Kỷ luật cán bộ về hưu: Chỉ áp dụng với cấp từ thứ trưởng trở lên?

Sự kiện: Thời sự

Một trong hai phương án được Bộ Nội vụ đưa ra là chỉ áp dụng kỷ luật cán bộ về hưu với cấp từ thứ trưởng, phó chủ tịch tỉnh trở lên.

Kỷ luật cán bộ về hưu: Chỉ áp dụng với cấp từ thứ trưởng trở lên? - 1

Ông Vũ Huy Hoàng là một trong những cán bộ lãnh đạo về hưu đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Một trong những điểm mới đáng lưu ý trong lần sửa đổi này là những quy định liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu nhưng có vi phạm khi còn đương chức. Theo đó, các cán bộ, công chức khi đã nghỉ hưu thì vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy tố theo quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ cho biết, đa số các ý kiến đều tán thành với việc bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, nhằm thể chế hóa nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và sự nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi áp dụng đối với đối tượng này, theo đó chỉ nên áp dụng quy định đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định mà không quy định chung đối với tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Vì thế, Bộ Nội vụ trình 2 phương án về việc này để xin ý kiến Chính phủ.

Phương án thứ nhất là quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức, viên chức.

Với phương án hai, chỉ quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương và cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương, khi có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức.

Về thời hiệu xử lý kỷ luật, luật hiện hành quy định “24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật”. Song Bộ Nội vụ cho rằng, thời hiệu đó là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm.

Vì thực tế, một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo), khi xét kỷ luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu.

Từ thực tế đó, lần này, Ban soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 80 về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật theo hướng kéo dài thời hiệu, thời hạn để giải quyết vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn.

Lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật. Theo đó quy định cụ thể cán bộ, công chức bị kỷ luật thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn (vẫn có thể xem xét bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn).

Hoặc cán bộ, công chức đang trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử thì vẫn có thể giải quyết nghỉ hưu để tránh trường hợp cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu nhưng do trình tự thủ tục xử lý kéo dài, có trường hợp diễn ra trong nhiều năm, nếu không giải quyết thủ tục hưu trí sẽ tạo vướng mắc trong quá trình sử dụng cán bộ, công chức.

Ông Vũ Huy Hoàng có khi đi nước ngoài tới 163 ngày/năm

Bộ Công Thương là cơ quan có số lãnh đạo đi công tác nước ngoài rất nhiều, trong đó có cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Vũ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN