Ký cam kết nếu không tiêm vắc-xin Covid-19, Bộ Y tế nói gì?
Đại diện Bộ Y tế cho rằng việc ký cam kết nhằm nâng cao trách nhiệm của hai bên trong thực hiện yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, đồng thời khuyến cáo người dân cần tiêm đúng lịch, đúng liều.
Trước thông tin một số địa phương yêu cầu người dân nếu không đồng ý tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 phải ký cam kết, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết việc tiêm vắc-xin Covid-19 là yêu cầu của phòng chống dịch. Mỗi người dân cần tiêm đúng lịch, đúng liều.
"Chúng ta biết ký cam kết là cam kết giữa 2 bên trong việc thực hiện trách nhiệm của mình, thể hiện đặt vai trò cao hơn nữa. Việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm giữa các bên là cần thiết, đặc biệt là giữa chính quyền và người dân để rõ hơn các hoạt động của mình"- GS Lân nói.
GS-TS Phan Trọng Lân khuyến cáo người dân tiêm đúng lịch, đủ liều
Ông Phan Trọng Lân cho biết đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khẳng định vắc-xin Covid-19 vẫn là chiến lược trong giai đoạn bình thường mới và giai đoạn tiếp theo, đặc biệt khi xuất hiện biến thể mới.
Với biến thể phụ mới của Omciron, theo GS Lân, vắc-xin Covid-19 vẫn có hiệu quả ứng phó với biến thể mới. Virus SARS-CoV-2 luôn tiến hoá, thậm chí tiến hóa khôn lường. Đến nay, thế giới đánh giá sự tiến hóa của virus trên 5 yếu tố: Sự lây lan, độ nặng, tăng sức chịu đựng lên đối với vắc-xin, giảm hiệu quả điều trị, chẩn đoán.
"Theo dõi 2 năm qua, chúng ta thấy nhiều lúc virus SARS-CoV-2 tiến hóa khôn lường. Từ chủng gốc bình thường, một đại dịch sẽ đi theo hướng tăng dần miễn dịch (miễn dịch do vắc-xin và do mắc phải) thì giảm dần xu thế của dịch, cuối cùng biến mất hoặc trở thành dịch lưu hành. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 tiến hóa khó lường"- GS Lân chia sẻ.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết Việt Nam đã trải qua các đợt dịch với các biến thể khác nhau, thậm chí biến thể Omicron có đến 5 biến thể phụ (trong đó biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn BA.1, BA.2). "Một điều chúng ta thấy qua các biến thể vừa rồi là vắc-xin có khác nhau trong đáp ứng với các biến thể, hiệu lực bảo vệ khác nhau nhưng nhìn chung vẫn giảm nhập viện nặng, giảm tử vong"- ông nói.
Trước đó, GS Lân cũng cho biết biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, có thể lấn át biến thể BA.2. Một số đánh giá nhỏ lẻ cho thấy biến thể này lây lan nhanh hơn. Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi.
Dù đã nhiều lần cân nhắc, xem xét việc đưa Covid-19 trở thành bệnh lưu hành nhưng tại dự thảo mới nhất, Bộ Y tế vẫn đề xuất Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Nguồn: [Link nguồn]