KTS Trần Huy Ánh: Cầu "xứ Đông Dương"- danh xưng chưa từng có kiến trúc Việt

Sự kiện: Thời sự

Theo KTS Trần Huy Ánh, phương án kiến trúc cầu còn quá nhiều "hạt sạn", bên cạnh đó gọi tên “xứ Đông Dương” - danh xưng này chưa từng xuất hiện trong khoa học lịch sử nghệ thuật kiến trúc Việt Nam

Phương án kiến trúc cầu còn nhiều "hạt sạn"

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông mới đây đề xuất UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển “xứ Đông Dương”, kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp và bờ bắc - khu vực phát triển mới bắc sông Hồng. Phương án sẽ mang dáng vẻ cổ điển, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.

Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin này được công bố đã có không ít ý kiến trái chiều của các chuyên gia, kiến trúc sư, thậm chí trên các diễn đàn cũng tranh luận về thông tin này.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng - kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển "Xứ Đông Dương" gây nhiều ý kiến tranh cãi.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng - kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển "Xứ Đông Dương" gây nhiều ý kiến tranh cãi.

PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng phương án được tuyển chọn còn nhiều hạn chế, mắc những lỗi cơ bản về kỹ thuật và mỹ thuật?

KTS Trần Huy Ánh: Đúng vậy, phương án được tuyển chọn còn nhiều “hạt sạn”, cần phải xem xét lại.

Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, chiều cao của cây cầu vì sao lại thấp thế, theo phương án được chọn và công bố cầu có tĩnh không 4,75m, thấp hơn tĩnh không các cầu đã xây mới bắc qua sông Hồng như cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh trì; Cầu Thăng Long… đều có lưu không cao đến 11m. Cầu thấp thế thì sao đảm bảo lưu không để tàu lớn và các phương tiện vận tải thủy đi lại.

“Hà Nội có cầu Long Biên xây từ 1902 tĩnh không thấp do thời điểm đó chưa tính đến tàu lớn… nay cầu mới thì cơ quan nào đưa ra chuẩn tĩnh không thấp cho cầu Trần Hưng Đạo? Nếu thấp cũng được thì các cầu tĩnh không cao đã làm phải chăng là nhầm lẫn? Vì nhầm lẫn này kéo theo tốn đất làm cầu dẫn dài hàng ngàn mét, chi phí đầu tư cao hơn cầu thấp rất lớn”, KTS Trần Huy Ánh đặt câu hỏi.

Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, phương án vẽ cầu cao tại đây sẽ gây xung đột không lưu sân bay Gia Lâm, chân cầu có thể đặt tại một nửa phố Trần Hưng Đạo sẽ ảnh hưởng cảnh quan kiến trúc khu phố cũ trung tâm Hà Nội.

Việc thiết kế một cái cầu nổi dùng cho đường bộ nhưng lại xung đột trực tiếp với giao thông đường thuỷ, hàng không và phá ảnh hưởng cảnh quan kiến trúc đô thị có giá trị của Hà Nội đặt ra những nghi vấn về tiêu chuẩn xây cầu qua sông Hồng và năng lực của tư vấn vẽ cầu?

Về yếu tố thẩm mỹ của cây cầu, có rất nhiều bình luận về thẩm mỹ cầu mang tính “chắp vá, giả cổ” được nhiều chuyên gia mổ xẻ.

“Cá nhân tôi cho rằng người vẽ cầu này không hiểu gì về phong cách kiến trúc kết hợp công kỹ nghệ phương Tây với triết học Mỹ học phương Đông do KTS E Hébrad - giám đốc đầu tiên Nha Kiến trúc Quy hoạch Đông Dương khởi xướng qua tác phẩm bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ đầu tiên tại Hà Nội (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam - PV). Sau này phong cách này được các nhà khoa học lịch sử, khảo cổ, địa lý nhân sinh, kiến trúc sư, họa sĩ phát triển thành một trào lưu nghệ thuật (mà kiến trúc chỉ là một phần) sáng chói của Việt Nam trên thế giới…", KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

- Nhiều ý kiến cho rằng, cầu Trần Hưng Đạo không chỉ mang ý nghĩa về mặt giao thông, mà còn mang tính biểu tượng của Hà Nội. Vậy theo ông, việc hội đồng thông qua phương án đề xuất cây cầu mang phong cách cổ điển "xứ Đông Dương” có phù hợp hay không?

KTS Trần Huy Ánh: Trong nhận xét vẽ cầu Trần Hưng Đạo đã gọi tên “cổ điển xứ Đông Dương” - danh xưng này chưa từng xuất hiện trong khoa học lịch sử nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.

Hình thức cầu đã công bố chỉ là bản vẽ cắt ghép, chắp vá, copy mô phỏng vài hình mẫu cũ mòn làm vỏ bọc kết cấu cầu điển hình... nhưng những biến thể của cầu này còn cẩu thả, phi tỷ lệ, phi chuẩn thức lại được diễn giải ý nghĩa lịch sử văn hoá ngô nghê. Thực tế những phương án này đã từng công bố trước thời điểm Thành phố đã thu hồi dự án (tháng 5/2021) nay lại trưng ra vụng về.

Cần tổ chức thi tuyển kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

Với vai trò quan trọng của cầu Trần Hưng Đạo, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần tổ chức cuộc thi tuyển kiến trúc theo Luật Kiến trúc. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

KTS Trần Huy Ánh: Tất nhiên phải qua thi tuyển - nhưng còn lâu mới tới giai đoạn này. Hiện phương án đề xuất tuyển chọn từ một tư vấn duy nhất để xin chủ trương đầu tư. Hồ sơ họ có hoàn thành thì cũng chỉ làm cơ sở để đấu thầu được chọn làm chủ đầu tư.

Cầu ngầm Trần Hưng Đạo (City Solution đề xuất) phù hợp Quy hoạch GTVT 2016, khắc phục nhược điểm của phương án cầu “giả cổ” tĩnh không thấp, xung đột đường thủy và cầu tân thời: xung đột không lưu sân bay Gia Lâm.

Cầu ngầm Trần Hưng Đạo (City Solution đề xuất) phù hợp Quy hoạch GTVT 2016, khắc phục nhược điểm của phương án cầu “giả cổ” tĩnh không thấp, xung đột đường thủy và cầu tân thời: xung đột không lưu sân bay Gia Lâm.

Và khả năng họ cũng có thể bị loại với các chủ đầu tư khác thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đàm phán cạnh tranh theo điều 37, 38 Luật Đầu tư - văn bản của Sở KH&ĐT đã chỉ ra trách nhiệm bắt buộc với các bên liên quan như vậy. Khi được chấp nhận chủ trương và được giao làm chủ đầu tư thì mới bắt đầu tổ chức thi tuyển theo Luật Kiến trúc.

Nhưng mới ở giai đoạn khởi động này đã bộc lộ nhiều hạn chế năng lực, làm công chúng nghi ngại năng lực của chủ đầu tư về tiềm lực tài chính cũng như khả năng quản trị dự án.

- Việc phương án đề xuất dù đã qua tuyển chọn chỉ dùng để xin chủ trương đầu tư, chứ không phải để đưa vào thực hiện. Vậy cầu Trần Hưng Đạo muốn được các cơ quan chức năng xem xét phê duyệt thì cần điều kiện gì thưa ông?

KTS Trần Huy Ánh: Việc thông tin Hà Nội mới đây có văn bản “nhất trí với đề xuất phương án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo hơn 8.900 tỷ đồng đã tạo ra sự nhầm lẫn phương án đề xuất dù đã qua tuyển chọn chỉ dùng để xin chủ trương đầu tư, chứ không phải để đưa vào thực hiện.

Mặt khác, cả 3 phương án kiến trúc cầu nổi đề xuất có nhiều khác biệt và hạn chế so với phương án xây ngầm trong dự án Quy hoạch phân khu sông Hồng hoặc Quy hoạch chung Hà Nội 2030, tầm nhìn 2050.

Hà Nội đang triển khai điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Hà Nội 2030. Quy hoạch phân khu sông Hồng còn chưa có phương án phòng chống lũ, chưa phê duyệt, nay lại phê duyệt ngay cái cầu nổi này thì Quy hoạch sông Hồng (kèm theo phương án phòng chống lũ lụt) và Quy hoạch chung Hà Nội 2030 sẽ phải lập lại vì yếu tố đầu vào thay đổi? Câu hỏi đặt ra là Hà Nội sẽ điều chỉnh tổng quy hoạch chung theo lợi ích tích hợp, đa ngành theo Luật Quy hoạch 2017 hay điều chỉnh theo đề xuất riêng của doanh nghiệp?

Ngoài ra, chúng ta cũng cần xem xét tới năng lực, trách nhiệm công vụ của cơ quan tham mưu, cụ thể ở đây là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp cho chủ dự án những thông tin cơ bản ban đầu như thông tin về quy chuẩn tĩnh không, về những thông tin nghiên cứu ban đầu Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng hay Quy hoạch chung Hà Nội hiện có và những điều chỉnh mới đang triển khai... để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của chủ dự án cũng như các cơ quan khác.

Bên cạnh đó, dư luận cũng nghi ngờ chiêu trò kích cầu thị trường bất động sản “ảo”, giống như tình huống cầu Tứ Liên đã xảy ra trước đó...

Xin cám ơn ông!

Nguồn: [Link nguồn]

Tận thấy phong cách ”Xứ Đông Dương” trong thiết kế cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng

Tư vấn thiết kế vừa hoàn thành phối cảnh kỹ thuật hình ảnh cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng sau một số đóng góp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Phong ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN