Kon Tum lại liên tiếp xảy ra động đất
Những ngày gần đây, Kon Tum lại liên tục xảy ra động đất, tiếp tục gây ra những lo ngại cho người dân khu vực này để ổn định cuộc sống.
Chiều ngày 7/2, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý địa cầu phát đi bản tin động đất. Cụ thể vào lúc 09 giờ 31 phút 42 giây ngày 07/02/2023 (GMT) tức 16 giờ 31 phút 42 giây ngày 07/02/2023 giờ địa phương, tại tọa độ: 14.925 N-108.181 E khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra trận động đất có độ lớn 3.6, độ sâu chấn tiêu 8.1km.
Tại khu vực này vào ngày 4/1 cũng xảy ra trận động đất có độ lớn 3.0 vào lúc 16 giờ 10 phút 1 giây ngày 04/02/2023 (giờ Hà Nội), độ sâu chấn tiêu 8.8km. Ngày 5/1 tại đây tiếp tục xảy ra trận động đất mạnh 3.1 độ, độ sâu chấn tiêu 8km vào lúc 8 giờ 29 phút 37 giây ngày 5/02/2023.
Vị trí xảy ra những trận động đất liên tiếp ở Kon Tum
Liệu những trận động đất liên tiếp ở Kon Tum có bất thường? Tây Nguyên nói chung, trong đó có Kon Tum là khu vực có hoạt động địa chất tương đối yên tĩnh. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, ngay sau khi nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum phát điện, khu vực này xảy ra hàng trăm trận động đất có cường độ dao động từ 2.5-4.7.
Các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu nhận định, động đất liên tiếp thời gian qua ở khu vực này là động đất kích thích, liên quan đến hoạt động của hồ chứa thủy điện khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, Viện Địa vật lý ứng dụng, động đất kích thích có quy luật riêng của nó. Động đất có thể xảy ra dồn dập, sau đó yên ắng rồi có thể dồn dập, liên quan chặt chẽ đến chu trình tích nước của hồ chứa thủy điện.
Với động đất ở Kon Tum, PGS Cao Đình Triều cho rằng có thể xảy ra kịch bản như động đất kích thích ở sông Tranh 2. Động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Vì vậy, trong nhiều tháng tới, hoặc nhiều năm tới, Kon Tum vẫn sẽ ghi nhận các trận động đất.
Tuy nhiên, theo PGS Triều, một số nghiên cứu chỉ ra, động đất tự nhiên cực đại ở khu vực Kon Plông (Kon Tum) không vượt quá 5,5 độ richter. Vì vậy, động đất kích thích cực đại ít khả năng vượt quá 5 độ richter. PGS Triều cũng lưu ý, nền địa chất tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Plông bị phong hóa khá mạnh nên người dân cảm nhận được rung chấn khá rõ do động đất gây ra, kèm theo những tiếng nổ trong lòng đất.
Từ Tết Quý Mão đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp ghi nhận nhiều trận động đất. Khu vực Lai Châu cũng ghi nhận một trận động đất trong sáng nay (4/2).
Nguồn: [Link nguồn]