Kỳ lạ "xã không chồng" ở Thái Nguyên

Chỉ một xã thôi nhưng có đến 247 bà mẹ đơn thân. Thế nhưng, con số đó mới chỉ mang tính ước lượng, bởi trên thực tế có thể còn… nhiều hơn nữa. Đó là cả một ám ảnh lớn ở xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Cám cảnh thiếu… đàn ông!

Mặc dù cung cấp cho chúng tôi con số 247 phụ nữ không chồng nuôi con một mình trong xã, song bà Phạm Thị Minh, Chủ nhiệm câu lạc bộ Đồng cảm 2 xã Hà Thượng vẫn còn phân vân. Bà Minh bảo: “Đó là con số tổng hợp của Hội Phụ nữ xã thôi chứ con số thực tế có thể lớn hơn nữa. Riêng xóm 9 do tôi làm Chi hội trưởng phụ nữ có 95 hội viên thì 42 hội viên không chồng nuôi con một mình rồi”.

Nghe đến con số này, mấy ai không băn khoăn. Bởi, một địa bàn nhỏ như cấp xã mà có số phụ nữ đơn thân lớn như vậy hẳn đằng sau phải có nguyên nhân gì đó. Chưa kể, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số phụ nữ diện này đều ở độ tuổi  từ 30 đến 50 tuổi. Ở cái độ tuổi đang còn xuân sắc, bên cạnh thiệt thòi về mặt tình cảm, họ còn phải một mình nai lưng gánh vác công việc, lo toan gia đình, nuôi dạy con nhỏ mà thiếu đi bóng dáng của người chồng, người cha.

Tìm hiểu thêm được biết, hầu hết các chị em này đều goá chồng từ khi còn khá trẻ. Nguyên nhân “mất chồng” của họ cũng chẳng ai giống ai. Ngay cả bà Minh cũng tỏ rõ sự ngạc nhiên về hiện tượng này: “Gần như các chị em trong xã không chồng nuôi con đều là do chồng mất sớm. Nguyên nhân chết thì chiếm phần lớn là tai nạn lao động khi đang làm việc trên mỏ than, thứ đến là tai nạn giao thông, ốm đau, bệnh tật… Chỉ lạ là không hiểu sao trong xã lại nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh mất chồng, mẹ nuôi con một mình đến vậy?”.

Kỳ lạ "xã không chồng" ở Thái Nguyên - 1

Những người phụ nữ đơn thân vừa làm mẹ lại vừa làm cha cho các con của họ

Chị Phạm Thị Tư (39 tuổi) là một trường hợp điển hình của xã. Chồng chị Tư bị bệnh tim mất đã gần 9 năm nay, để lại cho chị hai đứa con thơ mà khi đó đứa lớn mới 3 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi. Chị Tư cho biết: “Từ khi chồng mất đi tôi vất vả tối ngày làm thuê, làm mướn đủ việc để lo nuôi cho hai cháu khôn lớn. Nhưng sức lực cũng có hạn nên kinh tế gia đình cũng khó khăn nhiều bề. Chưa kể đứa con trai lớn của tôi lại mới phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh nên thường xuyên phải đi tiêm thuốc điều trị rất tốn kém”.

Còn chị Lê Thị Hiệp (38 tuổi) có chồng mất vì căn bệnh ung thư phổi đã 7 năm, một mình nuôi 2 con nhỏ. Bây giờ, một cháu đã học lớp 2, một cháu lên lớp 10. Ba mẹ con chị ở trong căn nhà sơ sài, tạm bợ do bố mẹ đẻ chị thương tình cất cho sau vườn nhà ông bà. Công ăn việc làm không có nên cuộc sống của ba mẹ con vô cùng khó khăn, vất vả.
 
Sống như một sự… hy sinh!

Lẽ thường, một gia đình có cả bố lẫn mẹ nuôi con cái ăn học đã vất vả, đằng này vắng bóng đàn ông, các chị khổ sở trăm bề. Ở xã Hà Thượng này, hầu hết các chị em đều có con còn nhỏ, đang tuổi ăn học. Khi mà mẹ lại chẳng có công ăn việc làm ổn định thì kinh tế gia đình càng bấp bênh, cuộc sống càng quạnh hiu, khốn khó. Những người phụ nữ đơn thân phải đóng cả hai vai trong cuộc sống của mình: Vừa làm mẹ lại vừa làm cha cho các con của họ.

Kỳ lạ "xã không chồng" ở Thái Nguyên - 2

Chị Nguyệt đang chăm đàn lợn để "nuôi" mình và các con

Thế nhưng, thiếu thốn vật chất là một nhẽ, thiếu thốn về mặt tinh thần, tình cảm mới là điều khủng khiếp. Thiếu thốn vật chất còn có thể khắc phục, vay mượn song thiếu thốn một hơi ấm đàn ông, một vóc dáng người bố trong nhà, “vay” ở đâu, lấy gì “chia sẻ” đây? Với các bà mẹ đơn thân ở Hà Thượng, khi vui, khi buồn họ chỉ biết cắn răng chịu đựng, nuốt nước mắt vào trong mà chẳng thể tìm ai san sẻ. Con đau, con ốm, con hư … họ cũng tự mình lo, tự mình chịu. Họ tìm niềm tin sống duy nhất ở những đứa con, nhưng những đứa trẻ ấy cũng lớn lên như cây cỏ, thiếu đi sự chăm bẵm, dìu dắt và dạy dỗ của người cha, thiếu đi một nửa hơi ấm gia đình thực sự nên có khi đâu đã biết cho tấm lòng người mẹ?

Có lẽ thấu hiểu được nỗi niềm đó, Hội phụ nữ xã Hà Thượng đã lập ra Câu lạc bộ Đồng cảm để cải thiện phần nào đời sống tinh thần của các bà mẹ đơn thân. Câu lạc bộ này khi mới được thành lập vào năm 2008 có 44 hội viên, chia làm 2 chi hội với mục đích giúp những phụ nữ chung hoàn cảnh cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhất là đời sống tinh thần.
 
Bà Phạm Thị Minh là chủ nhiệm Câu lạc bộ Đồng cảm 2 xã Hà Thượng, bản thân cũng là một bà mẹ đơn thân nên rất hiểu những quạnh hiu của chị em cùng cảnh: “Chúng tôi cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ này để mong có thể chia sẻ, tâm sự những nỗi niềm mà người đồng cảnh ngộ mới dễ thấy hiểu và cảm thông cho nhau. Khi trong hội có ai cần giúp đỡ việc nhà hay có ai trong gia đình đau ốm các chị em trong hội đều đến giúp đỡ, thăm hỏi, động viên”.

Điều đáng nói với các bà mẹ đơn thân Hà Thượng là họ đều có chồng mất đã khá lâu nhưng gần như không ai xây dựng  gia đình mới mà vẫn chỉ lủi thủi một mình tự nuôi con ăn học. Khi hỏi các chị có ước muốn xây dựng hạnh phúc với ai nữa không, chúng tôi chỉ nhận được những cái cười trừ. Chị Lê Thị Hiệp ái ngại khi thổ lộ thật lòng: “Tôi không dám nghĩ đến đâu. Con trai lớn còn doạ tôi mà dẫn người nào về nhà nó đuổi cả hai ra đường không cho vào nhà nữa. Nói vui vậy chứ tôi giờ chỉ mong nuôi được hai con khôn lớn chứ chẳng mong ước gì hơn...”.

Câu nói của chị Hiệp, dù có kết thúc bằng hai chữ “nói vui” mà sao nghe tê tái buồn đến thế? Mấy trăm bà mẹ đơn thân chung một nỗi lòng, chung một niềm đau về mọi nghĩa mà bất cứ ai nghe, biết về họ đều không khỏi quặn lòng đau đớn như xát muối!

“Hoàn cảnh của chúng tôi không ai được chọn cả. Số phận trớ trêu nên đành phải chấp nhận và vượt qua thôi. Mặc dù nhiều lúc tủi thân khi ngay đến cả một người động viên, sẻ chia tình cảm cũng không có. Nhờ có Câu lạc bộ Đồng cảm giúp chị em chung cảnh ngộ chúng tôi chia sẻ, giúp đỡ nhau một phần nào vơi bớt những vất vả, buồn phiền trong cuộc sống”.

Chị Nguyệt - Hội viên Câu lạc bộ Đồng cảm 2, Hà Thượng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Ly (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN