Kinh ngạc thú chơi mô hình quân sự

"Mô hình quân sự" là thú chơi mặc dù xuất hiện từ lâu ở các nước nhưng tương đối mới mẻ đối với nhiều người Việt Nam.

Dân chơi mô hình quân sự thuộc diễn đàn Mô hình tại Hà Nội vừa có cuộc gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Kinh ngạc thú chơi mô hình quân sự - 1

Mô hình chiếc xe tăng tham gia mặt trận Tây Nguyên

Xuất hiện từ lâu trên thế giới và có mặt ở Việt Nam nhiều năm nay, song thú chơi mô hình quân sự vẫn tương đối mới mẻ đối với số đông người Việt. Thực ra, dân chơi mô hình không hoàn toàn coi đây chỉ là một thú chơi. Ở một trình độ cao hơn, họ coi đây là môn nghệ thuật đặc sắc với đủ cung bậc sáng tạo. Người chơi phải có con mắt mỹ thuật để tái hiện sống động các phương tiện, vũ khí, khí tài, con người trong thực tế thành mô hình với nhiều tỷ lệ khác nhau như: 1/35, 1/48, 1/72...

Kinh ngạc thú chơi mô hình quân sự - 2

Mô hình Pháo tự hành M107 (còn được mệnh danh Vua chiến trường sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam) được làm từ hàng trăm miếng nhựa. (ảnh: Mohinh.net)

Kinh ngạc thú chơi mô hình quân sự - 3

Xích xe Pháo tự hành M107 được sơn phủ và làm cũ rất tỉ mỉ (ảnh: Mohinh.net)

Cái khó của môn chơi này không chỉ nằm ở việc ghép hàng trăm, hàng nghìn chi tiết nhựa nhỏ thành xe tăng, máy bay, tàu thuyền... Kỹ năng và khiếu thẩm mỹ của từng người sẽ cho ra đời những tác phẩm mô hình thực thụ, giống hệt ngoài đời thực.

Một chiếc xe tăng chiến đấu trong thực tế sẽ chịu tác động của yếu tố thời tiết, khí hậu: sa mạc, tuyết, bùn lầy, đất đỏ... Do vậy, chiếc xe tăng mô hình phải diễn tả được những vệt gỉ sét, màu sắc gỉ sét, cát bụi và mức độ ăn mòn kim loại... do tác động của yếu tố thời gian, thời tiết, khí hậu trên từng chiến trường. Một người chơi mô hình chuyên nghiệp còn phải đọc rất nhiều tài liệu, xem rất nhiều phim ảnh để mô phỏng chính xác loại phương tiện, vũ khí khí tài, binh lính... gắn liền với một thời điểm lịch sử.

Kinh ngạc thú chơi mô hình quân sự - 4

Bề mặt nhựa được người chơi phối màu tạo thành vết gỉ sét trông như kim loại thật (ảnh: Mohinh.net)

Trong giới mô hình, người chơi cũng chia thành nhiều dòng, nhiều thời kỳ. Có người thích làm mô hình vũ khí, khí tài quân sự, binh lính thời kỳ chiến tranh Thế giới thứ hai (WWII), người thích làm mô hình thời kỳ chiến tranh Việt Nam... Đỉnh cao của môn chơi này là sa bàn. Người chơi có thể tái hiện một trận đánh lớn trong lịch sử chiến tranh bằng một sa bàn với đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, vũ khí chiến đấu...

Kinh ngạc thú chơi mô hình quân sự - 5

Mô hình thùng phuy (ảnh: Mohinh.net)

Kinh ngạc thú chơi mô hình quân sự - 6

Mô hình sa bàn một chiếc xe tăng bị bắn cháy (ảnh: Mohinh.net)

Tại buổi gặp mặt, các thành viên đã mang đến mô hình những chiếc xe tank và máy bay chiến đấu nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam và nhiều khí tài quân sự hiện đại khác như tàu chiến, pháo tự hành, xe bán tải...

Tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh là nơi lần đầu tiên du nhập thú chơi lắp ghép "mô hình quân sự". Đây cũng là nơi phong trào chơi mô hình quân sự phát triển mạnh nhất. Ở miền Bắc, số người chơi hầu như chỉ tập trung tại Hà Nội với khoảng 40 người.

Kinh ngạc thú chơi mô hình quân sự - 7

Kinh ngạc thú chơi mô hình quân sự - 8

Các thành viên mang đến buổi gặp mặt nhiều mô hình vũ khí, khí tài quân sự

Điều đặc biệt, phần lớn dân chơi mô hình quân sự đều ở độ tuổi trung niên, trong đó có những người từng sống qua một thời khói lửa. Tuy nhiên, trên diễn đàn của người chơi mô hình cũng có những thành viên nhỏ tuổi đang là học sinh phổ thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thư Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN