Kỷ lục gia trí nhớ thế giới chăm sóc não bộ ra sao?
Kỷ lục gia trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong có những phương pháp chăm sóc não bộ mà ai cũng có thể thực hiện được.
Kỷ lục gia trí nhớ Nguyễn Phùng Phong là người đầu tiên đại diện cho Việt Nam tham gia một cuộc thi quốc tế về trí nhớ, vừa diễn ra tại Singapore hồi cuối năm 2016.
Năm 2016 được xem là một năm rất thành công của kỷ lục gia trí nhớ Nguyễn Phùng Phong, khi anh chính thức chinh phục kỷ lục thế giới nhờ khả năng nhớ chính xác vị trí và màu cờ, tên gọi của 198 quốc kỳ các nước chỉ trong vòng 30 phút. Để có được thành tích trên, anh Phong đã chăm sóc bộ não và có phương pháp luyện tập một cách nghiêm túc.
Trong cuộc gặp gỡ trước thềm Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, kỷ lục gia trí thế giới của Việt Nam đã có những chia sẻ về cách chăm sóc não bộ cũng như phương pháp luyện tập khả năng ghi nhớ “siêu hạng”.
Theo kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong, nguyên tắc đầu tiên của anh trong việc chăm sóc não nói riêng, cơ thể nói chung là uống nước, bởi nước chiếm tới 70% cơ thể và 80% của bộ não. Do đó, nếu chúng ta không cung cấp đủ nước thì bộ não sẽ không tươi tỉnh, làm việc kém hiệu quả. Và cách anh Phong đo đếm lượng nước trung bình cần uống là lấy trọng lượng cơ thể nhân với 0,04 lít.
“Tôi có thói quen sáng ngủ dậy phải uống liền 1 ly nước đầy, rồi tập thể dục và nhất định phải ăn sáng trước khi ngồi vào bàn làm việc. Trên bàn luôn có một chai nước 1,5 lít để uống từ sáng tới chiều. Đến tối về nhà tôi sẽ uống thêm một vài ly nước nữa”, anh Phong chia sẻ.
Về chế độ dinh dưỡng, anh Phong cho biết: “Bộ não cần nhất là Omega-3 để nuôi dưỡng màn bao mielin, quyết định khả năng tương tác nhanh chậm của các tế bào nơ-ron. Với động vật, tôi thường ăn cá trích, cá mòi, nói chung là các loại cá. Ngoài ra tôi cũng ăn các loại hạt, như hạt hạnh nhân, hạt mắc ca,... Trong cặp và bàn làm việc của tôi lúc nào cũng có các loại hạt trên để lâu lâu ngưng việc một tí là ăn và uống nước”.
Theo anh Phong, Đại học Harvard (Mỹ) từng có một nghiên cứu rất có giá trị dựa trên nhóm sinh viên thường xuyên ôm iPad vào giờ nghỉ trưa và nhóm sinh viên dành thời gian chợp mắt vào giấc trưa. Theo đó, nhóm sinh viên có ngủ trưa đã đạt thành tích cao gấp 5 lần nhóm không ngủ trưa trong các bài kiểm tra về trí nhớ.
Tuy nhiên, anh Phong lưu ý, mỗi người chỉ nên ngủ trưa trong khoảng 15 - 30 phút, vì ngủ quá lâu sẽ đi vào trạng thái ngủ sâu khiến cơ thể mệt mỏi khi thức dậy. Theo anh Phong, không ngủ trưa dễ khiến giảm khả năng ghi nhớ, trong khi thức khuya dễ dẫn tới hiện tượng nhớ nhầm.
“Thức khuya rất dễ dẫn tới nhớ nhầm, nên tôi luôn cố gắng ngủ sớm lúc 10h đêm và thức dậy lúc 6h sáng. Tất nhiên, có những lúc tôi phải thức khuya hơn nhưng chỉ 1 - 2 lần trong tháng, để đảm bảo sự hoạt động tốt nhất cho bộ não. Làm việc là làm cả đời nên tự mình phải biết bảo vệ bộ não của mình”, anh Phong chia sẻ.
Anh Phong đang vẽ một số hình ảnh mà anh liên tưởng tới, tương ứng với từng con số: 11, 28, 5,...
Nói về khả năng ghi nhớ “siêu phàm” mà mọi người thường dùng để gọi anh, anh Phong cho hay, tất cả những gì anh đạt được đều bằng những phương pháp chứ không phải tự nhiên mà có. Tất nhiên, bên cạnh phương pháp là một quá trình khổ luyện đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ.
“Đối với bản thân tôi, để duy trì phong độ, mỗi ngày tôi dành ít nhất 60 phút để hình tượng hóa lại tất cả những vấn đề xung quanh bằng kỹ thuật vẽ. Tôi xử lý tất cả bằng sơ đồ nhớ, hình ảnh chứ không ghi chép quá nhiều. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản của các kỷ lục gia trí nhớ, bởi não bộ nhớ hình ảnh tốt hơn rất nhiều so với chữ và số”, kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong nói.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, anh Phong từng bật mí cách anh hình dung một con số sang hình ảnh thực tế. Chẳng hạn, số 11 được anh liên tưởng tới cầu thang, số 28 là con thỏ đang cầm củ cà rốt, số 12 là hàm con cá mập, số 5 là ký hiệu đồng đô la Mỹ ($), số 6 là hình xoắn ốc,... Những thông tin này được bộ não của anh vẽ nên một bức tranh tổng thể, thậm chí anh sẽ dùng phương pháp tổ hợp hình ảnh khi nhớ những thứ “khủng” hơn.