Kiến nghị cho phép người dưới 18 tuổi chết não hiến tạng
Ngoài những hỗ trợ về y tế với người hiến tạng và thân nhân người hiến chết não, nhiều ý kiến đề xuất mở rộng độ tuổi người hiến tặng mô, tạng chết não, trong đó cho phép người dưới 18 tuổi chết não hiến mô, tạng.
Sáng 10-12, tại hội thảo về chính sách độ tuổi, quyền lợi và chi trả đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế cho biết nước ta có 20 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện lấy ghép, bộ phận cơ thể người và được cho phép hoạt động Ngân hàng mô.
Đến nay, Việt Nam hiện đã thực hiện ghép được 6 loại bộ phận cơ thể người với tổng số ca ghép là hơn 6.100 ca, trong đó chủ yếu là ghép thận với hơn 5.700 ca (gần 94%), ghép gan là 316 ca (hơn 5%), số còn lại ghép tim, phổi... Những năm qua, có hơn 45.300 trường hợp đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não.
PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức kiến nghị sửa quy định về độ tuổi người chết não hiến tạng.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, trên cơ sở pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã góp phần cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân bị suy mô tạng như suy thận mãn, suy gan, suy tim... Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng ở Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới và chủ yếu lại là các ca ghép tạng từ người cho sống, chiếm 94% trong tổng ca ghép tạng, số lượng ca ghép từ người hiến chết não rất thấp.
Theo Bộ Y tế, nhu cầu ghép của Việt Nam hiện nay là rất lớn, ước tính có khoảng 8.000-9.000 người cần ghép thận, 10.000 người cần ghép gan, 1.000 người cần tim... trong tổng dân số khoảng 97 triệu dân. Như vậy, tình trạng thiếu tạng ghép làm mất cân đối giữa cung - cầu đã hình thành việc mua bán tạng bất hợp pháp và chưa tận dụng được nguồn hiến tạng tiềm năng từ người cho chết não. |
Theo quy định, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho rằng với người hiến khi còn sống, bên cạnh quy định độ tuổi từ đủ 18 đối với người hiến tặng cùng huyết thống, cần bổ sung quy định mở rộng điều kiện độ tuổi đối với người hiến tặng không cùng huyết thống. Theo đó, cần nâng cao độ tuổi hiến tặng lên 30 hoặc 35 tuổi, bởi ở độ tuổi này người hiến thường đã hoàn thiện cả về thể chất, tinh thần và đã cơ bản ổn định cuộc sống, do đó với quy định này, cũng sẽ góp phần hạn chế tình tạng mua bán tạng hiện nay.
Tuy nhiên, đối với trường hợp chết não, người dưới 18 tuổi cần được xem xét chấp nhận khi được người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ hợp pháp của họ đồng ý. Bởi mô, bộ phận cơ thể của người dưới 18 tuổi vẫn có thể dùng để cấy, ghép cho người bệnh được, đặc biệt cho những người bệnh dưới 18 tuổi và khi những người thân thích và bản thân của người chết đều có nguyện vọng muốn hiến tặng thì pháp luật cần xem xét cho phép chấp nhận.
Theo ông Phúc, cần mở rộng độ tuổi đối với người hiến tặng mô, tạng chết não. Trên thế giới, việc cho phép người dưới 18 tuổi được hiến tặng mô, bộ phận của mình sau khi chết, chết não cũng được nhiều nước áp dụng như: Pháp, một số nước liên minh Châu Âu... nhưng đều đặt ra các yêu cầu, điều kiện chặt chẽ đối với trường hợp người hiến tặng dưới 18 tuổi sau khi chết như phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.
Nhân viên y tế mặc niệm người hiến tạng chết não, trước khi phẫu thuật nhận và ghép tạng tại Bệnh viện 108
Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, Luật quy định chỉ những người trên 18 tuổi chết não được hiến tạng. Một số trường hợp trẻ hơn 18 tuổi không may bị chết não có thể hiến tạng nhưng không thể thực hiện vì quy định này. Vì vậy, ông Hệ kiến nghị nên cho phép những người dưới 18 tuổi chết não hiến mô, tạng.
Với nhu cầu hiến ghép mô tạng của Việt Nam hiện nay, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần có các chính sách về y tế để đảm bảo quyền lợi cho người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người và người thân nhân người hiến chết não.
Theo đó, người hiến tạng được ngân sách Nhà nước thanh toán thông qua Quỹ BHYT toàn bộ chi phí khám sàng lọc, lấy tạng và chăm sóc phục hồi, khám sức khỏe định kỳ bằng thẻ BHYT ở bất kỳ cơ sở y tế với mức thanh toán cao nhất.
Đối với người hiến sau khi chết/chết não được miễn toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh, cấp cứu... tại cơ sở y tế nơi chẩn đoán chết não và hiến tạng; được hỗ trợ vận chuyền thi thể và địa phương và chi phí mai táng.
Với bố mẹ hoặc con được tặng thẻ BHYT miễn phí suốt đời, được ưu tiên khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào nào phù hợp với mức thanh toán cao nhất; cùng đó, ưu tiên học phí ở hệ thống trường đào tạo công lập cho bố/mẹ hoặc con. Người thân của họ (con hoặc bố/mẹ; vợ/chồng) được ưu tiên ghép tạng nếu suy tạng....
Các ý kiến cho rằng việc quy định như vậy sẽ bảo đảm được quyền lợi cho người hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết.
Đồng thời, thúc đẩy hoạt động ghép mô, bộ phận cơ thể người ở, góp phần cứu chữa, kéo dài sự sống hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh về suy mô, tạng ở, bảo đảm minh bạch trong việc hỗ trợ quyền lợi, chế độ đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.
Người mẹ đã hiến tạng của con trai để cứu nhiều người có ước nguyện duy nhất trước khi nhắm mắt.
Nguồn: [Link nguồn]