Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội sẽ xem xét những nội dung gì?
Các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 phải đáp ứng tiêu chí về tính cấp thiết, phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan.
Chiều 18/12, tại Phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời điểm xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất.
Đồng thời, Quốc hội cũng giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn...
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ảnh: Nhật Minh
Trên cơ sở xem xét, Quốc hội dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường để quyết định các nội dung, gồm: Xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện; xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).
Về hình thức, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 3 ngày và chia thành 2 đợt. Cụ thể:
Đợt 1, diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 15/1/2024 đến sáng ngày 17/1/2024) để nghe trình bày tờ trình, báo cáo, thảo luận các dự thảo luật, nghị quyết. Trong đó, bố trí một ngày ngày thảo luận ở hội trường đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bố trí nửa ngày thảo luận ở tổ và nửa ngày thảo luận tại hội trường đối với 2 dự thảo nghị quyết còn lại.
Đợt 2, sẽ diễn ra trong nửa ngày 19/1/2024 để thông qua các luật, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan, ủy ban của Quốc hội cần quyết tâm thực hiện 2 dự án Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi để có thể tổ chức kỳ họp bất thường.
Nguồn: [Link nguồn]
Để xem xét và giải quyết một số nội dung cấp bách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đang tính đến khả năng tổ chức 1 kỳ họp bất thường vào giữa tháng 1-2024.