Kiến ba khoang chứa độc tố gấp 10 lần rắn hổ

Kiến ba khoang xuất hiện tại nhiều khu chung cư ở Hà Nội gieo rắc chất độc khiến nhiều người bị hiện tượng giống như “giời leo”, rất ngứa ngáy.

Chị Lan ở khu chung cư Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội bỗng nhiên thấy xuất hiện nhiều nốt phồng rộp, mọng nước, ngứa và rất khó chịu trên mặt nhưng không rõ lý do. Nhìn trên tường chị thấy có rất nhiều kiến ba khoang đang bám ở đó.

Chị bắt chúng lại và mang mẫu đến phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thì được biết chúng chính là thủ phạm gây ra hiện tượng khó chịu nêu trên.

Kiến ba khoang chứa độc tố gấp 10 lần rắn hổ - 1

Hình ảnh kiến ba khoang. Ảnh: Mai Hương

Chị Lan cho biết: “Mấy hôm nay tôi thấy kiến ba khoang bay vào khu chung cư nhiều lắm, nhất là lúc 7-8h tối. Do chủ quan nên gia đình cũng không quét hết những con kiến đó và hậu quả là các vết phồng rộp nổi khắp người”.

Tại thời điểm này, người dân sống tại khu chung cư Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội cũng phản ánh kiến ba khoang xuất hiện. Người dân thường xuyên gọi điện và mang mẫu đến Phòng Nghiên cứu Công trùng thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để hỏi và nhờ tư vấn của các chuyên gia về loại kiến này.

Kiến ba khoang chứa độc tố gấp 10 lần rắn hổ - 2

Những vết thương do kiến ba khoang đốt. Ảnh: Mai Hương

TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm cho biết: “Mấy hôm nay ngày nào tôi cũng tiếp nhận gần chục cuộc điện thoại của người dân ở khu Gia Lâm, Từ Liêm (Hà Nội) phản ánh kiến ba khoang xuất hiện”.

Theo TS Lam, người dân gọi “kiến ba khoang” là không hoàn toàn chính xác bởi đây là loài bọ cánh cộc, có ba khoang rõ rệt. Chúng có chiều dài từ 5-7mm và xuất hiện từ rất lâu, sống chủ yếu ở cánh đồng. Thức ăn của chúng là sâu bọ. Tuy nhiên với tập tính “hướng sáng” nên loại côn trùng này bay vào nhà dân và gây phiền nhiễu cho họ.

Lý giải kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở các khu chung cư thuộc huyện Gia Lâm và Từ Liêm (Hà Nội), TS Lam cho rằng: “Ở các khu chung cư này gần cánh đồng lại bật rất nhiều điện sáng. Người dân ở đây lại thường xuyên mở cửa sổ nên bay vào nhà. Trên bụng của kiến có hai tuyến độc tố có tên khoa học là Pederin, độc gấp 10 lần độc tố của rắn hổ nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn”.

Kiến ba khoang chứa độc tố gấp 10 lần rắn hổ - 3

Theo TS Lam, kiến ba khoang đang vào mùa sinh sản. Ảnh: Thu Trịnh

Khi chúng bò lên người, nhẹ thì ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng. Đặc biệt nếu độc tố dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt hoặc bị mù tạm thời”.

Tuy nhiên, TS Lam cũng cho rằng, những nốt đốt mà người dân phản ánh không phải hoàn toàn do kiến ba khoang gây ra. Thực chất có một số vi khuẩn cộng sinh sống trên kiến tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc với da cơ thể lạ, như một phản ứng bảo vệ.

TS. Lam khuyến cáo, loại kiến ba khoang như người dân thường gọi đang vào mùa sinh sản (tháng 7,8,9). Nếu người dân thấy kiến bay vào nhà nên tắt bớt đèn, trước khi đi ngủ nên quét dọn nhà cửa, rũ giường, chiếu. Nếu đã bị đốt, người dân không được đập chết và chà xát chúng để hạn chết nọc độc lan rộng. Ngoài ra, ở các khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý, chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng.

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Colleoptera (cánh cứng), lớp Insecta (côn trùng), ngành động vật. Về mặt hình thái học của loại côn trùng này rất đặc biệt: thân mình thon, nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong...

(TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trịnh Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN