Kỹ năng "tồn tại" của phu vàng

Kiếm được vàng đã khó, giữ được vàng và mạng sống còn khó hơn gấp bội. Muốn tồn tại trong giới khai thác vàng, một phu vàng nhất thiết phải thành thục các kỹ năng thích nghi sau khi chắc chắn mình được trời ban "lộc".

Được bạc thì sang, được vàng thì khó…

Dù rút chân ra khỏi giới đào vàng đã mấy chục năm, nhưng bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, ông Phủ vẫn luôn được lớp hậu sinh trong nghề sùng kính.

Ngày hôm ấy, ông Phủ "hội ngộ" cùng 20 anh em phu vàng trong mỏ, họ luôn coi ông là người anh cả, là bậc thầy của họ. Trong số đó, ngoài ông M, còn có 3 người nữa trước đây ít nhiều đã có lần về làm dưới trướng của "vua vàng tặc" Vàng A Phủ.

Đọc được vẻ ngạc nhiên trong tôi, ông Phủ ôn tồn giảng giải: "Một cây (lượng) vàng thời xưa (năm 80 đến 90 thế kỷ trước - PV) giá trị chỉ bằng nửa chỉ bây giờ. Thế nhưng, sức hút của vàng luôn rất lớn nên cả người miền xuôi với miền ngược đổ lên vùng Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên khai thác nhiều như kiến cỏ. Thời đấy, vàng thậm chí còn lộ thiên dạng sa khoáng, cám, lấy tay khoắng khoắng mấy cái là ra cả ống xách về nhà là đổi đời. Song không phải ai cũng có duyên với vàng, thế nên thành bại vô cùng… khó đoán".

Kỹ năng "tồn tại" của phu vàng - 1

Muốn tồn tại trong giới khai thác vàng, một phu vàng nhất thiết phải thành thục các kỹ năng thích nghi (Ảnh minh họa)

Đáp lại lời ông, đám "đệ tử" thuở nào sung sướng cười ngất. Họ nay đều ngoài 50 tuổi, tóc đã pha sương, nhưng vẫn đam mê với công việc đào xới và tin vào "lộc" trời ban. Nhiều đàn em của ông Phủ, cho đến bây giờ vẫn chưa hiểu tại sao đàn anh của mình lại rửa tay gác kiếm vào đúng lúc sự nghiệp đang lên cao nhất. Họ chỉ nghe truyền tai nhau rằng, sau khi đã rủng rỉnh hầu bao, ông Phủ lúc ấy đã ngoài 40 tuổi nhưng chưa có gia đình, đã mua liền một lúc 4 - 5 căn nhà mặt phố tại Hà Nội. Rồi vi vu khắp nơi du ngoạn. Tại thời điểm đó, ông Phủ đã đi lại bằng máy bay, một thứ phương tiện mà cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn là quá xa xỉ với dân chúng.

Đáp lại nghi vấn này, ông Phủ chỉ cười không đưa ra bình luận, ông vỗ vai họ rồi nói: "Nhặt được bạc thì sang, nhặt được vàng thì khó. Nhiều bưởng vàng đã bị câu nói này vận vào để rồi cuối đời chết trong khánh kiệt và buồn tủi. Nhưng tôi vẫn rất ổn, hiện nay tôi sống an nhàn với vợ và 2 con trong một căn nhà rộng rãi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tôi cũng vẫn khỏe, một mình lái ô tô lên tận đây".

Theo những gì tôi được nghe sau đó, hầu hết những bưởng vàng lớn trước đây nay đều đã tán gia bại sản. N "chột", K "râu", T "lùn"… một thời "kèn cựa" với Vàng A Phủ đều đã mất tích hoàn toàn trong giới. Một số thậm chí lâm vào vòng lao lý hoặc phải xin ăn từng bữa. Trong số đó không ít người bỏ xác nơi rừng hoang núi thẳm.

Kỹ năng "tồn tại" của phu vàng - 2

Một ngách “xương cá” trong hầm vàng

Kỹ năng săn "mạch vàng"

Là người "ngoại đạo" nên trong cuộc hội ngộ của ông Phủ cùng các bằng hữu một thời, tôi chỉ ngồi im lặng lắng nghe và quan sát. Theo ghi nhận, các phu vàng, kể cả bưởng vàng M đều là những người dân quê chân chất, gương mặt rất đỗi hiền lành. Họ đều là người dân tộc thiểu số, quanh năm sống trong rừng rú, coi việc đào vàng là nguồn thu nhập chính về nuôi gia đình, chưa bao giờ ý thức được việc khai thác trái phép thế này là phạm luật.

Các mỏ vàng đều được trang bị rất đơn giản gồm: một máy phát điện, một máy nghiền đá, cộng với máy bơm, hệ thống máng đãi vàng... Ở một số mỏ vàng sâu dưới đất, rất thiếu ô xi, bưởng vàng thường đầu tư thêm máy tạo khí nhằm cung cấp thêm không khí cho các phu vàng hít thở dưới lòng đất. Để có điện, các bãi vàng sử dụng máy phát điện chạy quạt nước, lắp đặt ngay tại các con suối gần bãi khai thác.

Săn được vàng đã khó, giữ được mạng càng khó hơn. Có 2 điều bất kỳ phu vàng nào cũng luôn khắc cốt ghi tâm, đó là phải có kiến thức kinh nghiệm về kỹ năng "săn mạch vàng" và "tồn tại giữa tự nhiên". Trong đó "săn mạch vàng" giúp phu vàng… tìm được lộc, còn kỹ năng tồn tại, giúp phu vàng bảo tồn được mạng sống để hưởng thụ số vàng đào được.

Về kỹ năng "săn mạch vàng", thường những người có kinh nghiệm sau khi quan sát mạch nước ngầm, màu đất rừng sẽ dự đoán được khu vực này có trữ lượng vàng bao nhiêu. Họ bắt đầu triển khai máy móc, ngụy trang thật khéo để qua mắt chính quyền sở tại. Đầu tiên là việc "thả giếng", mỗi giếng có độ sâu chừng 6-70m. Khi thả giếng, điều quan trọng nhất là phải biết hô hấp không sẽ chết ngạt. Mỗi khi xuống độ sâu thêm một nấc, người ở trên buộc cây tre thả xuống, chốc chốc lại khua cây tre khắp lòng giếng đánh tan khí độc ngưng tụ, tạo không khí cho phu vàng hít thở. Đây chính là dạng tìm vàng theo "nẹp đứng", có tí nào là vét tí đấy.

Khi "thả giếng" thành công, khai thác cạn kiệt "nẹp đứng", việc tiếp theo phải đánh hầm "xương cá". Có nghĩa là từ trục giếng, các phu vàng sẽ đánh ngang sang, tạo lên các ngách như bộ xương cá. Đây cũng chính là một trong những bước nguy hiểm nhất trong toàn bộ quá trình khai thác hầm vàng. Kiểu này dân bãi vàng còn gọi là kiểu "chạy địa đạo", tạo một mạng lưới ngoằn ngoèo, để "moi khoét" bất kỳ mạch vàng nào trong lòng đất đưa lên trên tập kết. Sau khi tạo thành hệ thống ngầm này dưới lòng đất thì bắt đầu đuổi "mạch vàng". Cứ theo "dây" mà lần tới nên còn gọi đó là "phương pháp cuốn chiếu". Nếu gặp may đào trúng "ục" bắt được đúng "mạch vàng", chủ bưởng sẽ tha hồ đào xới, cứ xúc lên đãi ra là có vàng, đổi đời trong chốc lát.

Thực tế, không phải vàng nơi nào cũng giống nhau. Có những nơi sau khi sàng sảy, vàng thành phẩm có thể đạt 98-99% bán với giá khá cao. Phần nhiều hơn, vàng chỉ đạt mức 93%, được các thương lái thu gom với mức 3,5 triệu đồng/ chỉ. Khi được hỏi, cách chia chác cho công nhân, một chủ bưởng cho biết: "Khoán mỗi phu vàng một tháng "đóng góp" 1 đến 2 chỉ tùy "ngách", đủ lượng khoán, phu vàng đào được bao nhiêu ăn bấy nhiêu".

Kỹ năng "tồn tại"


Việc ăn rừng ở rú cũng rèn luyện cho phu vàng những kỹ năng tồn tại giữa thiên nhiên hoang dã, biết phân biệt các loại cây củ nào ăn được, loại nào có độc. Và cả chuyện phòng tránh côn trùng, thú dữ, hay kỹ năng lẩn trốn và bảo vệ "thành quả" của mình, trước sự tham lam của nhiều phu vàng khác.

Lần gặp gỡ này tôi đã liên tiếp được nghe nhiều câu chuyện bên lề của "vua vàng tặc" Vàng A Phủ, những câu chuyện đã góp phần không nhỏ giúp ông đứng vững trên ngôi vương của vùng rừng núi Đông Bắc Bộ suốt mấy chục năm qua. Một trong số những câu chuyện ấy là việc ông tự trị rắn độc cắn bằng… rượu.

Vén ống quần cao gần ngang gối, ông Phủ cho chúng tôi xem một vết thương lớn, to gần bằng bàn tay ở sau bắp chân phải của ông. Toàn diện tích vết thương ấy sần sùi, da chuyển sang màu tím nhờn nhợt, nhìn rất đáng sợ.

Theo đó, trong một lần đi đào vàng, ông Phủ bị con rắn lục đầu vát tam giác cắn vào bắp chân. Vì biết đó là loài rắn cực độc, ông Phủ đã rất tức giận đập chết con rắn rồi quẳng xác xuống thung lũng gần đó rồi vội về lán nghỉ ngơi. Thời ấy đường sá hiểm trở, ở giữa nơi rừng thiêng nước độc, ông Phủ đã xác định chờ chết vì trước đó, chưa ai sống nổi quá 24h kể từ khi bị rắn lục cắn. Càng nằm, chân ông Phủ càng sưng phồng lên mọng nước.

Đứng trước sự sống và cái chết, ông Phủ quyết liều mạng "đánh bạc với số phận" bằng cách cạo thuốc từ đầu que diêm đắp lên vết thương rồi châm lửa đốt. Vết bỏng cháy xèo xèo, ông Phủ cắn răng lấy dao rọc một nhát thật sâu rồi sai đàn em mang 5 lít rượu trắng đến, một mặt vừa nặn máu vừa rửa vết thương, mặt khác uống từng hớp rượu to một để… giảm đau.

Sau khi hết đúng 5 lít rượu, ông Phủ gục xuống mềm oặt. Li bì suốt 3 ngày sau mới tỉnh, lúc đấy chân ông đã xẹp xuống nhưng mất hết cảm giác. Tuy nhiên, tiếc "ục" vàng vừa được phát hiện, ông Phủ vẫn lết đi làm. Khoảng 1 tháng sau, chân khỏi thì ông cũng được một mớ vàng tướng. Tiếng lành đồn xa, các chủ bưởng khác sau khi nghe tin ông Phủ bị rắn độc cắn mà chỉ chữa bằng rượu đã lắc đầu lè lưỡi: "Trời giết nó còn chả chết, thôi không dại gì dây với nó"…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Hào - Nguyên Long (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN