Kính vỡ ở Keangnam: Không phải tự rơi
Chiều 9/8, nhiều tấm kính lớn đã bất ngờ rơi vỡ từ tầng 22 của tòa tháp 72 tầng thuộc tòa nhà Keangnam (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội), vị trí rơi là sảnh tòa nhà tiếp giáp với mặt đường Phạm Hùng.
Ngày 10/8, ông Trần Xuân Trạch, đại diện tổ dân phố tòa nhà Keangnam, cho biết vị trí các tấm kính rơi xuống là sảnh chính của tòa tháp chính, hằng ngày có rất đông người qua lại, mặt đường Phạm Hùng tiếp giáp cũng có rất nhiều phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra lúc trời mưa to gió lớn nên may mắn không có thiệt hại về người. Hiện chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà đã phong tỏa hiện trường để khắc phục sự cố. Tòa tháp 72 tầng này do chủ đầu tư và ban quản lý người Hàn Quốc điều hành, quản lý.
Từ sự cố trên, dư luận người dân đặt vấn đề “Kính sử dụng cho các tòa nhà cao tầng có đảm bảo an toàn?”. Ông Bùi Trung Dung - phó cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết quy định an toàn trong sử dụng kính cho công trình nhà ở và công trình công cộng luôn được Bộ Xây dựng chú trọng và ban hành quy định từ lâu.
Nhiều tấm kính lớn tại tòa nhà Keangnam đã bị rơi, vỡ - Ảnh: Nguyễn Khánh
Theo các quy định hiện hành, kính sử dụng làm cửa và lắp bên ngoài các tòa nhà phải là loại kính an toàn. Kính tại các nơi có người thường xuyên lui tới bên trong hoặc xung quanh công trình phải đáp ứng một trong các yêu cầu tối thiểu: được bảo vệ tránh va đập; có thể chịu được tác động va đập mà không bị vỡ; nếu bị vỡ do va đập thì không gây nguy hiểm cho người sử dụng...
Với sự cố vỡ kính tại tòa nhà Keangnam, ông Dung cho biết kiểm tra ban đầu cho thấy các tấm kính bị vỡ là do sơ suất của công nhân thực hiện công tác bảo trì định kỳ. Thời điểm đó, công nhân bảo trì dùng thang để vệ sinh bên ngoài lớp kính và gặp trận mưa dông lớn khiến thang va đập vào các tấm kính làm kính bị vỡ, chứ không phải các tấm kính tự rơi. Tuy nhiên, do loại kính này là kính an toàn nên vỡ thành những mảnh nhỏ, không có cạnh sắc nên độ sát thương không cao và không gây thương tích cho người nào tại thời điểm đó.
Về chất lượng thi công tòa nhà Keangnam, ông Dung cho biết ngay từ đầu thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ đã giao Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra chất lượng công trình vì đây là công trình cao nhất VN và áp dụng nhiều công nghệ thi công mới.
Qua kiểm tra, các chuyên gia đánh giá việc thi công và vật liệu sử dụng cho tòa nhà là phù hợp, đạt chất lượng, thậm chí có những hạng mục còn đạt mức độ cao hơn so với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Riêng phần kính an toàn lắp trong tòa nhà được tư vấn yêu cầu thí nghiệm độc lập từ nước ngoài, khi chuyển về VN còn kiểm định độc lập một lần nữa trước khi lắp.
“Các tấm kính lắp đặt cho công trình này được gắn bằng loại keo rất chắc chắn của Mỹ sản xuất, sau đó hút chân không để ép vào nên thực tế rất khó rơi mà chỉ bị vỡ do tác động bên ngoài” - ông Dung cho biết.