Kỳ lạ khu rừng cất nhau, rốn của đồng bào Xê Đăng
Khu rừng thiêng dưới chân núi Ngọc Linh là nơi gắn với linh hồn của mỗi con người, được đồng bào Xê Đăng gìn giữ như chính sinh mạng của mình.
Dưới chân núi Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có một khu rừng làm nơi… cất nhau, rốn của những đứa trẻ Xê Đăng mới chào đời.
Đây là khu rừng thiêng được đồng bào gìn giữ như giữ chính sinh mạng của mình.
Anh Hồ Văn Chuẩn kiểm tra túi đựng rốn của con trai trong rừng
Gắn máu thịt với rừng thiêng
Tháng Tư, nắng miền Trung cháy rát, chân núi Ngọc Linh vẫn giữ được không khí mát mẻ lạ thường. Hồ Văn Chuẩn (27 tuổi, ở nóc Xà Ling, thôn 1, xã Trà Linh) băng qua những quả đồi, vào nơi cất rốn của đứa con trai 10 tháng tuổi. “Mấy hôm nay con tôi bị mệt, không biết đùm rốn có bị rơi xuống đất không”, Chuẩn nói.
Người đàn ông Xê Đăng bước đi thoăn thoắt trong rừng già. Nơi cây rừng rậm rạp, Chuẩn cẩn thận nép người tránh khỏi những cành cây nhô ra. Chuẩn dặn: “Anh đi cẩn thận, đừng làm gãy cây rừng, làng phạt vạ đó”.
Hỏi ra mới biết, người đồng bào Xê Đăng ở đây có hai khu rừng. Một là “rừng ma” (nghĩa địa), hai là “rừng rốn”. Những đứa trẻ Xê Đăng ở đây khi vừa sinh ra, cuống rốn sẽ được người thân mang vào rừng cất giữ. Cuống rốn được bọc cẩn thận, treo trên cây.
Theo quan niệm của đồng bào Xê Đăng, “rừng rốn” là nơi linh thiêng hàng đầu, thậm chí còn linh thiêng hơn cả “rừng ma”. Bởi đây là nơi gắn với linh hồn của mỗi con người, nơi mang lại điềm lành cho những người dân.
Với họ, chỉ khi chết thì con người mới được chôn xuống đất. Còn những sinh linh mới chào đời thì phần nhau thai, cuống rốn phải được treo lên thân cây để hưởng ánh sáng của trời.
Những cây cổ thụ của rừng sẽ bao bọc cho chính đứa trẻ có nhau được treo vào thân cây đó, tiếp thêm sinh khí cho những đứa trẻ.
Sau nửa giờ cuốc bộ, Hồ Văn Chuẩn dừng lại ở một góc rừng. Nơi đây có một phiến đá lớn với những thân cây cổ thụ đều được buộc những túi nhỏ bằng vải, ni lông.
Có gốc buộc 5 - 7 túi, có gốc mới buộc 1 túi. Ở đây có đến hàng trăm túi nhau, rốn của người Xê Đăng.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Chuẩn giải thích: “Không có quy định về số lượng túi rốn trên mỗi cây. Ở đây gia đình nào có con thì chọn một gốc cây, mỗi túi là nhau, rốn của một đứa trẻ. Như bên kia có 4 túi, gia đình đó có 4 người con”.
Xong, Chuẩn tiến đến gốc cây nơi treo rốn của con trai mình, ngó nghiêng qua lại, túi nhau rốn vẫn còn nguyên trên cây, Chuẩn nói: “May quá, vậy là không sao rồi”.
Theo lời Chuẩn, đùm rốn trên thân cây không bị rớt xuống suốt đời con cái sẽ mạnh khỏe. Còn nếu đùm rốn rớt xuống thì con cái có chuyện không lành. Thế nên, Chuẩn cũng như những người đàn ông có con ở vùng này thi thoảng lại vào rừng rốn để kiểm tra, đảm bảo nhau, rốn vẫn an toàn trên cây.
Rừng còn thì làng còn
Được người dân giữ gìn, các khu rừng đặc dụng ở xã Trà Linh vẫn tươi xanh
Trời về chiều, cơn mưa rừng trút xuống như thường lệ, chúng tôi trở về làng. Ngồi bên hiên nhà, già Hồ Văn Chính (61 tuổi, cha Hồ Văn Chuẩn) cho biết, treo rốn trong rừng là tập tục lâu đời của người Xê Đăng.
Mấy chục năm trước, khi những đứa con chào đời, già Hồ Văn Chính mang rốn vào cánh rừng ở nóc Poong Kít.
“Để thú rừng không kéo đến phá, những túi rốn không rơi xuống đất, bố đã chọn những cây lớn để khoét lỗ trên thân rồi cho nhau vào để thân cây cất giữ. Mấy mươi năm qua, cây liền sẹo, một phần máu thịt của những đứa con bố được giữ gìn, bao bọc bởi rừng thiêng cho đến nay”, ông Chính kể.
Theo lời già Chính, người Xê Đăng không cho phép ai xâm phạm vào khu rừng thiêng này. Người nào phá hoại các đùm rốn sẽ phải mua heo, gà, rượu… để già làng đại diện cúng thần linh.
Nhưng lo nhất là những gia đình có đùm rốn bị phá sẽ rất tức giận, khó mà bằng lòng. Do vậy, những ai dù vô tình hay cố ý xâm phạm rừng hay các đùm rốn sẽ bị làng phạt rất nặng.
Cả trăm năm nay, tập tục treo rốn vào rừng được đồng bào Xê Đăng truyền qua nhiều thế hệ. Không chỉ người dân, cán bộ xã Trà Linh cũng giữ gìn truyền thống giữ rừng thiêng với tâm niệm: Rừng còn thì làng còn.
Ông Hồ Văn Phương, Chủ tịch MTTQ xã Trà Linh dù đã chuyển đến nơi khác sinh sống nhưng khi các con ông ra đời, ông vẫn mang rốn về treo trong “rừng thiêng” ở nóc Xà Ling, nơi cuống rốn của chính ông cũng được cha treo từ thuở lọt lòng.
Đều đặn mỗi năm, ông Phương lại dẫn các con tìm về nguồn cội, thăm khu rừng cất rốn con, kể cho các con nghe về những câu chuyện linh thiêng của khu rừng, dặn con phải nhớ lấy việc giữ rừng.
Không chỉ mang ý nghĩa về mặt tập tục, việc người dân bảo vệ rừng rốn cũng góp phần rất lớn trong việc bảo vệ rừng dưới chân núi Ngọc Linh.
Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh Hồ Văn Bút cho hay, tục treo đùm rốn của đồng bào Xê Đăng đã góp phần hình thành nên những khu rừng tự nhiên có diện tích ngày càng lớn.
Người đồng bào ở đây bảo vệ “rừng rốn” rất nghiêm ngặt. Nhà có thiếu củi đun đến đâu cũng không được vào “rừng rốn” nhặt về.
“Tin vào sự linh thiêng của khu rừng nên không có tình trạng chặt phá ở rừng rốn cũng những những vùng lân cận”, ông Bút nói.
Theo ông Bút, Trà Linh có 3 thôn, qua nhiều thế hệ đã hình thành nên 23 khu “rừng rốn”. Bởi tin vào sự linh thiêng của rừng nên không có chuyện phá rừng.
“Xã đang nghiên cứu quy hoạch liền mạch giữa những khu “rừng rốn”, nhằm tạo nên những cánh rừng nguyên sinh lớn hơn, bảo vệ chặt chẽ hơn. Về lâu dài, tập tục giữ rừng của người Xê Đăng sẽ giúp rừng ở chân Ngọc Linh mãi xanh tươi”, ông Bút nói.
6 năm trước, khi nghe tin chính quyền sẽ mở một con đường xuyên qua “rừng rốn” của nóc To Tun để vào vùng trồng sâm Ngọc Linh khiến nhiều người dân đứng ngồi không yên. Họ đã đề nghị chính quyền nắn con đường đi hướng khác để giữ khu rừng này.
Người dân bản địa cho rằng, “rừng rốn” quan trọng hơn cả “rừng ma”. Họ có thể di dời mồ mả để nhường đất làm đường nhưng không muốn có bất cứ động thái nào ảnh hưởng đến khu rừng.
Theo ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh, cũng thời điểm đó, Chính phủ quy định đóng cửa rừng, không cho xây dựng cơ sở hạ tầng qua các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trong đó có “rừng rốn”, từ đó, người dân địa phương không còn bất an nữa.
Ông Thể cho biết thêm, tập tục treo rốn trong rừng của người đồng bào ở xã Trà Linh đã tồn tại hàng trăm năm qua, nhờ đó những khu rừng tự nhiên được giữ gìn, diện tích rừng tăng lên đáng kể.
“Hiện nay, người dân địa phương cũng bỏ thói quen canh tác nương rẫy trong các khu rừng đặc dụng để cải tạo, phục hồi rừng tự nhiên”, ông Thể nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Rất đông người đến chợ nhưng không ai mua bán thứ gì mà chỉ đứng trò chuyện, tâm sự cùng nhau.