Kỳ lạ kênh “hút xác chết” giữa Sài Gòn
Trải dài trên địa bàn 8 quận, huyện của TP.HCM, kênh Tàu Hủ còn được biết đến như là một con kênh “hút xác chết” trôi về. Đây cũng là nơi nhiều người đến tìm cái chết...
Không biết vì lý do gì trên dòng kênh Tàu Hủ, đoạn từ cầu Lò Gốm, quận 6, quận 8 đến cầu Khánh Hội, quận 1 (TPHCM), liên tục phát hiện xác chết. “Xác người nổi ở đoạn kênh này xảy ra như cơm bữa. Chỉ từ đầu năm đến nay khu vực đoạn kênh này đã phát hiện gần chục xác người. Cũng khúc kênh này, thỉnh thoảng lại thấy vài vụ tự tử thương tâm…”, ông Nguyễn Văn Lộc (55 tuổi) người chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện Tâm thần TP.HCM (quận 5), mắt hướng về bờ kênh Tàu Hủ trầm ngâm nói.
Kênh Tàu Hủ được mệnh danh là con kênh “hút xác chết” vì trong vài năm trở lại đây, số lượng xác chết tập trung về đây rất nhiều. “Vài ngày lại nghe xác chết nổi kênh, sự việc diễn ra như cơm bữa” - một người dân cho biết.
Xác người liên tục nổi trên kênh
Mới đây, vào chiều 29/7, một số người dân đi câu cá đã phát hiện thi thể nam giới chết trôi trên kênh đoạn qua cầu số 1, quận 8. Xác chết người đàn ông đang trong giai đoạn phân hủy nặng khiến cho công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Theo điều tra ban đầu, người đàn ông tên Trịnh Dương Cường (59 tuổi, quận 5). Khi phát hiện thấy thi thể, người đàn ông xấu số mặc trên người áo thun, quần đùi.
Trước đó, tối 9/7, một đôi nam nữ đang ngồi tâm sự bên bờ kênh Tàu Hủ (đoạn cầu Nước Lên, quận Bình Tân) bỗng nhiên bỏ chạy và hô hoán có xác người nằm dưới kênh. Ngay sau đó, sự việc được trình báo cho cơ quan công an. Nạn nhân sau đó được vớt lên là nam giới, khoảng 30 tuổi, trong người có một điện thoại hiệu Nokia và không có giấy tờ tùy thân. Sau khi hoàn tất các thủ tục, thi thể nạn nhân được chuyển về nhà xác.
Cũng theo ông Lộc, nguyên nhân dẫn tới những cái chết, xác nổi trên dòng kênh này nhiều vô số kể. Có người đi ven bờ kênh trượt té chết; có người nhậu say ngã xuống kênh, chết; có người tắm kênh chết đuối, có người câu cá chết lội ra xa rồi chìm dẫn đến chết. Cũng có những kẻ phê ma túy lao xuống kênh tử vong...
Hàng chục người nhái dò dẫm trong dòng nước đen ngòm để tìm người lao xuống kênh Tàu Hủ hôm 29/7
Vừa châm điếu thuốc hút, ông Lộc trầm ngâm kể tiếp: “Mấy tháng trước, xác một phụ nữ bị cứa cổ được phát hiện tại mô đất trên kênh Tàu Hủ (sáng 30/5-PV) gần cầu Ông Lãnh, phía bờ quận 1. Trên người nạn nhân vẫn còn một số trang sức bằng vàng. Đặc biệt, vùng cổ và chân tay nạn nhân có nhiều vết cắt bằng vật sắc nhọn”.
Anh Nguyễn Tuấn, một người dân sống gần kênh Tàu Hủ (quận 5) cho biết, vài ngày lại nghe có phát hiện xác chết nổi trên kênh. Chỉ vài năm trở lại đây đã có khoảng gần cả trăm xác người được phát hiện. Và có cả chục vụ chết đuối nên một số người đặt đây là con kênh “xác chết” hay “nuốt người”.
Nhiều học sinh chết đuối thương tâm
Sáng 8/8, cháu Lê Trình Gia Minh (7 tuổi, học sinh lớp 1, ngụ quận 5) xin phép bà ngoại đi chơi cùng với một người bạn trong xóm, nói trưa sẽ về nhà ăn cơm nhưng đến tối vẫn không về.
Lo sợ có điều chẳng lành xảy ra, bà ngoại cùng người thân đi khắp xóm để tìm cháu Minh. Đến hơn 20h tối, một bé trai trong xóm cho biết người bạn đi cùng với cháu Minh nói Minh đã té xuống kênh Tàu Hủ (đoạn trước cổng Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, quận 5) từ lúc sáng.
Sau khi sự việc xảy ra, người bạn đi cùng với Minh quá hoảng sợ bỏ chạy về nhà trốn. Tìm đến nhà cháu này, bà ngoại Minh ngã quỵ khi cháu bé nói Minh bị trượt té xuống kênh, trên bờ có để lại đôi dép màu đỏ và cái áo thun. Sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, thi thể cháu Minh mới được tìm thấy.
Mới đây nhất hôm 8/8 cháu Lê Trình Gia Minh (7 tuổi, học sinh lớp 1) bị trượt té xuống kênh Tàu Hủ (đoạn trước bệnh viện Tâm thần TP) dẫn đến mất mạng. Phải 3 ngày sau thi thể cháu bé mới được tìm thấy.
Ngày 20/11/2012, trên kênh Tàu Hủ, quận 4, em Phạm Bảo Trọng (12 tuổi, học sinh lớp 6), cùng 2 bạn đi vớt cá ven kênh. Trọng cầm vợt cúi xuống sát mặt nước, bất ngờ trượt chân ngã. Thấy Trọng chới với, một trong hai em còn lại nhảy xuống cứu bạn nhưng không lâu sau cả hai đều bị chìm. Thấy thế, em còn lại trên bờ hoảng sợ kêu cứu. Người dân sống gần đó cùng với các ghe thương hồ qua lại tìm kiếm nhưng chỉ cứu sống được một em. Riêng Trọng, dù bà con lùng sục rất lâu nhưng vẫn không tìm thấy thi thể. Người nhái được điều đến hiện trường để tham gia tìm kiếm.
Thương tâm nhất phải kể đến vụ chết đuối xảy ra trên kênh Tàu Hủ đoạn trước chợ Rạch Cát (phường 15, quận 8) khiến các em nhỏ Hứa Thanh Hào (4 tuổi), Phan Minh Chính (4 tuổi, cả 2 cùng học mẫu giáo) và Đinh Ngọc Hoàng Anh (3 tuổi) tử vong. Do được nghỉ học, nhóm trẻ này rủ nhau ra bờ kênh Tàu Hủ chơi, không may bị trượt chân rơi xuống dòng nước cả 3 nạn nhân đã tử vong ngay sau đó. Nhiều giờ sau đó, đội cứu hộ cứu nạn mới tìm được thi thể các bé trong sự đau đớn tột cùng của bố mẹ, người thân.
Xác một thanh niên được phát hiện trên kênh Tàu Hủ đoạn cầu Nước Lên
Ông Nguyễn Quang Phong (65 tuổi) có nhà ở bến Mễ Cốc (quận 8) nhìn ra dòng kênh nói với giọng đượm buồn: “Tôi sống và gắn liền với dòng kênh này từ lúc còn nhỏ. Hồi xưa, dòng kênh trong xanh, tôi và đám bạn hay ra đi tắm nhưng sau này đen ngòm, lại xảy ra nhiều vụ chết chóc. Nhiều mạng người đã bị dòng kênh cướp đi. Nó đổi thay quá nhiều, từ hiền hòa thành đáng sợ và không biết sẽ còn bao nhiêu cái chết thương tâm nữa”.
Theo ông Phong, trước đây, một thời gian do dòng kênh ô nhiễm, hôi thối nên người dân ít tụ tập ra bờ kênh vui chơi. Mấy năm gần đây, con kênh hồi sinh nên có rất nhiều người ra đây hóng mát, câu cá, tập thể dục. Tuy nhiên do bờ kè rất dốc và trơn trợt, nhiều đoạn không có rào chắn, thiết kế bậc thang dọc bờ kè quá ít và cách xa nhau nên người ngã xuống kênh thường bị đuối nước, dẫn đến tử vong…
Kênh Tàu Hủ nguyên là một con rạch nhỏ bị cạn, hẹp lại nên vào năm 1819, vua Gia Long hạ lệnh cho Phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý chỉ huy đào vét thành kênh và đặt tên là An Thông Hà cũng gọi là Kinh Mới và vì chảy ngang Chợ Lớn nên còn gọi là rạch Chợ Lớn. Nhiều tài liệu cho rằng kênh Tàu Hủ được nạo vét thêm hai lần vào các năm 1887 và 1895, rồi sau đó được làm rộng thêm lần thứ ba vào năm 1922. Trên bờ kênh, phía đông nam là thôn Bình Đông, phía tây bắc là thôn Bình Tây, năm 1820 (thời vua Minh Mạng) cả hai thôn thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Từ tên thôn, Bình Đông thành tên bến ở bờ đông kinh Tàu Hủ, chính thức là từ năm 1955 cho đến nay. |
Nói đến dòng kênh Tàu Hủ, người ta nghĩ ngay đến con kênh đang hồi sinh từng ngày nhưng nó cũng được mệnh danh dòng kênh “nuốt người”. Nhiều mạng người đã bị “hà bá” tại dòng kênh này cướp đi hết sức thương tâm. Đón đọc kỳ 2: Kênh Tàu Hủ: “Con kênh vĩnh biệt” giữa Sài Gòn vào 19h ngày 16/8 |