Kỳ bí vùng biển chôn vùi 4 tàu cổ vật
Xác những con tàu cổ đắm được tìm thấy ở Quảng Ngãi đều bị cháy.
Chỉ từ tháng 9/2012 đến nay, ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã liên tục tìm thấy 3 chiếc tàu cổ chứa cổ vật bị đắm chôn vùi dưới cát biển. Nếu tính cả con tàu khai quật vào năm 1999, cũng ở xã Bình Châu, thì đã có đến 4 xác tàu cổ chứa cổ vật bị đắm ở vùng biển này được tìm thấy. Vùng biển này được ví là “nghĩa địa” tàu cổ.
“Nghĩa địa” tàu cổ
Chiếc tàu cổ chứa cổ vật thứ 4 ở vùng biển xóm Châu Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn được ngư dân phát hiện trong ngày 19/8 làm cho nhiều người ngơ ngác, không hiểu sao dọc vùng biển xã Bình Châu lại có quá nhiều tàu cổ bị chôn vùi đến vậy.
Người dân khai thác cổ vật trên chiếc tàu cổ phát hiện hôm 19/8
Theo nguồn tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cũng trên vùng biển xóm Châu Tân, thôn Châu Me, vào năm 1999, một xác tàu cổ cùng nhiều cổ vật đã được tìm thấy. Ngành văn hóa Quảng Ngãi khi ấy thực hiện một cuộc khai quật và trục vớt được khá nhiều cổ vật, nhưng phần lớn bị vỡ vụn vì trước đó một số ngư dân đã dùng mìn đánh nổ tung tàu để lấy cổ vật.
Những xác tàu chứa cổ vật được tìm thấy ở Bình Châu giúp chúng ta bổ sung tư liệu quý về tàu cổ cho Việt Nam và cho cả thế giới. Nên tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để có thể giải mã một cách rõ ràng về “nghĩa địa” tàu cổ ở Bình Châu. TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam. |
Những món cổ vật được khai thác trên chiếc tàu cổ khai quật năm 1999 hầu hết là đồ gốm sứ như bát, dĩa, bình… vẽ hoa lam có niên đại từ thế kỷ 17, thậm chí có nhiều đồ đồng, nguyên liệu đồng, và có cả bình rượu bằng đồng. Không chỉ có cổ vật, người ta còn tìm thấy nhiều mẫu xương ngựa trên tàu, các vật dụng của thủy thủ đoàn như nghiên mực. Điều đặc biệt là, các món cổ vật thương mại trên tàu được xác định thuộc thế kỷ 17, còn vật dụng của thủy thủ đoàn lại ở vào thế kỷ 15. Có cả đồng tiền Vạn lịch trên tàu đắm.
Cũng trong năm 1999, ngành văn hóa Quảng Ngãi đã tổ chức một đội khảo sát, tìm kiếm tàu cổ từ khu vực cuối vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển (nơi có 2 con tàu cổ, một chiếc vừa khai quật và một chiếc mới phát hiện), tức từ khu vực Hòn Nhàn đến xóm Châu Tân của xã Bình Châu. Đội khảo sát tìm thấy và thu nhặt vô số mảnh gốm sứ thuộc nhiều triều đại khác nhau nên các nhà khảo cổ khi ấy phán đoán ở vùng biển này chắc chắn có rất nhiều tàu cổ bị đắm. Nhưng thời đó, thiết bị và phương tiện khảo cổ học dưới nước còn thô sơ, non kém nên việc tìm kiếm những xác tàu đắm không thể thực hiện được.
Trong thời gian ấy, nhiều người dân địa phương xã Bình Châu cho biết, chính các ngư dân Bình Châu đã bắt đầu săn lùng tìm kiếm cổ vật dưới biển bằng nhiều cách thức như lặn xuống đáy biển mò tìm hoặc dùng lưới cào thả xuống đáy biển rồi dùng tàu kéo tìm cổ vật. Họ cũng đã thu được vô số cổ vật còn nguyên vẹn và mỗi món thường có niên đại khác nhau. Đến mức, thời ấy hầu như nhà nào ở các thôn Phú Qúy, Châu Thuận Biển, Châu Me, không ít thì nhiều cũng trưng bày trong tủ nhà mình những món cổ vật tìm thấy ở biển. Vẫn chưa ai giải thích vì sao cổ vật và tàu đắm ở Bình Châu lại nhiều đến vậy.
Cổ vật được tìm thấy ở vùng biển Bình Châu
Hồi tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên, các nhà khảo cổ học trong nước tận mắt chứng kiến xác chiếc tàu cổ chứa hơn 4.000 cổ vật có niên đại từ thế kỷ 13, 14 chôn vùi dưới cát được phát hiện và khai quật trên vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu. Đó là một chiếc tàu dạng thuyền buồm của nhà buôn, dài khoảng 21m, có 12 khoang, 3 tầng, nhiều cổ vật trên tàu bị cháy sém.
Tuy nhiên, khi khai quật xong tàu cổ này, những câu hỏi về nguồn gốc của nó vẫn chưa được trả lời một cách rõ ràng. Cho đến nay, với 4 chiếc tàu cổ được phát hiện và bảo vệ chính thức, chưa kể những xác tàu mà ngư dân Bình Châu “ém nhẹm” khai thác trong nhiều năm qua, “nghĩa địa” tàu cổ Bình Châu vẫn là một vùng bí ẩn.
Xác tàu cổ được khai quật
Giải mã
Là một chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học, TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, rất “để tâm” đến câu chuyện “nghĩa địa” tàu cổ Bình Châu. Theo lý giải của TS Khôi với các phóng viên có mặt tại Châu Tân vào chiều 19/8, vùng biển Bình Châu có thể nằm trên trục “con đường tơ lụa” trên biển nên các tàu buôn khi hải hành đến đây thường ghé lại để lấy nước ngọt và tiếp tục hành trình.
Thêm nữa, các tàu buồm khi qua khu vực này nếu gặp bão, gió to sóng lớn thì khó có thể đi qua được mũi Ba Tân Gân của Bình Châu, nên buộc phải cho tàu neo trú lại ở vùng Vũng Tàu của Bình Châu. Ông Khôi suy đoán, các tàu buôn khi neo đậu ở đây có thể đã gặp nhiều biến cố dẫn đến chìm tàu như bị hỏa hoạn hoặc bão lớn, cướp biển…
Vùng biển Bình Châu được ví như “nghĩa địa” tàu cổ mà cho đến nay vẫn chưa thể giải mã rõ ràng
Một số chuyên gia khảo cổ học khác nhận định, vùng biển này có thể là nơi tập kết giao thương hàng hóa sầm uất thời xa xưa. Lúc đó các thương lái miền xuôi thường chở đến vải vóc tơ lụa, đồ gốm sứ… rồi sau đó bán buôn, trao đổi để lấy những món hàng khác từ vùng núi chuyển xuống.
TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng, có một điểm chung đối với những con tàu cổ bị đắm được phát hiện và tìm thấy ở vùng biển Bình Châu là đều bị cháy, mà cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Nhiều món cổ vật cháy kết dính lại với nhau.
Về nơi được coi là “nghĩa địa” tàu cổ đắm, TS Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhìn nhận, nhiều khả năng vẫn còn nhiều chiếc tàu tương tự bị đắm ở vùng biển Bình Châu. “Chúng tôi cũng đang khẩn trương phối hợp cùng với Công ty Đoàn Ánh Dương tổ chức khảo sát thăm dò dọc vùng biển này để tìm xác tàu đắm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi”, TS Vũ cho biết.