Kit xét nghiệm của Việt Á: WHO không chấp thuận, vẫn bán giá trên trời
Nhiều tỉnh, thành đã mua các bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á với giá rất cao dù WHO đánh giá sản phẩm "không đủ điều kiện"
Trái với thông tin được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) công bố trong một cuộc họp báo và đăng tải trong mục "Hoạt động Công đoàn" trên website chính thức vào ngày 5-5-2020 rằng: "Ngày 26-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) phối hợp nghiên cứu và sản xuất"; thực tế, sản phẩm này đã trượt vòng đánh giá Quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO.
Sản phẩm không đủ điều kiện
Báo cáo của WHO nêu rõ: "Sản phẩm: LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit - mã số EUL: EUL 0524‐210‐00 - Kết quả: Không được chấp thuận". Sản phẩm này tên đầy đủ là LightPower iVASARS‐CoV‐2 1stRT‐rPCR Kit đã được WHO đánh giá theo EUL và cấp mã số EUL 0524‐210‐00. Tuy nhiên, theo các thông báo công khai của WHO sau đó, việc cấp mã số này chỉ có thể hiểu là mã số cấp cho các sản phẩm đang trong quá trình được đánh giá. Kết quả đánh giá dành cho LightPower iVASARS‐CoV‐2 1stRT‐rPCR Kit đã được công bố công khai trong một tài liệu hiện vẫn nằm trên website who.int, đăng tải từ tháng 10-2020.
WHO khẳng định rằng sản phẩm này không đủ điều kiện để tham gia các chương trình mua sắm của WHO. Cụ thể, WHO đã yêu cầu Công ty Việt Á cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng của hệ thống quản lý chất lượng của họ.
Theo giải thích của WHO, EUL dựa trên rủi ro để đánh giá và liệt kê các vắc-xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán in vitro chưa được cấp phép với mục đích cuối cùng là xem xét khả năng tạm thời cung cấp các sản phẩm này cho những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: HẢI ANH
EUL sẽ như một tài liệu hỗ trợ các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên trong việc chấp nhận sử dụng và mua sắm các sản phẩm, dựa trên một bộ dữ liệu cần thiết về chất lượng, an toàn, hiệu quả và hiệu suất có sẵn.
Để được vào danh sách EUL, sản phẩm y tế sẽ được đánh giá dựa trên hệ thống quản lý chất lượng và kế hoạch giám sát sau khi cung ứng ra thị trường của nhà sản xuất, dựa trên các tài liệu cụ thể; đồng thời đánh giá các tài liệu về độ an toàn và hiệu suất của sản phẩm.
Công ty Việt Á được thành lập vào năm 2007, có trụ sở chính tại TP HCM, vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ với 80 triệu đồng. Tháng 4-2020, Công ty Việt Á công bố được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Công ty có năng lực sản xuất khoảng 10.000 bộ kit/ngày, con số này có thể gấp 3 - 4 lần khi cần. Giá của mỗi bộ kit từ 400.000 - 600.000 đồng. Như vậy, Công ty Việt Á đã công khai báo giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo quy định. Tuy nhiên, so với giá của một sản phẩm kit xét nghiệm khác cũng do Việt Nam sản xuất với tác dụng, phương pháp như nhau thì giá sản phẩm của Công ty Việt Á cao hơn 170.000 đồng/bộ.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết tháng 7-2020, Bộ đã yêu cầu tất cả công ty có kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Đến nay, đã có hơn 69.200 sản phẩm, hơn 93.200 kết quả đấu thầu được niêm yết giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm... Bộ Y tế đã cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán Covid-19, trong đó 60 loại test nhanh, 43 test RT-PCR, 28 xét nghiệm kháng thể.
Nghệ An chỉ định thầu trị giá 18,5 tỉ đồng
Ngày 20-12, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An - cho biết cũng như nhiều tỉnh, thành khác, Nghệ An có mua vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á chia làm 4 gói thầu. Trong đó, ngoài 2 gói được đấu thầu rộng rãi, có 2 gói chỉ định thầu trị giá hơn 18,5 tỉ đồng.
Theo ông Định, gói chỉ định thầu đầu tiên là ngày 15-7, khi diễn biến dịch ở Nghệ An đang hết sức phức tạp, phải khẩn trương xét nghiệm trên diện rộng. Gói chỉ định thầu còn lại là vào ngày 31-10, với tổng trị giá hơn 13 tỉ đồng. Ông Định cho biết quá trình mua sắm vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á cũng như các công ty khác đều đúng quy trình, trình tự, thủ tục. Thời điểm đầu CDC tỉnh Nghệ An mua của công ty này với giá 470.000 đồng/bộ kit xét nghiệm PCR, thời điểm sau mua với giá 367.000 đồng. Cũng theo CDC tỉnh Nghệ An, từ đầu đợt dịch đến nay, CDC tỉnh Nghệ An đã mua các vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á khoảng 28 tỉ đồng, 32 tỉ đồng mua của các đơn vị khác.
Cùng ngày, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết tháng 5-2021, CDC TP Đà Nẵng có đề xuất mua 70.000 bộ kit xét nghiệm LightPower của Công ty Việt Á với đơn giá dự toán 509.250 đồng/bộ. Đến ngày 2-7, Bộ Y tế cập nhật giá bán công khai sinh phẩm là 470.000 đồng/bộ cho đơn hàng dưới 500.000 bộ, 367.500 đồng/bộ với đơn hàng từ 500.000 đến dưới 1 triệu bộ. Sau đó, CDC TP Đà Nẵng đề xuất và Sở Y tế TP phối hợp các cơ quan liên quan trình UBND TP phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu, với tổng số lượng mua 200.000 bộ, đơn giá 367.500 đồng/bộ.
Ông Hồ Minh Nên, Giám đốc CDC tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đơn vị có 3 đợt mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á với giá thấp nhất là 367.000 đồng/bộ, cao nhất 509.000 đồng/bộ. Thời điểm mua là tháng 7 và 8-2021. Tổng giá trị mua hơn 5 tỉ đồng.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi rà soát việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch Covid-19, báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh sẽ thành lập đoàn thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng để thanh tra toàn diện về sử dụng kinh phí trong công tác phòng chống dịch của tỉnh.
Sáng 20-12, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho hay từ tháng 11-2020 đến nay, Quảng Nam không mua sinh phẩm, kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Riêng thời điểm trước đó, Quảng Nam có nhận được "tài trợ" từ công ty này.
Một đại diện của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Quảng Nam vào tháng 7-2020, Công ty Việt Á có cho Quảng Nam mượn 3 máy xét nghiệm RT-PCR đặt tại CDC tỉnh Quảng Nam, đến tháng 2-2021, Quảng Nam đã trả lại. "Máy của Công ty Việt Á thì phải chạy sinh phẩm của họ. Quảng Nam có mượn sinh phẩm, một số vật tư của công ty và được sự cho phép của UBND tỉnh, sau đó sẽ thực hiện mua sắm để trả lại" - vị này nói.
"Mua theo đúng quy định, đang làm báo cáo"
Chiều 20-12, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong đợt dịch vừa qua, đơn vị đã mua 1 lần gần 20.000 kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Mức giá mua hơn 367.000 đồng/bộ, với tổng số tiền khoảng 6 tỉ đồng. Gần đây, CDC tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tạm ứng một số bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á nhưng chưa thanh toán.
Lý giải vì sao chọn mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, bác sĩ Trí cho biết trước đó đơn vị tiếp nhận 1 máy xét nghiệm PCR từ một doanh nghiệp mua máy của Công ty Việt Á trao tặng. Khi các bộ phận chuyên môn trình hồ sơ mua kit xét nghiệm của đơn vị này, ông Trí thống nhất vì đây là doanh nghiệp Việt Nam, kit được sản xuất trong nước, sử dụng sẽ an toàn.
Cùng ngày, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, cho biết Lâm Đồng là một trong nhiều tỉnh, thành trên cả nước mua và sử dụng bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty CP Việt Á. "Tất cả hợp đồng mua sử dụng bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á đều thực hiện theo đúng quy định, hiện chúng tôi đang làm báo cáo" - ông Thuận cho biết thêm.
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, CDC tỉnh Lâm Đồng mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á với giá 350.000 đồng/bộ trong giai đoạn từ tháng 6 đến 8-2021. Hiện CDC tỉnh Lâm Đồng đang ngưng thanh toán, chờ cơ quan chức năng kết luận có hướng xử lý tiếp theo.
Còn đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết giai đoạn đầu do khan hiếm dụng cụ để phòng chống dịch Covid-19 và chỉ có Công ty Việt Á cung cấp nên đơn vị có mua bộ kit xét nghiệm Covid-19 của đơn vị này nhưng với số lượng rất ít. Sau đó nhận thấy có nhiều đơn vị chào hàng với giá thấp hơn nên không lấy của đơn vị này nữa.
Nhiều đơn vị được Sở Y tế tỉnh Bình Dương cấp phép đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR cũng khẳng định họ không lấy bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Sáng 20-12, phóng viên ghi nhận tại chi nhánh Công ty Việt Á (1/9A Quốc lộ 1, khu phố Bình Đường 2, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cửa cổng đóng kín nhưng bên trong chất đầy thiết bị y tế như máy làm lạnh, thùng đựng kit xét nghiệm và một số vật dụng y tế khác, ngoài ra có một số người đang kiểm tra các thiết bị, làm việc. Một người dân ở đây cho biết công ty này đóng trên địa bàn khá lâu, thời gian dịch bệnh vừa qua hoạt động rất nhộn nhịp. Một số ngày trở lại đây có rất nhiều xe lui tới nhưng chỉ thấy một số người đi vào phía trong, sau đó đóng cửa lại.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chỉ sau TP HCM, đặc biệt, trong lúc cao điểm của dịch bệnh, địa phương liên tục xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Cùng ngày, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, cho biết sau khi có thông tin Công ty Việt Á từng cung cấp kit xét nghiệm Covid-19 tại Long An, sở đã rà soát có 4 đơn vị trong tỉnh mua kit xét nghiệm của công ty này gồm: CDC tỉnh Long An, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Long An, BVĐK khu vực Hậu Nghĩa và BVĐK khu vực Cần Giuộc. Trong đó, CDC tỉnh mua 2 lần với số lượng 10.000 kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á (mỗi đợt 5.000 bộ), với giá 470.000 đồng/bộ.
Chiều 20-12, đại diện Sở Y tế TP Hà Nội cho biết năm 2021, CDC TP Hà Nội không mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Trong năm 2020, CDC TP Hà Nội được nhận một số kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ các nhà tài trợ thông qua Ủy ban MTTQ thành phố.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề sử dụng kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á tại TP HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách HCDC, khẳng định thời gian qua, HCDC không mua và sử dụng kit xét nghiệm của công ty này. Theo ông Tâm, trong thời gian HCDC tổ chức đấu thầu mua bán vật tư, trang thiết bị y tế, Công ty Việt Á có đến chào bán kit xét nghiệm nhưng giá quá cao nên HCDC từ chối.
Bộ Y tế cho biết ngày 20-12, nước ta ghi nhận 14.977 ca mắc mới tại 61 tỉnh, thành; trong đó có 9.000 ca ở cộng đồng. Trong ngày, có 1.937 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người được điều trị khỏi lên 1.109.899. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.615 ca. |
TP HCM kiểm tra mua các loại kit xét nghiệm Covid-19 UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Sở Y tế và Thanh tra thành phố tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Theo đó, UBND TP HCM giao Sở Y tế tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành và các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Y tế tại Văn bản 7952 về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về phòng chống dịch Covid-19 và Công văn 8151 về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19... Ph.Anh |
Bộ Khoa học và Công nghệ nhận sai sót Ngày 20-12, trên website của Bộ KH-CN, thông tin công bố đánh giá của WHO và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á đã bị gỡ bỏ. Giải thích việc này, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các khối ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN, thừa nhận bộ đã chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Trả lời câu hỏi về việc kit xét nghiệm không được WHO chấp thuận nhưng vẫn đưa sản phẩm này vào sử dụng từ tháng 3-2020 đến nay, ông Hùng cho rằng việc WHO chấp nhận hay không chấp nhận độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế. Y.Anh |
Nguồn: [Link nguồn]
Theo danh sách "SARS‐CoV‐2 IVDs: sản phẩm không được chấp thuận cho EUL" đăng tải trên website chính thức của Tổ...