Kiến nghị trẻ 15 tuổi được điều khiển xe máy dưới 50 phân khối
Ông Nguyễn Tô An, Cục phó Đăng kiểm Việt Nam, đề xuất cấp bằng lái xe cho người từ 15 tuổi trở lên để học sinh THPT được đi xe gắn máy, xe điện đến trường.
Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất (ngày 18/5), điều 59 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy, không yêu cầu có bằng lái xe. Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Xe gắn máy (bao gồm xe máy điện) là xe cơ giới có dung tích xi lanh dưới 50cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kw.
Góp ý dự luật, ông Nguyễn Tô An, Cục phó Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng theo Bộ luật Lao động, độ tuổi tối thiểu của lao động là đủ 15, có đủ sức khỏe để điều khiển xe gắn máy. Mỗi năm cả nước có hơn 400.000 người ở độ tuổi 15 tham gia học nghề hoặc lao động tự do, hơn một triệu học sinh vào lớp 10.
Về nhu cầu sử dụng xe gắn máy của lứa tuổi này, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 2.970 trường THPT trong năm học 2022-2023. Ở vùng nông thôn, miền núi, rất nhiều trẻ phải đến trường với khoảng cách xa từ vài km đến hàng chục km. "Dự thảo luật không cho phép người 15 tuổi sử dụng xe gắn máy sẽ gây khó khăn cho các em khi đi làm việc, đến trường", ông An nói.
Do đó, ông An đề xuất sát hạch, cấp bằng lái hạng AM (bằng lái xe dưới 50cc) cho những người từ 15 tuổi khi sử dụng xe gắn máy. Nhóm trẻ này được học lý thuyết và thực hành ở gia đình, sau đó đến trung tâm sát hạch để kiểm tra, đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp giấy phép lái xe. Khi đủ tuổi cấp giấy phép lái xe hạng A1 thì người đã được cấp giấy phép hạng AM chỉ cần kiểm tra thực hành.
"Trong khi xe gắn máy được quản lý bằng cách cấp biển kiểm soát thì người điều khiển phương tiện cũng được cấp bằng để kiểm tra kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông", ông An nói.
Cảnh sát giao thông Hà Nội trong một lần xử lý học sinh đi xe máy điện vi phạm giao thông. Ảnh: Phương Sơn
Quy định cấp bằng cho người lái xe gắn máy cũng phù hợp với các Công ước quốc tế cũng như thực tế giao thông tại Việt Nam. Hiện Công ước Viên quy định người lái xe gắn máy cần được cấp bằng hạng AM.
Chế tài xử lý các vi phạm với nhóm chưa thành niên 15 tuổi cũng như với nhóm 16 tuổi khi vi phạm hành chính thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải bồi thường.
Đại diện Hiệp hội Ôtô, Xe máy, Xe đạp Việt Nam cho rằng học sinh 15 tuổi về cơ bản đủ sức khỏe để điều khiển xe gắn máy. Bộ luật Hình sự 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép. Như vậy, người đủ 15 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự, phải ý thức được trách nhiệm khi điều khiển xe gắn máy.
Theo vị này, việc hạ tuổi người được điều khiển xe gắn máy đủ 15 tuổi là khả thi và phù hợp với thực tế. Nếu luật hạn chế chỉ để người từ đủ 16 tuổi mới được điều khiển xe gắn máy sẽ gây tình trạng "vi phạm pháp luật chủ động", do người dân vẫn để con mình sử dụng xe gắn máy dù biết là vi phạm pháp luật, tạo ra ý thức không tốt về pháp luật của con em về sau.
Hiệp hội Ôtô, Xe máy, Xe đạp Việt Nam cho biết khi đề xuất người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy, bên cạnh tăng cường tuyên truyền và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cơ quan chức năng cũng cần đào tạo kỹ năng điều khiển xe gắn máy cho lứa tuổi này, coi như một môn học bậc THPT.
Góp ý dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại phiên họp Thường vụ Quốc hội giữa tháng 3, ông Khuất Việt Hùng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông, cho rằng việc cấp giấy phép lái xe máy điện và xe dưới 50cc cần áp dụng cho cả trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi để đảm bảo an toàn giao thông.
Năm 2023, gần 1.000 trẻ dưới 18 tuổi thiệt mạng và 1.300 em bị thương do tai nạn giao thông. 80% nạn nhân thuộc độ tuổi 15-18 và tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn. Ông Hùng cho rằng nếu giao lại việc đào tạo lái xe cho cơ sở giáo dục THPT thì quá tải và không có cơ sở vật chất. Do đó người dưới 18 tuổi muốn điều khiển phương tiện dưới 50cc và xe máy điện phải sát hạch như giấy phép lái xe A1 tại trung tâm sát hạch chính quy.
Trái với quan điểm trên, PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế công cộng), cho rằng việc nâng cao nhận thức cho học sinh điều khiển xe gắn máy là cần thiết, song yêu cầu các em đi sát hạch, cấp bằng sẽ gây phiền hà vì có nhiều thủ tục, quy trình. Chỉ sau 2-3 năm khi các em đến 18 tuổi lại phải đi thi sát hạch giấy phép lái xe các hạng A1 nếu muốn lái xe môtô.
Quy định người lái xe máy điện, xe gắn máy dưới 50cc phải có bằng lái xe A0 (qua sát hạch) từng được đưa vào dự thảo lần 1 Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, tháng 7/2020. Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng đại diện một số cơ quan từng bày tỏ ủng hộ quy định này.
Quốc hội sau đó quyết định tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cả hai dự luật trình Quốc hội khóa 15 cho ý kiến đều không có nội dung quy định cấp bằng hay sát hạch người lái xe máy dưới 50cc.
Một số quốc gia châu Âu đã quy định người từ 15 tuổi trở lên phải có bằng lái AM để được phép điều khiển xe gắn máy dưới 50cc trên đường. Để có thể lấy bằng AM, người dân cần vượt qua một bài kiểm tra lý thuyết bắt buộc nhằm đánh giá mức độ hiểu biết về các quy tắc giao thông. Ở một số quốc gia thành viên EU, kỳ thi lấy bằng AM còn bao gồm bài kiểm tra hành vi.
Nguồn: [Link nguồn]
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đề nghị người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50cc phải có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ lái xe