Kỳ bí những câu chuyện về nghĩa địa cá Ông
Nằm khuất giữa thị xã biển tấp nập ở xứ Nghệ là khu nghĩa địa độc đáo với nhiều sự tích kỳ bí: Nghĩa địa của cá Ông. Theo người trông coi thì nghĩa địa có từ khoảng 300 năm trước, đến thời điểm hiện tại là nơi an nghỉ của gần 100 cá Ông, loại cá được những ngư dân bản địa gọi với cái tên tôn kính là “Ngài”…
Nghĩa địa cá Ông (hay còn gọi là cá voi) nằm trong khuôn viên của đền Làng Hiếu, thuộc khối Hải Thanh, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Đền được xây dựng từ thời Lê, là nơi cư dân miền biển Cửa Hội chọn để thờ các vị thần như: Cao Sơn, Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoành Tá Thôn.
Đặc biệt, trong khuôn viên đền còn thờ cá Ông với quan niệm là vị thần của ngư dân miền biển. Cũng vì luôn tôn kính các “Ngài” nên từ bao đời nay, mỗi khi phát hiện xác cá Ông trôi dạt vào bờ, người dân đều đưa về đây chôn cất với tấm lòng thành kính. Cứ thế lâu dần trở thành nghĩa địa của cá Ông. Hiện trong khuôn viên đền có 88 ngôi mộ và 1 lăng chính, nơi an nghỉ thân xác 100 “Ngài” đã lụy vào vùng biển Cửa Hội, Cửa Lò trong khoảng 300 năm qua.
Người quản trang cần mẫn quét dọn, hương khói cho từng ngôi mộ cá Ông.
Trong số nhiều ngôi mộ cá Ông được chôn cất, hương khói tại đây, có một ngôi mộ đặc biệt hơn cả. Tương truyền, vào khoảng thế kỷ XIX, vùng Cửa Hội thường xuất hiện một con cá Ông to như chiếc tàu, đã cứu vớt được rất nhiều ngư dân bị nạn. Khi “Ngài” mất, xác trôi vào bờ, ngư dân trong vùng đã tổ chức lễ an táng vô cùng long trọng, theo đó, người dân phải dùng tới 61 đôi chiếu mới đắp vừa đủ thân “Ngài”.
Về sau, bộ xương của “Ngài” được cất táng vào lăng chính của khu nghĩa trang Ngư Ông trong khu vực đền Làng Hiếu cùng với 11 bộ xương cốt của 11 cá Ông khác. Đây cũng là khởi thuỷ của nghĩa địa cá Ông. Đây là phần mộ linh thiêng nhất trong toàn bộ nghĩa trang. Chính vì thế, không chỉ vào các ngày rằm, ngày đầu tháng mà trước mỗi chuyến ra khơi, những ngư dân trong vùng đều có thói quen đến nghĩa trang để thắp nén hương lên các phần mộ cá Ông. Họ cầu các ngài che chở để những chuyến ra khơi được bình an, may mắn. Qua nhiều thế hệ, trong tâm thức ngư dân nơi đây, cá Ông chính là thần Đông Hải luôn bảo vệ, nâng đỡ họ trước sóng gió của đại dương.
Theo ông Nguyễn Võ Hạ, người trông coi nghĩa địa đặc biệt này thì ngư dân nào phát hiện cá Ông chết hay lụy bờ đầu tiên sẽ là người chịu tang "Ngài" theo nghi thức đại tang trong gia đình. Ngoài việc an táng trọng thể, chu đáo và cùng gia đình chịu tang trong 3 ngày, người phát hiện "Ngài lụy" phải tiếp tục chịu tang trong vòng 2 năm 3 tháng tiếp theo. Đặc biệt, các cá Ông sau khi được phát hiện, được tổ chức an táng thì cũng giống như phong tục an táng người mất, sau 3 năm thì mới được cải táng, đưa vào khuôn viên Đền Làng Hiếu để thờ phụng.
Hiện, ngoài khu lăng mộ chính đang chứa xương cốt của "Ngài" cùng xương cốt của 11 con cá Ông khác thì còn có 88 phần mộ khác với tổng cộng 100 cá Ông đã được thờ phụng, chăm sóc tại đây. Sau nhiều năm, nghĩa trang đã được nâng cấp, toàn bộ khuôn viên được lát gạch men, các phần mộ được xây bằng gạch, quét sơn màu sáng, một số phần mộ được gắn bia, ghi tên của "Ngài", cùng thời điểm được phát hiện, chôn cất. Tên của "Ngài" được đặt theo họ của người phát hiện và thờ phụng.
Ông Hạ cũng cho hay, ngày nay, ngư dân đi biển với nhiều phương tiện, thông tin hiện đại để liên lạc với đất liền. Mỗi ngày, mỗi giờ ngư dân đều cập nhật tình hình thời tiết nên tránh được những hiểm họa từ thiên nhiên. Thế nhưng, trong tâm thức của các ngư dân, cá Ông vẫn là loài cá linh thiêng, là “vị thần” phù hộ cho họ được xuôi chèo mát mái. Vì thế, những tục lệ liên quan đến cá Ông đến ngày nay vẫn được mọi người duy trì, thực hiện bằng cả tấm lòng thành. Đó như là nét “di sản văn hóa miền biển” của ngư dân vùng Cửa Hội, Cửa Lò này.
Khuôn viên đền Làng Hiếu và nghĩa trang cá Ông tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An).
Không chỉ chia sẻ nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh cá Ông, người trông coi nghĩa địa đặc biệt này là ông Nguyễn Võ Hạ cho biết: Ông làm công việc này đã hơn 10 năm. Người dân khối Hải Thanh dường như cũng đã quen thuộc với hình ảnh mỗi sáng sớm, ông lại lọ mọ quét lá, rồi dùng khăn lau chùi các phần mộ của cá Ông một cách tỉ mẩn, bất kể trời mưa hay nắng.
Ông Hạ vốn là một ngư dân, gắn bó với những con sóng ngoài khơi theo nghề cha truyền con nối. Và biển cả đã giúp người đàn ông này không chỉ nuôi sống cả gia đình mà còn nuôi các con của ông ăn học, trưởng thành. Cũng như bao ngư dân khác, khi không còn sức để bám biển, ông nghỉ tay gác mái, an hưởng tuổi già. Nhưng năm 2012, người con trai thứ của ông mới 18 tuổi đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn. Mất mát lớn khiến người đàn ông vốn dạn dày sương gió phải chịu cú sốc tinh thần, ngày ngày ông Hạ tìm đến ngôi đền Làng Hiếu để tĩnh tâm.
Thời điểm này, thủ từ của ngôi đền xin nghỉ vì tuổi cao, chính quyền địa phương động viên ông kế tiếp nhang khói ở đây. Và ông Hạ trở thành "quản trang" của nghĩa địa cá Ông từ đó.
Ông Hạ cho biết: Hằng ngày ông quét dọn khu lăng mộ của các Ngài, mồng một và ngày rằm hằng tháng thì hương khói và hướng dẫn người dân đi lễ, thắp hương. Người quản trang già chia sẻ: Công việc cũng không có gì nặng nhọc nhưng cần sự thành tâm, tỉ mỉ, chu đáo. Với ông, được chăm sóc phần mộ của các "Ngài", không chỉ để tĩnh tâm lúc tuổi xế chiều, mà còn là góp phần gìn giữ nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân quê hương ông.
Cứ vào ngày 14/3 Âm lịch hằng năm, làng chài Cửa Lò lại tổ chức lễ nghinh Ông với sự tham dự của đông đảo ngư dân nơi và du khách tham dự. Đối với những người đã từng chịu tang cá Ông sẽ đem lễ vật cúng viếng. Người dân từ mọi miền đến đây luôn cầu mong được may mắn, bình an. Được biết, năm 2012, Đền làng Hiếu và nghĩa trang cá Ông đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích văn hóa cấp Tỉnh. Đến nay đền làng Hiếu và nghĩa địa cá Ông không chỉ là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hoá tâm linh của người dân vạn chài địa phương, mà đã trở thành một trong những điểm tham quan hút du khách bởi những câu chuyện kỳ bí về nghĩa địa cá Ông.
Nguồn: [Link nguồn]
Chùa Pháp Vân do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng xây dựng hiện đang giữ 3 kỷ lục Việt Nam về tượng Phật, bộ kinh và cặp kỳ lân.