Kỳ họp Quốc hội tới sẽ bàn sâu về vũ khí thô sơ

Sự kiện: Họp Quốc hội

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ, trong đó có dao để cướp ngân hàng xuất hiện nhiều.

Ngày 18-12, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã biểu quyết đồng ý bổ sung thêm bốn dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Ba dự án luật còn lại gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đề xuất “dao có tính sát thương cao” là vũ khí

Với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay ủy ban này và các cơ quan đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ lưỡng đề xuất bổ sung “dao có tính sát thương cao” vào nội hàm vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng. Đồng thời làm rõ mối liên hệ giữa tỉ lệ gia tăng tội phạm với việc sử dụng dao có tính sát thương cao để tăng tính thuyết phục của đề xuất này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: “Cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng đề xuất bổ sung "dao có tính sát thương cao"!”

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: “Cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng đề xuất bổ sung "dao có tính sát thương cao"!”

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định cụ thể hơn về cơ chế quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dao có tính sát thương cao. Việc này để bảo đảm công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và lao động hằng ngày của người dân.

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương đề nghị rà soát các chính sách và bổ sung báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, đặc biệt là việc quy định vũ khí và công cụ hỗ trợ bao gồm các công cụ sản xuất và đời sống như các loại dao. “Vấn đề này, Bộ Tư pháp và các cơ quan cũng đã có ý kiến bởi nó tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội” - theo ông Phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết thực tế trong số 40.000 vụ phạm tội liên quan đến vũ khí và vật liệu nổ, có trên 58% các vụ án liên quan đến việc sử dụng dao và vũ khí thô sơ.

Theo ông Lê Tấn Tới, dao xuất hiện trong những vụ phạm tội nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ… “Trong số các vụ án này, nhiều công an đang thi hành nhiệm vụ bị thương, hy sinh, một số vụ rất đau lòng” - ông Tới nói.

Nhiều đối tượng dùng dao khi gây án

Giải trình thêm, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong suốt quá trình thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí…, hằng năm, bộ đều tổng hợp, đánh giá về những sơ hở, bất cập trong quá trình áp dụng luật mà các đối tượng lợi dụng. “Chúng tôi đã nghiên cứu theo chiều dài của năm năm vừa qua và phân tích kỹ theo các nhóm hành vi phạm tội” - ông Ngọc nói.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an: “Các vụ phạm tội dùng vũ khí là dao gây án chiếm 58% vụ việc và 54% đối tượng”. Ảnh: THÀNH THẮNG

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an: “Các vụ phạm tội dùng vũ khí là dao gây án chiếm 58% vụ việc và 54% đối tượng”. Ảnh: THÀNH THẮNG

Theo ông Ngọc, từ cuối năm ngoái đến nay, tội phạm sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng xuất hiện nhiều. Đây là sự việc rất ít xảy ra trước đại dịch COVID-19. “Theo thống kê, các vụ phạm tội dùng vũ khí là dao gây án chiếm 58% vụ việc và 54% đối tượng; từ đó có thể thấy rõ tính chất phức tạp” - Thứ trưởng Bộ Công an nói thêm.

Theo tờ trình của Chính phủ, Bộ Công an đề nghị trình QH cho ý kiến và thông qua dự án luật theo quy trình một kỳ họp, tại kỳ họp thứ bảy tháng 5-2024. Tuy nhiên, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ QH thống nhất trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy; xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tám. Trong quá trình chuẩn bị, nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ bảy được đại biểu QH đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ QH sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình QH thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ bảy theo quy trình một kỳ họp.

Có thể bổ sung nhiều đối tượng vào diện không chịu VAT

Liên quan đến dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), lần sửa đổi này nhằm tập trung hoàn thiện năm nhóm chính sách về: đối tượng không chịu VAT, giá tính VAT, thuế suất VAT, khấu trừ VAT đầu vào và hoàn VAT.

Tờ trình của Bộ Tài chính đề xuất quy định cụ thể hơn đối tượng không chịu VAT để bảo đảm khả thi trong thực hiện; đưa một số hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%; sửa đổi một số quy định để bảo đảm đồng bộ với pháp luật hiện hành…

Tham gia thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH băn khoăn: Theo tờ trình, một trong những mục tiêu đặt ra là “mở rộng cơ sở thuế thông qua việc giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu VAT”.

Tuy nhiên, qua rà soát, Thường trực Ủy ban này nhận thấy Bộ Tài chính dự kiến đề xuất bổ sung khá nhiều đối tượng vào diện không chịu VAT so với quy định hiện hành. Cụ thể là các khoản phí tại hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với bên cho vay nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu để ủng hộ, tài trợ nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, chiến tranh; tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp VAT bán tài sản...

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần cân nhắc để có cách thể hiện hợp lý hơn về mục tiêu của chính sách, vì việc bổ sung các nhóm đối tượng vào diện không chịu thuế như đề xuất có thể không đạt được mục tiêu nói trên tại tờ trình.

Nguồn: [Link nguồn]

Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội sẽ xem xét những nội dung gì?

Các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 phải đáp ứng tiêu chí về tính cấp thiết, phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC MINH ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN