Kinh nghiệm giảm tử vong do Covid-19 ở Bình Dương
Chăm sóc kỹ các ca F0 tại nhà, bố trí nhân lực điều trị sớm những ca mắc Covid-19 ở cơ sở, tập trung điều trị ca nặng... là những chiến lược thành công giảm tỉ lệ tử vong ở Bình Dương
Trong ngày 30-8, tỉnh Bình Dương ghi nhận 6.050 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 lên 110.258 ca, có 2.328 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh.
Điều trị sớm từ cơ sở
Tính đến ngày 27-8, toàn tỉnh Bình Dương có 24 khu điều trị bệnh nhân Covid-19, với số giường đáp ứng điều trị gần 19.000 người. Hiện tỉnh này đang điều trị tập trung cho 16.349 bệnh nhân, đã có 716 người tử vong.
Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiêm được 801.601 liều (gồm 767.020 mũi 1 và 34.581 mũi 2) vắc-xin Covid-19. Năng lực điều trị của Bình Dương đang gặp áp lực rất lớn, hệ thống y tế bị quá tải... Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, để bảo vệ "vùng xanh", việc thực hiện nghiêm 5K và tiêm vắc-xin là giải pháp hữu hiệu để tạo miễn dịch trong cộng đồng góp phần giảm ca bệnh, giảm tỉ lệ tử vong. Dự kiến trong thời gian tới, số ca mắc Covid-19 có thể lên 150.000 ca. Ngoài việc tiếp tục áp dụng các giải pháp phòng chống dịch đã triển khai, tỉnh tiếp tục chiến dịch xét nghiệm diện rộng đợt 2, 3; tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 21, 22 với 265.000 liều, nhất là những "vùng đỏ".
Lập bệnh viện dã chiến tuyến 2 điều trị Covid-19 ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: THÀNH ĐỒNG
BS chuyên khoa II Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên, cho biết số bệnh nhân công bố khỏi bệnh của tỉnh Bình Dương trong các ngày gần đây ở nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ và trung bình liên tục tăng nhanh là nhờ tăng cường nhân lực của trung tâm vào hệ thống điều trị; giám sát chặt chẽ người bệnh, không để bệnh nhân trở nặng mà thầy thuốc không được biết; thực hiện đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Ngoài ra, tỉnh đang tiếp nhận thông tin về người bệnh từ nhiều nguồn, sau đó cử người xuống sơ cứu cấp cứu ngay, tiến hành thu dung, phân loại điều trị. Nếu nặng, họ sẽ được chuyển lên tuyến cao hơn nên cũng đã giảm được số ca tử vong. "Phương châm chuyển từ tập trung sang vừa tập trung vừa phân tán, điều trị ngay từ cơ sở, tuyến trên tập trung điều trị các ca nặng mang lại hiệu quả. Muốn giảm số ca tử vong thì phải phát hiện F0 sớm, chữa trị từ cơ sở" - BS Huỳnh Minh Chín đúc kết.
Khống chế tỉ lệ tử vong
PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bình Dương, cho rằng hệ thống điều trị theo mô hình "tháp 3 tầng" của tỉnh Bình Dương đang đi đúng hướng. "Chúng tôi đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để người dân được khám chữa bệnh kịp thời. Các phương án đã, đang được triển khai như mở rộng hệ thống bệnh viện dã chiến; tập trung nhân lực cho điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện thuộc tầng 2; đưa vào sử dụng bệnh viện hồi sức cấp cứu ở tầng 3 - tầng điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch" - PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu thông tin.
Những ngày qua, số bệnh nhân công bố khỏi bệnh của Bình Dương ở tầng 2 - nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ và trung bình - liên tục tăng nhanh, các bệnh viện tầng 2 được giảm tải. "Một điều rất rõ là tỉ lệ tử vong bệnh nhân đã được khống chế, không như những ngày đầu chống dịch, khi quá tải y tế tầng 2 sẽ có những ca tử vong rất đáng tiếc" - PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.
Đặc biệt, ông cho rằng chủ trương đưa y tế xuống tận xã, phường để điều trị sớm bệnh nhân Covid-19, quản lý sớm người bệnh là chủ trương hết sức đúng đắn. Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại y tế cơ sở giúp xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ ngay tại tuyến dưới, góp phần giảm tỉ lệ tử vong của tỉnh Bình Dương. Thời gian qua, Bình Dương đã triển khai thành lập các trạm y tế tại chính các điểm thu dung, tại các khu cách ly, các bác sĩ, trang thiết bị, thuốc men được tăng cường.
Để giảm số bệnh nhân nặng, sau khi xét nghiệm Covid-19 âm tính, khỏe mạnh ở ngày thứ 7, bệnh nhân nên được cho về nhà tiếp tục theo dõi và giám sát y tế chặt chẽ. Khi bàn giao người dân về nhà phải thực hiện đúng quy trình, có giao nhận, thực hiện cách ly nghiêm ngặt, đồng thời cung cấp đầy đủ túi thuốc an sinh cơ bản và thực phẩm thiết yếu. Cùng với đó, khi bàn giao người dân về nhà tiếp tục cách ly y tế, nhân viên y tế cơ sở phải thường xuyên liên lạc bằng các phương tiện hiện có như kết nối mạng xã hội, điện thoại để nắm chắc tình hình sức khỏe. Nếu có điều kiện thường xuyên kiểm tra ôxy máu bằng máy đo SpO2 cầm tay. Tuyệt đối không để người dân không được theo dõi y tế.
Bộ Y tế cho biết ngày 31-8, cả nước ghi nhận 12.607 ca mắc mới, trong đó 7.231 ca trong cộng đồng. Số liệu cụ thể: TP HCM 5.444, Bình Dương 4.530, Đồng Nai 634, Long An 587... Trong 24 giờ qua, số ca mắc ghi nhận trong nước giảm 1.628 ca: TP HCM giảm 445 ca, Bình Dương giảm 1.520 ca... Trong ngày, có thêm 10.044 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 238.860.
Kiểm tra điểm nóng chống dịch ở Hà Nội Chiều 31-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra đột xuất một số điểm nóng về dịch Covid-19 ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội và dự lễ khánh thành Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 500 giường tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Từ ngày 1-9, Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại quận Hoàng Mai chính thức đi vào hoạt động sau 1 tháng thi công. Đây là bệnh viện Covid-19 đầu tiên sử dụng hệ thống điều hòa không khí một chiều cho phòng điều trị bệnh nhân Covid-19. Đầu mỗi giường bệnh có hệ thống hút khí thải từ bệnh nhân, một màng lọc chuyên dụng được đặt tại lỗ hút khí để giữ lại virus, sau đó tia cực tím sẽ xử lý số virus này. Đây là thiết bị đặt riêng, công suất tương đương 800 máy điều hòa dân dụng thông thường, kết hợp với 360 máy lọc không khí. Ngoài ra, một đội ngũ kỹ thuật viên và bác sĩ, chuyên gia tư vấn y tế đã kết hợp hệ thống thông gió một chiều với quạt hút khí thải tại từng giường, tránh phát tán virus và chống lây nhiễm chéo. Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu - kiêm Giám đốc Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội, bệnh viện hoạt động với 2 mục tiêu: Tuyến cuối trong tháp điều trị người bệnh Covid-19 tại Hà Nội cùng một số tỉnh, thành phía Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn) và thực hiện chức năng Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) Covid-19 quốc gia. Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm, động viên các y - bác sĩ và một số khách sạn tham gia cách ly y tế tại TP HCM. Phó Thủ tướng cho biết dù ngành du lịch đang hết sức khó khăn nhưng vẫn chung tay với thành phố, với cả nước trong công tác phòng chống dịch là việc rất đáng ghi nhận. Phó Thủ tướng nhìn nhận đội ngũ nhân viên các khách sạn phục vụ y - bác sĩ cũng là lực lượng tuyến đầu, chăm lo để đội ngũ y - bác sĩ yên tâm lưu trú, có sức khỏe tốt là đóng góp trực tiếp vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19. B.H.Thanh - H.Nghi |
Nguồn: [Link nguồn]
Nếu tính trên tổng số ca điều trị tại bệnh viện là 158.262 thì tỷ lệ tử vong là 5,8%. Nhưng nếu cộng thêm hơn 59.000...