Kỳ lạ xã hơn nửa thế kỷ “nói không với chó”

Sau đại dịch chó dại, một quy định chung như là “hương ước” mà người dân xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An đặt ra để “cấm” người dân nơi đây không được nuôi chó.

Hơn nửa thế kỷ, “hương ước” kỳ lạ ấy vẫn được người dân nơi đây chấp hành. Vì vậy, ở đây không có chuyện mất trộm chó và chuyện “cẩu tặc” bị đánh chết, đốt xe…

“Hương ước” kì lạ sau đại dịch chó dại

Trong khi khắp nơi tại tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, con chó là vật nuôi thân thiết và quen thuộc trong nhà thì hơn nửa thế kỷ qua, người dân xã Diễn Nguyên vốn quen với không gian yên bình, tĩnh lặng. Tiếng chó sủa, hay hình ảnh chó chạy rông ngoài đường dường như là thứ gì đó xa lạ. Một điều ngạc nhiên là mặc dù người dân ở đây không nuôi chó nhưng an ninh trật tự lại rất tốt.

Kỳ lạ xã hơn nửa thế kỷ “nói không với chó” - 1

Ông Ngô Xuân Lai nói về “hương ước” của làng.

Ông Ngô Xuân Lai, một cao niên trong xã cho biết, vào những năm 60 của thế kỷ trước, đại dịch chó dại xuất hiện ở xã Diễn Nguyên và một số xã lân cận. Vào thời điểm này, khoa học chưa phát triển nên rất nhiều người bị chó dại cắn đã phải bỏ mạng. Đại dịch chó dại trở thành nỗi khiếp sợ của người dân nơi đây.

Sau trận đại dịch, một số xã tiếp tục nuôi chó. Tuy nhiên, riêng xã Diễn Nguyên, người dân đã không nuôi chó nữa. Trước khi đưa ra quyết định này, những người đứng đầu các làng đã cùng nhau họp mặt và đưa ra một hương ước kỳ lạ: “Từ đây trở về sau, người dân trong xã không ai được nuôi chó nữa. Hễ hộ gia đình nào vi phạm hương ước sẽ bị làng kỷ luật nghiêm khắc”. Hương ước ấy trở thành một chuẩn mực giá trị đạo đức trong làng xã nơi đây. Và hơn nữa thế kỷ qua, hương ước ấy được con cháu và người dân hưởng ứng, 100% hộ dân không nuôi chó.

Vài năm gần đây, một vài hộ dân kinh doanh bên đường đã cố tình bỏ quên “hương ước” của làng và mang chó về nuôi khiến một bộ phận nhân dân bức xúc vì "hương ước" của làng bị xúc phạm. Thậm chí, chuyện vài nhà nuôi chó đã dẫn đến tranh cãi trên “nghị trường xã” trong những cuộc tiếp xúc cử tri. Nhiều cử tri đổ lỗi cho chính quyền địa phương chưa nghiêm trong việc thực hiện "hương ước".

Kỳ lạ xã hơn nửa thế kỷ “nói không với chó” - 2

Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về việc nuôi chó.

Tháng 6/2011, để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân về việc có nên nuôi chó hay không, một đợt bỏ phiếu thăm dò dư luận được UBMTTQ xã Diễn Nguyên đã diễn ra. Sau đợt lấy phiếu, kết quả thu về là gần 80% ý kiến là không nên nuôi chó mà nên giữ “hương ước” của làng đã đặt ra hàng chục năm nay. Sau cuộc vận động “nói không với nuôi chó”, một số người dân từng đem chó về nuôi đã bắt đầu bán hoặc cho thịt để thực hiện đúng “hương ước” và đại đa số nguyện vọng của nhân dân. 

“Nghị trường xã” bối rối

Hơn nửa thế kỷ thực hiện “hương ước”, khi cuộc sống có nhiều thay đổi, kinh tế nhân dân đã phát triển, dịch vụ y tế được nâng cao, nhiều người đã mong muốn được nuôi chó để cho vui cửa vui nhà. Tuy nhiên, sau khi đưa vấn này nóng này lên “nghị trường xã” để bàn luận, lãnh đạo xã cũng rất bối rối trước những ý kiến trái chiều của người dân.

Trong đợt lấy ý kiến, đa phần người dân đều đồng tình với việc không nuôi chó. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng hơn 20% ý kiến vẫn có nguyện vọng được nuôi chó.

Kỳ lạ xã hơn nửa thế kỷ “nói không với chó” - 3

"Không nuôi chó sẽ giữ được vệ sinh môi trường, yên tĩnh…"

Ông Đào Xuân Luận, công dân xóm 7 cho biết: “Việc người dân trong xã không nuôi chó hàng chục năm nay đã thành 'lệ làng' và ai trong xã này cũng có ý thức chấp hành. Việc không nuôi chó có rất nhiều cái lợi. Đêm đêm, người dân được yên giấc mà không còn nghe tiếng cho sủa inh ỏi hay tình trạng “cẩu tặc” hoành hành như một số địa phương khác”.

Còn ông Đào Quang Phúc - Chủ tịch MTTQ xã Diễn Nguyên - người trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động “toàn dân nói không với nuôi chó” lý giải cái lợi khi không nuôi chó: “Cái lợi trước mắt đó là đảm bảo được vệ sinh môi trường thôn xóm sạch đẹp. Xã Diễn Nguyên là vùng đất chiêm trũng, chủ yếu là đất thịt. Hơn nữa, các con đường thôn xóm đều đã được bê tông hóa nên khi chó đi bậy ra đường sẽ rất khó tiêu. Hiện tượng này tôi đã thấy ở nhiều xã nuôi chó, vào những ngày trời mưa thì rất bẩn”.

Thứ hai, theo ông Phúc, nuôi chó sẽ làm ảnh hưởng đến thôn xóm và những khách khứa đến chơi bởi tiếng sủa inh ỏi. Hơn nữa, bao năm nay, người dân ở đây đã quen dần với cảm giác im lặng, vắng tiếng chó sủa, bây giờ đêm đêm nghe thấy tiếng chó sủa là không thể ngủ được.

Thứ ba, việc nuôi chó không phải là động lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Bằng chứng là nhiều địa phương khác không cấm nuôi chó nhưng xã đó chắc gì đã phát triển kinh tế hơn xã mình. Nếu nói nuôi chó sẽ đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa phương chưa hẳn đã đúng. Nhiều địa phương nuôi chó thì tình trạng trộm cắp vẫn diễn ra thường xuyên, trong khi xã Diễn Nguyên không nuôi chó, tình hình an ninh trật tự rất đảm bảo an toàn. Thậm chí, Diễn Nguyên là một trong những xã được UBND huyện khen vì đi đầu trong việc đảm bảo an ninh trật tự.

Kỳ lạ xã hơn nửa thế kỷ “nói không với chó” - 4

Ông Cao Xuân Mai - Chủ tịch xã (trái) và ông Đào Quang Phúc - Chủ tịch MTTQ xã lý giải về cái lợi từ việc không nuôi chó.

Ông Cao Xuân Mai - Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên cho biết: “Việc người dân trong xã không nuôi chó hơn nửa thế kỷ nay là có thật. Thậm chí, quy định này trở thành một 'hương ước' như là luật làng mà người dân trong xã đều có ý thức thực hiện. Sau khi có nhiều ý kiến trái chiều giữa việc “nuôi hay không nuôi chó”, chúng tôi đã mở cuộc trưng cầu dân ý để lấy ý kiến bà con nhân dân. Sau khi có kết quả hơn 80% hộ dân đồng ý không nuôi chó, bà con nhân dân đã chấp hành 'hương ước' như cũ”.

“Không chỉ có Diễn Nguyên, xã Diễn Thái là xã hàng xóm cũng đã từng có 'hương ước' tương tự. Tuy nhiên, do gần đây người dân ồ ạt nuôi chó trở lại nên khi đưa ra 'hương ước' thì người dân đã quen với việc có chó trong nhà. Vì vậy, cuộc vận động 'nói không với nuôi chó' ở xã này đã thất bại”, ông Mai cho biết thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN