hợp có người thân, nơi cư trú sẽ đưa về địa phương và bắt buộc cam kết không ăn xin nữa.

Trường hợp không còn nơi nương tựa, chúng tôi sẽ chuyển sang cho những trung tâm bảo trợ khác phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và từng đối tượng. Tại đây, họ được học nghề theo nguyện vọng, sau đó được tạo việc làm phổ thông như chăm sóc cây cảnh, thợ xây, may...” - ông Giang thông tin.

Hãy gọi vào đường dây nóng

Theo ông Giang, TP HCM là nơi tập trung người dân nhập cư nên việc thu gom gặp rất nhiều khó khăn. Khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng tới hiện trường thì đối tượng lang thang, ăn xin đã trốn hoặc gặp lực lượng chức năng thì bỏ chạy.

Để giải quyết tận gốc, phải nâng cao điều kiện kinh tế - xã hội. Nếu bảo đảm được an sinh xã hội, giúp người ăn xin nhận ra giá trị thật sự của đồng tiền lao động thì họ sẽ không tái ăn xin. Tuy nhiên, một phần quan trọng là sự ủng hộ của người dân khi không cho tiền người ăn xin nữa. Hiện tại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng 3 đường dây nóng. Khi gặp trường hợp ăn xin, người dân gọi đến số điện thoại 08.3829 2491 hoặc số 0903 959 929, 08.3555 3258 để cung cấp thông tin.

“Mục tiêu của UBND TP là tập trung thu gom đối tượng xin ăn, không nơi cư trú nhưng có một số đối tượng lợi dụng việc ăn xin để trục lợi. Để xử lý, chúng tôi phải theo dõi, khi có đủ bằng chứng sẽ kết hợp với công an để xử lý hành chính hoặc hình sự. Người dân ở TP HCM lúc nào cũng nghĩa tình và đầy lòng trắc ẩn đối với những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, tôi kêu gọi mọi người cùng chung tay góp phần giải quyết chuyện chung của TP là chấm dứt nạn ăn xin bằng cách không cho tiền. Nếu ủng hộ thì nên đến các hội, nhóm như Hội Chữ thập đỏ, trung tâm bảo trợ… Một khi không ai cho tiền, những người ăn xin sẽ không còn hoạt động nữa” - ông Giang nhấn mạnh.

Khất thực không phải để kiếm tiền

Ngày 2-11, Hòa thượng Thích Trí Quảng - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo TP HCM - cho biết thời còn tại thế, Đức Phật đi khất thực không phải để kiếm tiền, thức ăn mà tạo phước duyên do những phật tử quá nghèo hoặc quá xa không có khả năng đến chùa cúng. Về Phật giáo Việt Nam, trong ba hệ Nam Tông, Bắc Tông và Khất Sĩ thì chỉ có Nam Tông và Khất Sĩ mới đi khất thực nhưng sau giải phóng đến nay, hai hệ trên không còn đi khất thực nữa. Trong khi đó, hiện có nhiều người mặc áo nhà sư, ôm bình bát đi khất thực. Ngoài ra, một số đối tượng còn mặc áo nhà sư đi bán nhang, đèn… để tranh thủ lòng hảo tâm của mọi người. “Phật giáo không cấm nhưng có lời khuyên đến phật tử là muốn cúng thì phải xem những người đó có phải tu hành đứng đắn không” - Hòa thượng Thích Trí Quảng nói.

"Kỹ nghệ" ăn xin: Tăng cường thu gom - 3

Hiện có nhiều người giả nhà sư đi khất thực Ảnh: QUỐC CHIẾN

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Đồng - Lê Phong - Quốc Chiến (Người lao động)
Kỹ nghệ ăn xin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN