Kiến nghị tạm dừng thi công hồ chứa nước 500 tỷ ở Lâm Đồng

Sự kiện: Tin ngắn

Đồng thời với việc kiến nghị tạm dừng thi công hồ Đông Thanh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng còn đề xuất công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gần hồ này để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân.

Nhà dân bị lún nứt nghiêm trọng, không ở được

Nhà dân bị lún nứt nghiêm trọng, không ở được

Sở NN&PTNT Lâm Đồng vừa có văn bản đề xuất UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà) để khắc phục triệt để sự cố. Vụ tai biến địa chất này xảy ra sát khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh (có vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng).

Cụ thể, Sở NN&PTNT đề nghị tỉnh xem xét chấp thuận cho UBND huyện Lâm Hà lập dự án khẩn cấp khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại đây; trước mắt được chỉ định đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý sự cố.

Đồng thời, Sở này đề xuất UBND tỉnh chấp thuận tạm dừng thi công công trình hồ chứa nước Đông Thanh cho đến khi UBND huyện Lâm Hà thực hiện xong việc xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý sự cố. Mục đích tạm dừng thi công nhằm đảm bảo tích nước an toàn, ổn định lâu dài trong giai đoạn thi công cũng như khi quản lý vận hành.

UBND huyện Lâm Hà tiếp tục theo dõi, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố; đồng thời triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và các lực lượng có liên quan khác cũng như đảm bảo an toàn công trình hồ chứa nước Đông Thanh.

Như báo Tiền Phong đã thông tin, đầu tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện tại khu vực sườn đồi vai phải đập, sát với khu vực thi công xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh xuất hiện một số vết nứt có chiều rộng từ 20 - 30cm, ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của một số hộ. Các vết nứt ngày càng rộng thêm dẫn đến tình trạng sạt trượt, sụt lún đất.

Đến ngày 28/7, xuất hiện thêm nhiều vết nứt với chiều rộng lên đến 50cm, lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án. Dọc theo các vết nứt xảy ra tình trạng sụt lún đất, nơi lớn nhất là 1,5m. Hậu quả, gây nứt tường, sụt lún sàn, sạt lở mái taluy… một số căn nhà.

Đường bị nứt toác nhiều mảng

Đường bị nứt toác nhiều mảng

Hiện đã có 9 hộ dân với diện tích gần 5,4 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp; thiệt hại nhiều tài sản.

UBND huyện Lâm Hà phải chỉ đạo di dời khẩn cấp 4 hộ khỏi nơi nguy hiểm, trong đó có 2 hộ ở tạm tại nhà quản lý vận hành dự án nhưng nhà này hiện cũng nằm trong khu vực nguy hiểm.

Từ ngày 28/7 đến nay tiếp tục xảy ra sạt, trượt với 4 cung trượt lớn đang hoạt động gồm: Cung 1 dài khoảng 60m, có ba vết nứt lớn cách nhau 8m, rộng 5m, chiều sâu đất sụt lún 4m. Cung 2 dài 58m, có hai vết nứt, vết nứt trên đỉnh đồi rộng 2m phát triển chậm, vết nứt giáp đường quản lý vận hành rộng 5m, làm sạt mái taluy phần đất nhà dân.

Tình trạng trượt đất xảy ra cả phía thượng lưu và hạ lưu hồ chứa nước Đông Thanh

Tình trạng trượt đất xảy ra cả phía thượng lưu và hạ lưu hồ chứa nước Đông Thanh

Cung 3 dài khoảng 42m, có một vết nứt trên đỉnh đồi rộng 0,6m phát triển chậm. Cung 4 dài 50m, có hai vết nứt gồm vết trên đỉnh đồi rộng 0,4m và vết nứt chéo từ nhà dân qua đường tránh ngập làm sạt trượt sân nhà dân, mái taluy đường và đẩy trồi 20m đường tránh ngập lên khoảng 1,5m.

Một số vết nứt tại công trình xây dựng hồ Đông Thanh

Một số vết nứt tại công trình xây dựng hồ Đông Thanh

Sạt trượt cũng khiến cụm công trình đầu mối của dự án hồ chứa nước Đông Thanh gặp nhiều sự cố, hư hỏng tại đập xả tràn, dốc nước, cống lấy nước, cũng như nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình thi công, vận hành dự án.

Sụt lún 'cắt đôi' con đường 800 tỉ ở Lâm Đồng

Đường tránh được đầu tư hơn 800 tỉ đồng đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP Bảo Lộc suốt gần 7 năm qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quế Như ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN