Kinh ngạc thông tin về “vật lạ” tiền tỷ trong bao tử heo

Không ít ý kiến cho rằng: “Cát lợn” thực chất chỉ là viên sỏi trong cơ thể con lợn và không phải là một vị thuốc quý như lời đồn. Tuy nhiên, một số thầy thuốc Đông y nổi tiếng lại khẳng định đó chính là vị thuốc rất quý, có tác dụng chữa bệnh rất tốt.

Kinh ngạc thông tin về “vật lạ” tiền tỷ trong bao tử heo - 1

Vật thể lạ đang được nghi là “cát lợn” tại gia đình bà Trần Thị Mai.

Ngày 20/4 vừa qua, gia đình bà Trần Thị Mai (Trung Châu B, Đan Phượng, Hà Nội) mổ lợn nái và phát hiện trong dạ dày lợn có một vật thể lạ: Vật thể rất cứng, nặng 0,55 kg, có lông bao bọc xung quanh và đặc biệt là có mùi thơm như thuốc Bắc. Thấy lạ, gia đình bà giữ lại và sau đó tìm hiểu trên mạng thì đoán rằng đó chính là “cát lợn”.

Vật thể lạ có phải “cát lợn” giá trị cao?

Ngày 4/5, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Mai cho biết: “Lợn nhà tôi nuôi toàn bằng ngô, cám gạo nên rất sạch. Hôm đó, lợn đẻ xong thì yếu do mất nhiều máu, không thể cứu nổi nên buộc lòng tôi phải thịt. Khi mổ lợn thì phát hiện trong dạ dày có cục gì cứng cứng, mang ra rửa sạch thì lại ngửi thấy mùi rất thơm của thuốc Bắc…”.

Theo quan sát của PV, vật thể lạ này có lông xám bao bọc đều xung quanh và có mùi thuốc Bắc, dùng tay cậy vào bề mặt thì hiện ra chất bột màu vàng. Gia đình bà Mai cho hay: Lúc còn tươi thì mùi thuốc Bắc rất rõ nhưng đến nay thì mùi nhẹ hơn, đồng thời màu lông cũng bắt đầu ngả màu vàng.

Theo như thông tin bà Mai cung cấp cho PV thì con lợn nái này đã nuôi được 8 năm, đã đẻ nhiều lứa, nặng hơn 200 kg, sức khỏe rất ổn định và đến khi chết vẫn không hề có biểu hiện gì bất thường.

Thông tin tìm hiểu cho thấy, nước ta rất hiếm trường hợp phát hiện ra “cát lợn”. Có trường hợp gần đây nhất là anh Phan Lạc Hùng (Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội) cũng phát hiện ra vật thể tương tự. Gia đình bà Mai đã tìm hiểu được thông tin một trường hợp “cát lợn” được tìm thấy ở Trung Quốc (năm 2015) đã bán với giá rất cao - tương đương 21 tỷ đồng tiền Việt Nam.

“Cát lợn” được tìm thấy ở Trung Quốc có giá rất cao vì được cho là một vị thuốc rất quý. Nhiều nguồn tin cho hay, đây là sỏi mật ở lợn có giá trị cao trong y học vì loại sỏi này có tính mát, vị ngọt và có tác dụng với tâm, can. Theo thông tin trên trang web ECNS, Youth.cn của Trung Quốc thì “cát lợn” còn được bán với giá khoảng 10.000 nhân dân tệ/gram (35 triệu đồng/gram).

Tuy nhiên, ở nước ta do đặc điểm hiếm gặp nên dường như vẫn chưa có những thông tin nghiên cứu thật chính xác về vật thể lạ này. Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) thì hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu về vật thể này. Vì vậy, điều mà cả gia đình bà Mai và nhiều người dân đang băn khoăn chính là liệu đây có đúng là “cát lợn” hay không, có thực sự mang giá trị y học và kinh tế cao như vậy hay không?

Trả lời về các vấn đề này, một số chuyên gia y tế, sức khỏe trong nước đã đưa thông tin giải đáp cho người dân. GS.TS Trần Quốc Bình - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, ông Nguyễn Hồng Xiêm - Chủ tịch hội Đông y TP Hà Nội và lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung đều đồng quan điểm: “Cát lợn” thực chất chỉ là cục sỏi bệnh tích tụ lại trong cơ thể lợn và không có giá trị chữa bệnh.

Là hoàng đan trong lợn như trai nhả ngọc?!

Với các từ khóa “Cát lợn chữa bệnh”, “Trư sa” trong các công cụ tìm kiếm trên Internet, xuất hiện hàng loạt thông tin mà hầu hết đều viết đây là một vị thuốc quý. Thậm chí, có địa chỉ website của một công ty dược phẩm ở Việt Nam thu mua loại vật thể lạ này.

Để tìm hiểu rõ hơn, PV Báo Gia đình & Xã hội đã trao đổi thêm với một số chuyên gia Đông y và kết quả hoàn toàn ngược chiều với những thông tin đã đăng tải trên báo chí trước đó về “cát lợn”.

Lương y Phùng Tuấn Giang (nhà thuốc Thọ Xuân Đường, Hà Nội – truyền thống 16 đời với 400 năm nghề thuốc) khẳng định với PV: “Nếu vật thể là “cát lợn” thật thì đúng là được dùng làm thuốc, nhưng vì rất quý nên không được sử dụng rộng rãi. Đó cũng là một viên dạng sỏi trong dạ dày, tương tự như sỏi trong một số loài khác như: cá, nhím, bò… Trên thế giới đánh giá “cát lợn” chính là một loại thuốc rất quý, được cho rằng có thể phát ra năng lượng và chữa một số bệnh nan y, tuy nhiên tính áp dụng chưa cao”.

Đồng quan điểm, lương y – BS Nguyễn Thị Phương (Đông y gia truyền Đan Phương, Hà Nội - hậu duệ đời thứ 16 của cố ngự y Phúc Phương Đường) trao đổi với PV: “Cát lợn” – “Cát” là “lành”, còn có tên khác là “Cát hoàng trư” (Hoàng – vàng, trư – lợn). Cái này chữa bệnh hay và mùi rất thơm. Đúng là có những con heo… “hay” như vậy đấy! Nhưng phải đến vài nghìn con mới may ra có 1 con mang “Cát hoàng trư”. Trong quá trình ăn, tự bản thân con lợn đó tiết ra một loại tố chất đặc biệt, tích tụ lại dần dần tạo thành một viên hoàng đan, cũng giống như có con trai có thể “nhả” ra ngọc hay một người phụ nữ tự có mùi thơm... Tuy nhiên, ở nước ta thì ít người biết dùng đến thứ này, chỉ có ở Trung Quốc thì họ bào chế thôi”.

Vì vậy, vị lương y này cũng phủ định ý kiến cho rằng “cát lợn” hình thành là do thức ăn không tiêu mà tích tụ lại. Bà Phương cho biết thêm, “cát lợn” chính là một vị thuốc – “xưa như Trái Đất rồi”, từ sách cổ ở thời xưa đã có. Nhưng vì là “điềm lành nên người ta thường giữ lại để trưng”?.

Đáng chú ý, đây chính là vị thuốc có công dụng giải độc rất tốt, cụ thể là độc phụ tử và mã tiền. “Trong tất cả mọi thứ, heo mà cho ăn mã tiền thì không bao giờ chết – đây là điều mà các cụ trong gia đình tôi đã truyền lại. Đồng thời, vị thuốc này còn có thể chữa biếng ăn ở trẻ nhỏ, chữa hôi miệng “rất hay”. Nói về độ quý hiếm của “cát lợn”, bà Phương đánh giá: “Cái này giải độc tốt lắm nên giá cả có đắt đỏ chính là ở đó. Có thể nói là quý như…sừng tê giác vậy!”(?).

“Mỗi loại sỏi ở các động vật khác nhau thì có tác dụng khác nhau. Nhưng nói chung những phương thuốc đã kết thành dạng sỏi thì thường có giá trị chữa bệnh về thần kinh, trấn kinh rất tốt, nhất là những viên sỏi tỏa ra mùi thơm. Đối với “cát lợn”, thế giới đánh giá rất cao và có giá rất đắt, tuy nhiên tôi nghĩ vẫn phải xem xét chính xác về mặt thông tin có đúng là “cát lợn” thật hay không; đồng thời nếu muốn mua thì cũng phải phục vụ đúng mục đích, nếu chỉ vì quý và hiếm thôi thì không nên…”, lương y Phùng Tuấn Giang nói.

Thông tin từ phía gia đình vừa phát hiện được “cát lợn”: Hiện, vật thể này đang được bảo quản ở nơi thoáng mát. “Tuy chưa rõ về giá trị y học và kinh tế nhưng nếu có thì cũng xem như là lộc trời ban cho nhà tôi; hôm con lợn này chết, chúng tôi gọi thương lái năm lần bay lượt đều không thành, cuối cùng tự gia đình và anh em cùng mổ thịt thì phát hiện ra… Con lợn vốn ngoan và khỏe mạnh thế mà tự dưng chết, tôi buồn và khóc mấy hôm nay! Cũng có nhiều người đến hỏi mua nhưng chúng tôi chưa muốn bán vì muốn được làm rõ thêm”, bà Mai chia sẻ.

Liên hệ với Công ty TNHH Thảo dược Maphaco – đơn vị có thu mua dược liệu “Trư sa cát lợn”, đại diện công ty này thông tin với PV: “Chúng tôi phải cắt đôi ra thì mới biết, nếu như bên trong toàn lông lợn thì không phải, nếu mà có lòng như quả trứng thì đó mới là “cát lợn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nông Thuyết (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN