Kỳ lạ làng 10 năm không đi xe máy vào… ngày Tết
Vào dịp Tết đến, xe máy của người dân ở xã A Xan (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) sẽ bị “nhốt” lại. Vì thế, những năm qua ở làng không xảy ra vụ tai nạn nào mỗi độ xuân về liên quan đến xe máy.
Khi nhắc đến câu chuyện người dân xã A Xan không đi xem máy trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều người hoài nghi: “Xe sắm để đi lại, sao lại cấm không được sử dụng, thật vô lý”. Tuy nhiên, ông Pơlong A Nhiết (Phó chủ tịch UBND xã A Xan) khẳng định, chuyện này có thật và nó được xây dựng thành cái nếp hơn 10 năm nay.
Những ngày Tết đến, người dân xã A Xan không còn phải nghe tiếng nẹt pô inh ỏi
Năm 2008, người dân A Xan sắm xe máy rất nhiều. Vì vậy vào những ngày lễ Tết mọi người say rượu chạy xe máy dễ gây ra tai nạn, làm mất tình làng nghĩa xóm, chính quyền địa phương cũng mất nhiều thời gian giải quyết.
“Trong khi rượu Tết bà con uống nhiều mình không cấm được, họ đi xe máy không đúng quy định mà xử lý thì lấy tiền đâu bà con nộp phạt. Từ thực tế đó, các già làng trong xã họp lại và ra quy ước: Cấm đi xe máy trong dịp Tết”, ông Nhiết chia sẻ.
Theo quy ước, trong những ngày Tết xe máy của bà con sẽ được “nhốt” hết, chỉ trừ những cán bộ xã trực Tết tại Ủy ban sẽ được sử dụng để đi lại, còn mọi người muốn đi đâu phải... cuốc bộ hoặc đi xe đạp.
Tết năm 2008 bắt đầu thực hiện, tuy nhiên cuộc vận động cũng nhận không ít lời ra tiếng vào. Nhất là đám thanh niên, uống rượu vào không chịu “nhốt” xe.
Song, người Cơtu tính cộng đồng rất cao, mỗi khi làng có quy ước thì mọi người trong thôn phải thực hiện. Già làng ra lệnh thì mọi người phải tuân thủ. Qua các buổi tuyên truyền thì mọi người đã hiểu được lợi ích của việc này.
Người dân xã A Xan vui vẻ giao nộp chìa khóa xe máy cho Công an viên
Theo ông Nhiết, trước ngày “nhốt” xe, các thôn thông báo cho người dân để chuẩn bị. Do đó mọi người có khoảng thời gian để mua sắm, chuẩn bị lễ vật. Khi Tết cận kề, Công an viên của xã bắt đầu công việc của mình.
Như các năm trước, xe máy được gom về để tại một nơi, thì những năm gần đây xe máy để tại nhà các hộ dân. Công an viên đến từng nhà và thu gom chìa khóa của bà con lại. Điều đặc biệt, người dân không một ai phản ứng và đưa hết chìa khóa cho xã. Anh Pơlong A cho hay, đây không phải năm đầu tiên, đã hơn 10 năm nay rồi. “Tết đến thường hay uống nhiều rượu, bia, do vậy đi xe máy rất nguy hiểm cho mình và những người xung quanh. Từ ngày được già làng quy ước không đi xe máy trong những ngày Tết, gia đình mình tự nguyện “nhốt” xe và sẽ thực hiện nghiêm quy ước của làng đề ra”, anh A cho hay.
Chìa khóa xe máy của người dân được Công an xã cất giữ những ngày Tết
Nhiều người thắc mắc: “Mình thu chìa khóa này, bà con có chìa khóa khác, rồi họ lấy xe đi thì sao?”, song ông Nhiết cho biết: “Chuyện đó không bao giờ xảy ra. Người Cơ Tu đã nói là thực hiện, họ chấp hành nghiêm chỉnh”. Việc nhốt xe máy tại A Xan không phải cứng nhắc, nếu trong những ngày tết gia đình nào có việc gấp thì công an xã sẽ đến tận nhà giao chìa khóa. Những trường hợp đưa người đi cấp cứu, hay sự việc cần thiết thì họ được sử dụng xe đi lại bình thường.
Từ ngày quy ước “nhốt” xe máy được thực hiện, xã A Xan không còn xảy ra tai nạn giao thông vào ngày Tết
Theo ông Nhiết, từ ngày quy ước thực hiện, trong xã không có tai nạn giao thông xảy ra. Đó là một điều đáng mừng, cũng là niềm vui của người dân.
“Đi xe máy trong tình trạng say rượu nếu va quẹt dễ xảy ra cãi vã, đánh nhau, mất tình đoàn kết. Nhưng nay không còn nên tình trạng trên, an ninh trật tự của thôn được giữ vững, người dân đón Tết phấn khởi…”, ông Nhiết bộc bạch.
Những chiếc bát chiết yêu là vật dụng đựng thức ăn không thể thiếu trên mâm cơm xưa, nhất là mâm cỗ ngày Tết.
Nguồn: [Link nguồn]