Kỳ lạ chuyện xe xuất nông sản đi 700m mất… 7 ngày

Chặng đường từ bãi đỗ đến điểm giao xe cho “tài bo” Trung Quốc chỉ dài 700m nhưng các “tài bo” Việt Nam phải di chuyển từ 3-7 ngày mới đến nơi.

Chuyện lạ trên vẫn thường xuyên xảy ra tại Cửa khẩu Bắc Luân 2, TP Móng Cái, Quảng Ninh.

Xe vượt “lốt”, đường tắc nghẽn nghiêm trọng

Những ngày gần đây, nhiều lái xe tại Cửa khẩu Bắc Luân 2, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh phản ánh: Tại khu vực nhà kính, bãi thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu Bắc Luân 2 có hàng trăm phương tiện cùng dừng đỗ, chen lấn nhau lên cầu để xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Ngày 22/2, một nhóm “tài bo” cãi vã, xô xát do mâu thuẫn trong việc xếp lốt xe vào Cửa khẩu Bắc Luân 2 (Ảnh do các tài xế cung cấp)

Ngày 22/2, một nhóm “tài bo” cãi vã, xô xát do mâu thuẫn trong việc xếp lốt xe vào Cửa khẩu Bắc Luân 2 (Ảnh do các tài xế cung cấp)

Điều khiến các lái xe bức xúc là tình trạng xe vượt “lốt”, xe đến sau nhưng lại được xuất hàng trước khiến tuyến đường bị ách tắc cục bộ, nhiều xe phải nằm tại chỗ hoặc ì ạch dịch chuyển.

“Đoạn đường từ bãi đỗ đến cầu Bắc Luân 2 để giao phương tiện cho “tài bo” (lái xe chuyên trách tại cửa khẩu) Trung Quốc chỉ chưa đầy 700m nhưng chúng tôi phải “ôm” xe, di chuyển chậm hơn “rùa bò”, trung bình mỗi chuyến đều mất từ 3 - 5 ngày. Nhiều trường hợp 7 ngày mới đến được điểm giao xe nên ai cũng cảm thấy mệt mỏi, bức xúc”, anh N.VC, “tài bo” tại Cửa khẩu Bắc Luân 2 nói.

Theo các lái xe, bức xúc nhất là tình trạng xe vượt “lốt” chen lấn, đè ép lẫn nhau trên đường. Thậm chí, nhiều trường hợp lời qua, tiếng lại trong quá trình xếp “lốt” dẫn đến xô xát gây mất an ninh trật tự.

“Không bức xúc sao được khi xe mình xếp hàng 4 - 5 ngày rồi mà vẫn không được di chuyển, trong khi nhiều xe mới đến cửa khẩu lại được vượt lên trước để xuất hàng. Nhiều thời điểm, dù đã kiên nhẫn chờ đến cuối ngày, xe đã đến sát đường biên nhưng phải bật chế độ nổ máy, chạy lạnh tự động để đỗ lại qua đêm vì hết giờ thông quan.

Những tưởng hôm sau sẽ đến “lốt” của mình từ sớm nhưng mới mờ sáng lên bãi, dù các cơ quan chức năng chưa đến làm việc nhưng đã có vài chục xe mới đến được “tạo điều kiện” vượt lên trước, chúng tôi lại tiếp tục phải “ôm” xe, chờ trong nhiều ngày”, “tài bo” T.Q.T nói.

Nhiều lái xe cũng cho biết, từ lâu tình trạng mua “lốt”, chen “lốt” xe xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Bắc Luân 2 đã được đồn thổi, lan truyền.

Video cận cảnh ùn tắc ở cửa khẩu được các tài xế ghi lại.

Thực tế, hàng ngày vẫn có nhiều xe dù không nằm trong diện được ưu tiên nhưng vẫn vượt lên xếp trước, thậm chí là đi vào làn đường ngược chiều, qua cửa khẩu để đến đường biên xuất hàng.

“Tình trạng này đã diễn ra từ lâu. Năm ngoái, khi cửa khẩu chưa quá khó khăn như hiện nay, nghe nói giá mỗi xe xuất khẩu nông sản tươi được ưu tiên xuất khẩu nhưng muốn “xin” vào trước có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng. Mức giá này đối với xe hàng đông lạnh, đồ điện tử thì cao hơn vì không phải là mặt hàng được ưu tiên, cần xuất khẩu ngay vì sợ hỏng. Mức giá và thỏa thuận vượt “lốt” tại cửa khẩu sẽ do các “nhà luật” và các chủ hàng sắp xếp, trực tiếp giao dịch”, một nguồn tin tiết lộ.

Một bất cập nữa trong việc điều tiết, xếp xe tại Cửa khẩu Bắc Luân 2 là lực lượng chức năng cho xe ồ ạt ra đường chen lấn nhau theo kiểu “mạnh ai nấy đi”.

Trên đoạn đường từ nhà kính lên cầu Bắc Luân 2 chỉ dài khoảng 500m nhưng có 3 - 4 làn xe được xếp lên cầu trong khi khu vực giữa cầu là đường biên giới, cơ quan chức năng Trung Quốc chỉ cho phép 1 làn xe đi qua.

Bên cạnh đó, nhiều xe vội vàng vượt “lốt” trong khi chưa hoàn thiện thủ tục, bị cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện, yêu cầu quay đầu, hoặc đỗ lại giữa cầu chờ bổ sung dẫn đến xung đột, ách tắc kéo dài.

Cơ quan chức năng nói gì?

Chia sẻ thêm về câu chuyện trên, nhiều tài xế, nhà xe và chủ hàng xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Bắc Luân 2 cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do từ tháng 4/2020 đến nay, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Móng Cái đã thẩm định, ban hành văn bản cho phép mức giá dịch vụ “tài bo” tại cầu phao tạm là 2,5 triệu đồng/ngày/chuyến hàng. Các ngày kế tiếp được nhận thêm 1 triệu đồng/ngày.

Được biết, ngày 22/2, lãnh đạo UBND TP Móng Cái trực tiếp đến kiểm tra, yêu cầu các lực lượng biên phòng, hải quan có phương án sắp xếp xe hợp lý, không tiếp tục cho xe đến khu vực thông quan tại cửa khẩu để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại Cửa khẩu Bắc Luân 2. Tuy nhiên, tình trạng ách tắc cục bộ tại Cửa khẩu Bắc Luân 2 cũng chưa có nhiều chuyển biến.

Trường hợp đã nhận xe mà trong ngày xe chưa được thông quan sang Trung Quốc (xe mắc kẹt, ách tắc nằm chờ tại cửa khẩu), mức giá là 1 triệu đồng/ngày.

Mức giá trên tại Cửa khẩu Bắc Luân 2 là 3 triệu đồng/ngày/chuyến hàng, các ngày kế tiếp thì được nhận 1,5 triệu đồng/ngày.

Trường hợp đã nhận xe mà trong ngày xe chưa được thông quan sang Trung Quốc, mức giá là 1 triệu đồng/ngày.

Theo điều tra của PV, mức thu tiền “tài bo” là do các “nhà luật” (một dạng cò thủ tục hành chính) đưa ra, “tài bo” cũng chỉ được nhận một nửa số tiền đơn vị vận tải phải chi trả cho “nhà luật”.

Do vậy, khi xe càng ách tắc nhiều ngày tại cửa khẩu thì số tiền “nhà luật” được hưởng càng lớn; nhiều xe phải chi trả khoản tiền này lên đến hàng chục triệu đồng.

Hơn nữa, tại Móng Cái hiện nay có đến khoảng 600 “tài bo” được cấp thẻ hoạt động trong khi mỗi ngày chỉ có hơn 100 xe được thông quan nên vẫn có hiện tượng 1 tài xế nhận “ôm” từ 2 - 3 xe/ngày hoặc để xe nằm chờ trên đường rồi đi làm việc khác...

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái khẳng định: “Không có tình trạng mua, bán “lốt” xe xuất khẩu Cửa khẩu Bắc Luân 2 như phản ánh trên”.

Nguyên nhân gây ra tình trạng các xe tập trung đông, ách tắc trên đường là do thời gian gần đây nhiều bãi đỗ bị sình lầy, phương tiện không thể dừng đỗ nên lực lượng chức năng buộc phải xếp xe dọc trên đường đi.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cũng cho biết: Hiện nay, do phía Trung Quốc khống chế chỉ cho phép khoảng 30 xe hoa quả xuất khẩu/ngày tại Cửa khẩu Bắc Luân 2 nên lực lượng chức năng phải bố trí làn đỗ, di chuyển riêng cho hoa quả tươi để tách biệt với các loại hàng hóa khác nên có thể những xe này được ưu tiên vượt lên trước so với các xe vận chuyển hàng khô, hàng điện tử.

Bên cạnh đó, quy trình kiểm dịch, khử khuẩn đối với xe hoa quả tươi của phía bạn được thực hiện nghiêm ngặt. Đến giữa cầu, xe phải đỗ lại khoảng 40 phút để cơ quan chức năng nước bạn khử khuẩn, xét nghiệm Covid-19 đối với tài xế, hàng hóa trước khi được đưa vào Trung Quốc.

Bà Trần Bích Ngọc, Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết, những ngày gần đây, do các cửa khẩu tại Lào Cai và Lạng Sơn dừng hoạt động hoặc tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi nên các xe nông sản đã đổ dồn về Móng Cái, mỗi ngày có từ 80 - 90 xe.

Đến nay, tại Móng Cái đang tồn đọng hơn 1.000 xe, trong đó có hơn 500 xe vận chuyển hoa quả tươi.

Trong khi đó, phía Trung Quốc đã nói rõ mỗi ngày họ chỉ có nhu cầu nhập từ 30 - 40 xe hoa quả tươi tại Móng Cái. TP Móng Cái đã nhiều lần thông báo, trao đổi với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu về chủ trương này nhưng hầu như không có kết quả, xe hoa quả tươi vẫn đổ dồn về Móng Cái chờ thông quan.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ “luật ngầm” cửa khẩu: Bịt nhiều lỗ hổng ngăn mua bán lốt xe, “làm luật”

Ngoài tham mưu UBND tỉnh giải pháp, Công an Lạng Sơn luân chuyển một loạt cán bộ, lãnh đạo công an liên quan hoạt động quản lý xe tại cửa khẩu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Nguyên ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN