Kinh hoàng những “quả bom di dộng” phát nổ

Sự kiện: Tin nóng Thời sự

Chùm bóng bay đã phát nổ ở nhiều nơi, trong mọi sự kiện khiến không ít người bị cháy xém tóc, mặt và tay, chân đều biến dạng.

5 người nhập viện sau bữa tiệc mừng thọ

Kinh hoàng những “quả bom di dộng” phát nổ - 1

Mặt chị M.cháy xém, biến dạng do bóng bay phát nổ

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân bị bỏng do bóng bay phát nổ ngày 26/2.

Cả 5 bệnh nhân này đều ở phố Hàng ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đáng chú ý là trường hợp bệnh nhân nữ D.T.M (34 tuổi) bị bỏng rộng vùng mặt, tay vì nổ chùm bóng bay. Ngoài ra, có 4 người khác bị ảnh hưởng bởi vụ nổ bóng này nhưng nhẹ hơn.

Theo người nhà chị M., sau bữa tiệc mừng thọ một người thân, chị M. gom bóng lại để chia cho trẻ nhỏ chơi.

Trong lúc chị M. lấy chùm bóng ra khỏi túi thì cả chùm phát nổ và bùng vào mặt và tay khiến chị bỏng nặng. 4, 5 người khác đứng xa hơn nên chỉ bị bỏng ở tay.

2 người nhập viện vì bà tặng cháu bóng bay

Chiều 1/7/2015, nhân dịp sinh nhật cháu C.M.H (3 tuổi, Trần Duy Hưng, Hà Nội), bà N.T.Y (53 tuổi) mua 2 quả bóng bay mang đến lớp trong lúc đón cháu. Khi cháu H. vừa cầm bóng thì bất ngờ 2 quả bóng bay phát nổ khiến cháu bị bỏng toàn bộ vùng mặt. Bà Y. ôm để che cho cháu cũng bị bỏng 2 bàn tay và cổ tay.

Hai bà cháu được đưa vào viện Bỏng Quốc gia để cấp cứu. Bác sĩ điều trị cho biết, cháu H bị bỏng độ 2-3 toàn bộ vùng mặt nhưng do bỏng khí nên có khả năng sẽ không để lại sẹo.

Dùng bóng bay để chụp ảnh, 3 sinh viên bị bỏng

Kinh hoàng những “quả bom di dộng” phát nổ - 2

Một học sinh bị bỏng nặng ở 2 tay và tím đen vùng da mặt

Ngày 11/5/2015, sinh viên trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) dùng bóng bay để trang trí buổi chụp ảnh kỷ yếu cuối khóa.

Một bạn nam trong lớp dùng bật lửa đốt sợi dây buộc nhằm chia nhỏ chùm bóng bay. Do bất cẩn, ngọn lửa bùng lên, cả chùm bóng phát nổ khiến 2 nam sinh và 1 nữ sinh bị bỏng.

Cả 3 ngay lập tức được đưa vào Bệnh viện Y dược Huế (Thừa Thiên - Huế) điều trị trong tình trạng bỏng vùng mặt và cánh tay.

13 thầy trò bị bỏng sau khi được phát bóng để chơi

Kinh hoàng những “quả bom di dộng” phát nổ - 3

Nổ bóng bay khiến 2 thầy giáo cùng hơn chục học sinh phải nhập viện cấp cứu

Ngày 24/4/2014, sau khi kết thúc lễ mừng trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều học sinh Trường THCS Suối Dây (huyện Tân Châu, Tây Ninh) được giáo viên phát bóng bay để chơi.

Bất ngờ chùm bóng bay phát nổ làm 11 học sinh và 2 thầy giáo bị bỏng và phải nhập viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chữa trị.

4 người nhập viện vì bóng bay phát nổ trong đám cưới

Ngày 16/1/2014, gia đình anh Nam (40 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) đi dự đám cưới người thân ở nhà hàng. Đứa cháu xin một quả bóng bay ở đám cưới để chơi, anh Nam rút một dây trong chùm bóng bay ra nhưng không được.

Anh dùng bật lửa để đốt dây buộc. Quả đầu tiên thành công nhưng đến quả thứ 2 thì cả chùm bóng bay phát nổ.

Anh Nam và 3 đứa trẻ đứng gần bị lửa bén vào quần áo, bỏng ở mặt, cổ, tai và hai bàn tay.Cả 4 được sơ cứu và chuyển tới Bệnh viện Xanh Pôn điều trị. 

Bóng bay hydro nguy hiểm thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Thống cho biết, năm nào Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cũng tiếp nhận vài trường hợp bỏng nặng do nổ bóng bay, thường là vào các dịp khai giảng năm học, lễ hội hay trung thu. Những ca này thường gây tổn thương nặng phần mặt, cổ, ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ.

Theo bác sĩ Thống, bóng bay được bơm bằng khí hidro mới có thể bay lên, nên khi có áp lực, lại gặp nguồn nhiệt (tàn thuốc, bật lửa…) là có thể gây nổ, gây cháy. Điều đáng lo ngại nhất là vấn đề thẩm mỹ. Bởi bóng bay bơm khí hydro phát nổ lửa thường chờm nhẹ, bốc nhanh nhưng lại rơi vào các chỗ hiểm trên người như đầu, mặt, cổ, tai và hai bàn tay.

Khí hydro nhẹ, cấu trúc phân tử bé nên bơm vào bóng bay thế này thẩm thấu cực nhanh, và có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Bóng có áp lực căng nên nếu gặp nguồn nhiệt như tàn thuốc, bật lửa, ánh nắng mặt trời… có thể phát nổ, cháy gây bỏng cho những người đứng gần.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng bóng bay, nguồn khí bên trong bóng bay rất dễ thẩm thấu ra ngoài, trong đó ra nhiều ở cuống bóng chỗ buộc dây. Vì thế khi nạn nhân đốt dây vô tình khiến cho luồng khí bị đốt nóng, thể tích giãn nở gây ra cháy nổ. Những vụ nổ bóng bay thường nguy hiểm cho những người đứng gần, có thể bỏng da tay da mặt là những vị trí nhạy cảm.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cũng cảnh báo: “Hầu hết các loại bóng bay trên thị trường hiện nay đều rất độc khi cho trẻ nhỏ thổi, ngậm, mút hay cầm tay. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của trẻ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN