Kỳ lạ chuyện ở biệt thự phải mặc… áo mưa!
Vẫn mang cái tên sang chảnh là “biệt thự” song ở trong những ngôi biệt thự cổ Hà Nội này, những hôm mưa gió có khi người dân phải mặc… áo mưa. Bởi, cái vị trí đẹp ở trung tâm đã khiến những ngôi nhà này phải mang trong mình cơ man nào những “chuồng cọp”, những “ba lô” nhếch nhác. Oằn mình gánh thêm trọng tải cơi nới và phát sinh lượng lớn người ở nên tuổi thọ của chúng có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
Bên trong ngôi biệt thự số 3 Trần Nguyên Hãn xuống cấp nghiêm trọng do bị cơi nới, đục khoét. Ảnh: Hà - Phương
Bỏ mạng lúc nào không hay!
Sau khi biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo bị đổ sập, nhiều hộ dân sống trong những ngôi nhà tương tự đang trong cảnh nơm nớp lo âu. Ngôi biệt thự đầu tiên chúng tôi “tận mục sở thị” là số 3 Trần Nguyên Hãn (quận Hoàn Kiếm) đã bong tróc hoàn toàn, trơ gạch và các mối vữa.
Ông Hùng, chủ nhân phòng 102 - một trong những người đầu tiên chuyển đến ở tại ngôi biệt thự cho biết: “Ngôi nhà này có thâm niên khoảng 100 tuổi. Nhà lợp ngói nhưng quá lâu không tu bổ nên ngói cũng xuống cấp, tường thì cứ mưa là nước ngấm vào. Người dân ở đây đã tu sửa bằng nhiều cách nhưng một số hộ bị thấm dột, thậm chí ở trong nhà cũng phải mặc áo mưa nếu mưa dài ngày”.
Tại biệt thự số 1, Tông Đản, chị chủ quán bún, miến ở cổng ngôi nhà này cũng cho hay, ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Những ngày mưa, chị phải huy động toàn bộ xô chậu ra hứng nước. Đêm nào ngủ lại cửa hàng thì còn đỡ, nếu không sáng hôm sau, phải tát nước trong nhà. “Sau vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo, tôi cũng sợ lắm. Ở thế này, bỏ mạng lúc nào không hay. Nhiều khi vào bên trong đi vệ sinh, tôi phải chạy ra nhanh vì sợ ...sập”, chị chủ quán chia sẻ.
Tìm hiểu bên trong, chúng tôi không khỏi lo ngại. Ngôi nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt, nhiều mảng tường bị sạt và bị thấm, ngấm nước nghiêm trọng.
Tại đây, nhiều hộ dân xây chằng chịt các khung sắt, “lô cốt” và ống nước lớn bé khác nhau. Đi lên chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, chúng tôi lạnh gáy vì nhiều chỗ đã bị mối mọt đục ruỗng, mái che nhiều chỗ... nhìn thấy trời. Không gian của ngôi nhà bị người dân tận dụng làm bếp, làm phòng ở kín mít. Khoảng sân được xem là giếng trời của biệt thự cũng bị các hộ dân biến thành khu vệ sinh bẩn thỉu, hôi thối và nhếch nhác do nước luôn tràn ra bên ngoài.
Chưa kể ngay trong lòng ngôi nhà, nhiều hộ dân cũng xây dựng nhiều bếp lò khổng lồ với khoảng 4 - 5 lò than lớn bé luôn ngùn ngụt cháy. Các trụ điện chằng chịt dây quấn ngang, dọc rất nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ. Để mở rộng diện tích sử dụng, một số gia đình còn cơi nới cả trên nóc ngôi nhà làm tầng lửng. Một số hộ khác thì cơi nới mở rộng diện tích xây thêm “ba lô”, “chuồng cọp”.
Nghiêng cả nhà vì bị… đục móng
Các hộ tại biệt thự số 3 Trần Nguyên Hãn đục tường để mở thêm cửa phía đường Tông Đản khiến nhà bị nghiêng.
Được biết, hiện Hà Nội có khoảng 1.600 căn biệt thự cổ và phần lớn đều xuống cấp nghiêm trọng do mỗi căn phải gánh hàng chục hộ dân sinh sống. Việc cải tạo, cơi nới thêm diện tích đã khiến các ngôi biệt thự đã cổ lại thêm quá tải vì phải gánh thêm trọng lực lớn các khối bê tông, sắt thép của các “lô cốt”.
Ngôi biệt thự số 57B, Phan Chu Trinh hiện cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nơi đây có 33 hộ sinh sống. Trước đây, ngôi nhà này có cả sân, vườn song rồi vì lợi nhuận, vì nhu cầu, tất cả sân, vườn ở đây đều hóa thành nhà. Việc cải tạo này đã bịt đường ống thoát nước khiến nước thải không có lối thoát nên chảy ngược vào trong. Để khắc phục tình trạng này, một số hộ gia đình phải bít xi măng bên ngoài nhà vệ sinh hoặc lối vào nhà để chắn nước tràn vào nhà mỗi khi mưa lớn.
Trước đó, chia sẻ với chúng tôi, ông Hùng, trú tại biệt thự số 3 Trần Nguyên Hãn cũng cho rằng, ngôi nhà này sẽ không trở nên quá xập xệ như hiện nay nếu như không bị cơi nới, cải tạo để mở thêm mặt tiền ở phố bên cạnh.
“Ngôi biệt thự này do Pháp xây dựng có thiết kế cả tầng hầm, tôi nghĩ là tầng để rượu. Tuy nhiên, theo một số người dân, tầng hầm này là bể ngầm chứa nước. Nếu mưa lớn, bể chứa sẽ có tác dụng hút nước chống ngập. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản nhà (năm 1954), các hộ dân đã phá bể nước ngầm, sử dụng diện tích này để làm thêm tầng nữa. Tổng cộng, có khoảng 7 hộ dân cải tạo để mở mặt tiền ra phía đường Tông Đản. Vì thế, nếu nhìn ngôi biệt thự từ phía đường Tông Đản, nền nhà ở đây thấp hơn vài mét so với nền của các hộ gia đình đường Trần Nguyên Hãn. Nền nhà của các hộ cải tạo cũng bị võng, biến dạng, mái thì dột nát”, ông Hùng chia sẻ.
Bản thân ban công nhà ông cũng bị bịt vào vì đang yên đang lành, hộ dân bên cạnh đua ra thêm cái “chuồng cọp” khiến nhà ông không còn cả chỗ để… “thở”.
Ở tầng trên cùng, người dân tự ý xây thêm làm thành tầng lửng để mở rộng diện tích sử dụng.
Ông Nguyễn Tiến, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm cho biết, hồi tiếp quản, ngôi biệt thự số 3 Trần Nguyễn Hãn có 5 hộ chính chủ. Hiện nay ngôi biệt thự đang gánh khoảng 18 hộ dân với hơn 100 người.
Chia tay những người dân ở một số căn biệt thự cổ tại Hà Nội, chúng tôi thấy lo ngại cho sự an nguy của họ. Ngoài việc vẫn được gắn cho cái tên sang chảnh: “biệt thự” những ngôi nhà này ẩn chứa đầy nguy hiểm cho chủ nhân của nó bởi sự già nua, cũ kỹ và quá tải. Mối lo không chỉ dừng lại ở việc những ngôi nhà này có thể đổ sập bất cứ khi nào mà những vấn nạn như úng ngập, hỏa hoạn, chấp điện... cũng là những mối họa đang treo lơ lửng.
“Ngôi nhà đã xuống cấp quá nghiêm trọng. Nhiều chỗ thấm dột và mục nát. Người dân cứ bỏ tiền ra sửa lúc chỗ nọ, lúc chỗ kia nhưng không ăn thua. Chúng tôi đã kêu lên thành phố trong 2 năm nay nhưng chưa có hồi âm. Sau vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo, nhiều hộ dân ở đây đang vô cùng lo lắng. Đặc biệt, việc đục phá, cải tạo thêm một tầng nhằm có mặt tiền ở phố Tông Đản của người dân, vô tình làm mất phần móng nên khu biệt thự đang dần bị nghiêng sang một bên”, ông Nguyễn Tiến nói về biệt thự số 3 Trần Nguyên Hãn. |