Kiến nghị của cư dân vụ ông Thản 'điếu cày' lừa dối sẽ được giải quyết ra sao?
Hàng trăm cư dân mong muốn tòa giải quyết quyền lợi ngay trong vụ án hình sự "lừa dối khách hàng", buộc bị cáo Lê Thanh Thản bồi thường thỏa đáng cho họ. Liệu đề nghị này có được TAND TP Hà Nội đáp ứng?
Như PLO đã đưa tin, trước phiên tòa xét xử ông Lê Thanh Thản (ông Thản "điếu cày", chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Bemes, về tội lừa dối khách hàng (vào ngày 10-8 tới), hàng trăm hộ dân đã ký đơn đề nghị HĐXX TAND TP Hà Nội giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ.
Dự kiến, phiên tòa xét xử ông Lê Thanh Thản diễn ra ngày 10-8-2023.
3 kiến nghị từ cư dân
Trong vụ án này, VKS xác định 488 hộ dân đã mua các căn hộ ở Tòa nhà CT6 Dự án Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) là bị hại. Quá trình điều tra, có 6 bị hại yêu cầu trả lại tiền, VKS xác định ông Thản phải trả lại 7 tỉ đồng cho 6 người này và nhận lại các căn hộ.
Các bị hại khác có đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ thì tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu.
Trước quan điểm VKS nêu trong bản cáo trạng, hơn 200 hộ dân thống nhất đề nghị tòa giải quyết 3 nội dung.
Thứ nhất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất cho các căn hộ Tòa CT6.
Thứ hai, trong trường hợp các cư dân không được cấp giấy chứng nhận, thì ông Thản và Công ty Bemes phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thỏa đáng, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội do bị cáo gây ra. Cụ thể mức bồi thường, thiệt hại, cư dân sẽ đưa ra tại phiên tòa tới đây.
Thứ ba, không tách yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của cư dân để giải quyết khi có yêu cầu mà giải quyết triệt để luôn trong bản án hình sự của TAND Hà Nội.
Giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự thế nào?
Về yêu cầu giải quyết luôn quyền lợi trong vụ án hình sự, theo luật sư Đỗ Ánh Tuyết (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), vấn đề này được quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự: "Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự''.
Như vậy, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được giải quyết cùng với vụ án hình sự nhằm giải quyết nhanh chóng và đảm bảo quyền lợi của bị hại hoặc nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Đối với các trường hợp bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trường hợp tách riêng này thì người bị thiệt hại phải nộp đơn khởi kiện dân sự với tư cách là nguyên đơn tới TAND có thẩm quyền.
''Hạn chế của trường hợp tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là người bị thiệt hại sẽ mất rất nhiều thời gian để thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho thiệt hại và yêu cầu bồi hoàn của mình cũng như mất thời gian do quy trình thủ tục tố tụng của 1 vụ án dân sự kéo dài'' - luật sư Tuyết cho biết.
Tuy nhiên, luật sư Vũ Thị Mai Phương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng theo quy định của pháp luật, để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra. Do đó có việc quyết định giải quyết phần dân sự trong cùng vụ án hình sự hay không thì tòa sẽ căn cứ Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự và thực tế việc chứng minh số tiền thiệt hại của đương sự.
''Nếu tại phiên tòa, các bị hại chứng minh được số tiền thiệt hại cụ thể thì có thể tòa sẽ giải quyết; nếu chưa chứng minh được thì có thể tòa vẫn tách phần dân sự ra để dành quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật dân sự'' - luật sư Phương nhận định.
Cấp sổ đỏ là thủ tục hành chính
Đối với mong muốn được cấp giấy chứng nhận của cư dân, luật sư Tuyết cho rằng yêu cầu này liên quan đến các tài liệu giấy tờ và căn cứ pháp lý riêng biệt và không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án hình sự đối với tội danh mà ông Lê Thanh Thản bị truy tố.
''Đây có thể là lý do cáo trạng nêu quan điểm tách phần yêu cầu dân sự giải quyết riêng'' - luật sư Tuyết nói.
Còn luật sư Vũ Thị Mai Phương cho biết thêm, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất là thủ tục hành chính, thuộc quyền giải quyết của sở tài nguyên môi trường theo quy định của Luật đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành. Tòa không thể yêu cầu cơ quan hành chính làm trái thủ tục hành chính được.
Để giải quyết quyền lợi cho cư dân, luật sư Tuyết cho rằng tòa sẽ căn cứ vào các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng đã ký giữa cư dân và Công ty Bemes. Trường hợp hợp đồng có nội dung thỏa thuận không đúng thì Tòa có thể căn cứ vào Điều 127 BLDS: "Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu” để xác định hợp đồng vô hiệu.
Theo khoản 2 Điều 131 BLDS, "Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận''. Như vậy, bên đã nhận tiền phải trả lại tiền đã nhận, bên nhận nhà phải giao lại nhà đã nhận.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 131 BLDS còn quy định ''bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường''. Tuy nhiên, thiệt hại được xác định là thiệt hại thực tế và bên bị hại cần phải chứng minh được theo quy định tại khoản 1 Điều 585 BLDS.
Theo cáo trạng, ông Lê Thanh Thản đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng công trình dự án CT6 Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng. Tháng 3-2011, ông Thản chỉ đạo quảng cáo, đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án, đưa ra thông tin ''dự án đã được phê duyệt, thiết kế căn hộ và thiết kế công trình tuân thủ các quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã bao gồm giá trị quyền sử dụng đất...” để bán các căn hộ được tạo lập trái pháp luật. Vì thông tin này, khách hàng tin tưởng đã mua các căn hộ của dự án CT6 Kiến Hưng. |
Hàng trăm hộ dân đã ký đơn kêu cứu đề nghị tòa giải quyết đảm bảo quyền lợi cho họ.
Nguồn: [Link nguồn]