Kỷ luật cán bộ về hưu từ thứ trưởng trở lên: Không công bằng?

Sự kiện: Thời sự

Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ tờ trình sửa đổi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Một trong những điểm mới đáng lưu ý trong lần sửa đổi này là những quy định liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) đã nghỉ hưu nhưng có vi phạm khi còn đương chức. Trong hai phương án, Bộ Nội vụ nghiêng về phương án chỉ kỷ luật cán bộ về hưu từ cấp thứ trưởng trở lên. Tuy nhiên, vấn đề này đang có những ý kiến trái chiều.

Ông Trương Hải Long (Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức - Bộ Nội vụ, Tổ phó Tổ biên tập dự án luật):

Vừa trừng phạt, vừa cảnh báo

Kỷ luật cán bộ về hưu từ thứ trưởng trở lên: Không công bằng? - 1

Ông Trương Hải Long

Đa số các ý kiến đều tán thành với việc bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với CB, CC, VC đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, nhưng có ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi áp dụng đối với đối tượng này. Theo đó, chỉ nên áp dụng quy định đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định mà không quy định chung đối với tất cả đội ngũ CB, CC, VC đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Vì thế, Bộ Nội vụ trình 2 phương án về việc này để xin ý kiến Chính phủ. Phương án thứ nhất là quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả CB, CC, VC có hành vi vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.

Với phương án thứ hai, chỉ quy định xử lý kỷ luật đối với CB, CC, VC giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở Trung ương và cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương, khi có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.

Bộ Nội vụ đã nhiều lần tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia vào dự án Luật này, qua đó tổng hợp được nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng không nên xử lý, bởi vì về kỹ thuật lập pháp, Luật Cán bộ, công chức chỉ áp dụng với cán bộ, công chức; còn những người đã ra khỏi công vụ rồi thì không còn chức vụ gì nữa để xử lý hay cách chức. Nhưng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về việc xử lý nghiêm minh đối với cán bộ vi phạm, ngay cả khi đã về hưu, chuyển công tác, Bộ Nội vụ vẫn đưa ra 2 phương án như đề xuất.

Nếu phải theo dõi xử lý tất cả cán bộ, công chức kể từ khi họ nghỉ hưu thì phạm vi quá rộng, nên chỉ tập trung vào những lãnh đạo phải nêu gương, quản lý cấp cao.

Thực tế thì cấp lãnh đạo huyện, xã cũng có quyền lực lớn, hoặc một công chức cấp xã cũng có thể gây thiệt hại không nhỏ, nhưng đó chỉ là cấp thực thi. Vì thế, có quan điểm cho rằng chỉ nên xử lý các vị trí có thể đưa ra các chính sách, các quyết định hành chính có ảnh hưởng đến nhiều người, chứ không phải cấp tổ chức thực hiện.

Việc xử lý vi phạm mang 2 ý nghĩa, một là mang tính tuyên truyền, cảnh báo và hai là mang tính trừng phạt. Đối với những người đã về hưu, việc xử lý mang ý nghĩa chủ yếu là cảnh báo, vì thế, nếu mở rộng phạm vi xử lý ở các cấp cán bộ bên dưới thì tính chất cảnh báo cũng thấp.

ĐBQH Bùi Sĩ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội):

Không phải cứ chức to là vi phạm lớn

Kỷ luật cán bộ về hưu từ thứ trưởng trở lên: Không công bằng? - 2

ĐBQH Bùi Sĩ Lợi

Tôi không ủng hộ phương án chỉ xử lý kỷ luật cán bộ đã về hưu với cấp từ thứ trưởng trở lên. Đã là công chức thì phải xử lý công bằng nhau. Chẳng lẽ chỉ có thứ trưởng trở lên mới có vi phạm, có tham nhũng? Đã không đưa vào luật thì thôi, nếu đưa vào thì tất cả cán bộ công chức có vi phạm mà đã nghỉ hưu đều phải xử lý công bằng với nhau.

Nói cách khác, đã là pháp luật thì phải công bằng. Công chức Nhà nước là công bộc của dân, Luật Sửa đổi phải nghiên cứu làm sao cho công bằng, thể hiện đúng tính toàn diện của pháp luật. Việc chỉ xử lý từ cấp thứ trưởng trở lên không phải mang tính đại diện cho toàn bộ đội ngũ cán bộ công chức, vì vậy, nếu chỉ điều chỉnh trong phạm vi đó là điều chỉnh không toàn diện. Và thực tế, dưới cấp thứ trưởng còn rất nhiều vị trí có quyền lực rất lớn, nếu không đưa vào phạm vi điều chỉnh thì rất có thể nhiều người cố tình vi phạm vì họ yên tâm có thể “hạ cánh an toàn”.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh (Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ):

Không bỏ lọt cấp thấp để tránh tư duy nhiệm kỳ

Kỷ luật cán bộ về hưu từ thứ trưởng trở lên: Không công bằng? - 3

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh

Đã là vi phạm thì phải xử lý hết, vì thực tế có những cán bộ dưới cấp thứ trưởng nhưng còn có vi phạm nặng hơn, nếu không kỷ luật thì không thể đảm bảo tính công bằng.

Trước ý kiến lo ngại nếu xử lý tất cả thì đông quá, tôi cho rằng cách nhìn đó không hợp lý, bởi thông thường chỉ khi phát hiện vi phạm chúng ta mới xử lý chứ không phải theo dõi từng cán bộ để xử lý.

Từ thực tiễn công tác cho thấy, một chuyên viên, hay chủ tịch xã, huyện cũng có thể vi phạm rất nặng rồi. Thậm chí, nếu so với chủ tịch huyện, một thứ trưởng chưa chắc đã có nhiều quyền hạn bằng. Vì thế, nếu chúng ta “bỏ lọt” các đối tượng này sẽ dễ dẫn đến tâm lý “tư duy nhiệm kỳ”, “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Dù vậy, việc quan trọng hơn cả xử lý là làm sao tuyên truyền, răn đe ngay từ ban đầu để cán bộ công chức không dám vi phạm và đã vi phạm thì dù về hưu hay nghỉ việc bao nhiêu năm rồi cũng sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm, tuyệt đối không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng ban Dân nguyện):

Không xử lý hết là không công bằng

Kỷ luật cán bộ về hưu từ thứ trưởng trở lên: Không công bằng? - 4

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Thật ra, không thể mặc định những “quan to” thì vi phạm lớn, vì thực tế chứng minh có những nhân viên bình thường nhưng lại vi phạm rất khủng khiếp mà thậm chí cấp lãnh đạo, quản lý không biết được.

Xét về góc độ bình đẳng, công bằng, quy định của Hiến pháp nêu rõ, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, nếu chỉ xử lý người này còn người kia để lại là không được. Nhà nước quản lý thì phải toàn diện, không thể lấy lý do phạm vi rộng quá thì không giải quyết, xử lý được hết. Phải đề cao Hiến pháp và sự bình đẳng của công dân trước pháp luật. Năng lực chưa đủ thì phải tăng cường năng lực, không thể nói không đủ thì không làm.

Trên thực tế, dưới cấp thứ trưởng còn có tổng cục trưởng - một chức vụ cũng có thể có quyền năng “khuynh đảo”, vì tổng cục bản chất như một bộ con, thậm chí quản lý còn khủng khiếp hơn, ví dụ như tổng cục thuế, hải quan, quản lý thị trường…

Về phía địa phương, kể cả giám đốc sở, chủ tịch huyện, xã cũng đều là những người nắm giữ quyền lực rất lớn trong thực tế và cả quyền điều hành trực tiếp. Thậm chí, có những chức danh như trưởng phòng hay chuyên viên phụ trách những mảng quan trọng đã được điều chỉnh bởi Luật Phòng chống tham nhũng, nếu Luật Cán bộ, công chức không quy định thì sẽ tạo ra sự thiếu đồng nhất.

Kỷ luật cán bộ về hưu: Chỉ áp dụng với cấp từ thứ trưởng trở lên?

Một trong hai phương án được Bộ Nội vụ đưa ra là chỉ áp dụng kỷ luật cán bộ về hưu với cấp từ thứ trưởng, phó...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu (Ghi) ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN