"Kỹ nghệ" ăn xin: Hành trình “lật mặt” ăn xin đểu
Giả sư, người tàn tật, lỡ đường và trẻ em bệnh tật vì nghèo khó... là những cảnh mà các "cái bang" thường sử dụng "qua mặt" người đi đường để...kiếm sống, không cần lao động.
Để bạn đọc nhận diện những thủ thuật của những kẻ lười biếng, giả dạng dưới nhiều hình thức, nhằm lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi phóng viên Báo Người Lao Động đã vào cuộc theo dõi. Dưới đây là những hình ảnh mà phóng viên ghi nhận được tại nhiều nơi:
Với nhiều người đi đường cho ai đó một ít tiền hay mua giùm một vài tờ vé số, thậm chí thừa cả gần trăm ngàn cũng không màng lấy lại là để giúp đỡ vì thấy họ quá tội nghiệp....nhưng đó lại là điểm yếu để các "cái bang" lợi dụng. Trong ảnh, 2 thanh niên trong vai "giả khổ" để đánh lừa người đi đường tại Xa lộ Hà Nội.
Một thanh niên trong bộ dạng rách rưới, bàn tay trái được hóa trang thành bệnh tật, đầu luôn đội nón tai bèo để che kỹ khuôn mặt, tránh bị người quen nhìn thấy...luôn "hành nghề" ăn xin trên giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lê Lợi và khu phố Tây (quận 1)...
Thế nhưng ít ai biết được rằng sau khi hành nghề nam thanh niên này khỏe mạnh bình thường và thản nhiên lấy ma túy ra sử dụng tại góc công viên 23-9.
Bằng thủ đoạn bị tật 2 chân, Thắng lê lết ở các tuyến đường khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) để đánh vào lòng thương hại của người khác. Trong quá trình theo dõi, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận rất nhiều người đã cho Thắng tiền hoặc mua vé số ủng hộ....
Thế nhưng khi về nhà, Thắng trở thành một thanh niên khỏe mạnh.
Sau khi "khất thực" trên đường Trần Não (quận 2), "sư cô" này vào một quán nước kiểm đếm lại "thu nhập" trong ngày, rồi lên xe buýt về nhà trên quận 8, TP HCM.
Để cảnh báo người đi đường, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm đến những "sư phụ" của các cái bang một thời để tìm hiểu, học nghề nhằm lật tẩy những thủ đoạn của những kẻ dối trá.
Như một lời cảnh tỉnh, nhất là với các em học sinh cuộc sống phải luôn hướng về cái tốt và phải đặt đúng chỗ để xã hội tốt đẹp ơn. Trong ảnh phóng viên Báo Người Lao Động được các em học sinh chia sẻ, cảm thông.
Để cảnh báo, PV Báo Người Lao Động đã trong vai một sư đi "khất thực" và được nhiều người cho tiền, nhưng sau đó được trả lại tiền.
Ngoài đóng giả người tàn tật, sư giả, PV Báo Người Lao Động cũng đã vào vai người lỡ đường để cảnh báo người có thiện tâm.
Số tiền PV Báo Người Lao Động được người khác ủng hộ trong quá trình hóa trang, vào vai đi tác nghiệp để cảnh tỉnh người khác...sau đó đã được trả lại cho chính chủ.
Lá lành đùm lá rách..,luôn sẵn lòng giúp đỡ người gặp nạn, cơ nhỡ là truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt bao đời nay...thế nhưng lòng tốt của chúng ta cần đặt đúng chỗ, nếu không sẽ phản tác dụng, tiếp tay cho cái xấu.