Kinh hoàng nạn săn lùng người bạch tạng ở Tanzania

Một cái tay hoặc bàn chân của người bị bạch tạng có giá từ 3.000 - 4.000USD. Mức giá ấy đã khiến nạn săn lùng người bạch tạng lan nhanh, đe dọa mạng sống của hàng ngàn người mắc căn bệnh này ở Tanzania.

Tờ Dailymail của Anh ngày 27.1 có bài phóng sự miêu tả, những người bị bệnh bạch tạng ở Tanzania đang bị "săn lùng như động vật quý” bởi nhiều người mê muội vẫn tin rằng, bộ phận cơ thể của người bạch tạng sẽ mang lại may mắn. Nhiều người sẵn sàng trả 3.000 - 4.000USD cho một cái chân hoặc tay và trả nhiều hơn với mức 75.000 USD cho toàn bộ cơ thể người bạch tạng.

Săn lùng như động vật

Chính vì mức lợi nhuận làm mờ mắt đó, người thân trong gia đình người bạch tạng cũng đang tâm lừa bán chính người ruột thịt của mình. Chính vì vậy, số người bạch tạng bị giết ngày càng tăng lên hoặc nếu họ không bị giết thì họ cũng mất đi các bộ phận cơ thể của mình.

Kinh hoàng nạn săn lùng người bạch tạng ở Tanzania - 1

Những người bị bạch tạng được đưa về một trung tâm đặc biệt để tránh bị những kẻ săn lùng hãm hại.    (Ảnh: Dailymail)

Thực tế, bạch tạng là bệnh giảm sắc tố di truyền, tính lặn với biểu hiện giảm sắc tố đồng đều ở da, tóc và võng mạc. Da của người bị bạch tạng dễ bị bỏng nắng, do đó dễ bị ung thư da. Ngoài ra, bạch tạng còn gây ra rối loạn thị giác, giảm thị lực và sợ ánh sáng. Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ người mắc bệnh bạch tạng cao thường ở khu vực nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh, nơi tỷ lệ hôn nhân cận huyết tăng cao. Tỷ lệ những người mắc bệnh bạch tạng ở Tanzania là 1/1.400 người. Trong khi đó ở phương Tây là 1/20.000 người. Hàng năm có hàng chục vụ giết người xảy ra, thậm chí những ngôi mộ của người bạch tạng cũng bị cướp

Một số trường hợp tấn công người bạch tạng gần đây được ghi nhận. Bé gái 4 tuổi tên là Pendo Emmanuelle Nundi đã bị bắt cóc tại nhà vào tháng 12.2014. Cha và chú của bé gái này bị bắt giữ vì liên quan đến vụ bắt cóc. Mặc dù phần thưởng của cảnh sát là khá hậu hĩnh nếu ai phát hiện ra cô bé nhưng Pendo Emmanuelle Nundi đáng thương vẫn không được tìm thấy. Tổ chức từ thiện tại khu vực này không hy vọng cô bé được trả lại an toàn nhưng họ hy vọng cô bé sẽ không bị giết chết một cách tàn bạo.

Một trường hợp khác, cậu bé Mwigulu Matonange bị tấn công bởi hai người đàn ông trên đường cậu bé đi học về cùng với một người bạn. Cậu bé đã bị họ chặt đứt cánh tay trái của mình.

Dailymail cũng dẫn một báo cáo của Liên Hợp Quốc, một người phụ nữ bạch tạng (38 tuổi) đã bị chồng cùng 4 người đàn ông khác tấn công bằng một con dao phay khi cô đang ngủ vào tháng 2.2013. Bé gái đã thấy cha của mình mang một cánh tay của mẹ từ phòng ngủ đi ra.

Những người sống ở Tanzania thường bị cám dỗ bởi vài trăm USD vì vậy họ thậm chí còn dám tấn công cả người thân của mình.

Kẻ thù giấu mặt là ai?

Để lý giải cho việc vì sao bộ phận cơ thể người bị bạch tạng lại có giá cao đến vậy. Ỏ Tanzania và nhiều nước châu Phi khác, nhiều người quan niệm rằng, ai có được các bộ phận của người bạch tạng sẽ có may mắn. Từ chính trị gia đến các ngư dân, nếu được sở hữu những thứ này đều có thể chiến thắng trong bầu cử hay tôm, cá đầy thuyền khi đánh bắt. Và hiển nhiên, những người tìm mua bộ phận của người bị bạch tạng phải là người giàu có, nhưng họ là ai ?

Có 10 người người bị xét xử vì tấn công hoặc sát hại người bạch tạng ở Tanzania nhưng không ai trong số họ là người mua. Liên Hợp Quốc cảnh báo nhiều chính trị gia ở Tanzania tìm tới "thầy pháp phù thủy" để mua bộ phận cơ thể người bạch tạng vì tin rằng nó giúp họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng tiết lộ, các thợ mỏ sử dụng xương người bạch tạng như bùa hộ mệnh, hoặc sẽ chôn họ ở những nơi khoan vàng để mang lại may mắn tìm thấy vàng.

Trong khi đó, những ngư dân mê muội thì tin rằng, nếu lấy được tóc của người bạch tạng đan vào lưới, sẽ giúp họ đánh bắt được nhiều cá hơn. Không chỉ vậy, ở một số khu vực có núi lửa khi núi lửa phun trào người ta tin rằng đó là lúc thần núi nổi giận và chỉ có máu của những người bạch tạng mới xoa dịu được sự tức giận của thần núi. Vì thế những người dân châu Phi càng tin vào quyền năng kỳ diệu của những người bạch tạng.

Ngoài những kiểu tấn công man rợ như chặt các bộ phận, hoặc thậm chí giết chết, người bị bệnh bạch tạng còn bị hiếp dâm cho mục đích… chữa bệnh.

Năm 2014, chính quyền Tanzania phát động chiến dịch gây quỹ xây dựng chương trình thuyết phục các cộng đồng từ bỏ quan niệm mê tín và chấm dứt tấn công người bạch tạng. Tuy nhiên, chương trình chỉ tập trung ở các thành phố lớn.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền My (theo Dailymail) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN